Phú Quốc cần gì để đón khách quốc tế thành công?
Thành công của thí điểm Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ tạo tiền đề cho ngành du lịch phục hồi. Tuy nhiên, đây không phải kế hoạch dễ dàng mà cần nhiều bên tham gia góp ý, chỉnh sửa.
Theo kế hoạch của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL), trong tháng 10, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn 1 (kéo dài từ tháng thứ nhất đến tháng thứ 3) quá trình mở cửa đón khách quốc tế. Địa điểm là Phú Quốc (Kiên Giang) với khoảng 3.000-5.000 khách/tháng.
Chia sẻ trên góc độ cá nhân với Zing, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho biết Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần đưa ra giải quyết để kế hoạch đón tiếp khách quốc tế thành công.
Đón khách quốc tế không dễ
Bản kế hoạch chi tiết về thí điểm mở cửa cho khách du lịch quốc tế vào Phú Quốc được Bộ VHTT&DL công bố vào đầu tháng 9. Tuy nhiên, trong tháng 10, Việt Nam đã dự kiến đón hàng nghìn lượt khách.
Trong điều kiện bình thường, việc quảng bá tiếp thị để thu hút một thị trường khách quốc tế đã tốn 6 tháng đến một năm.
Ông Hoàng Nhân Chính đưa ra nhiều quan điểm về việc mở cửa Phú Quốc. Ảnh: NVCC.
Đại diện TAB nhận xét việc thiếu thông tin khiến các bên liên quan gặp nhiều bất lợi trong công tác chuẩn bị. Ông cho rằng Bộ VHTT&DL nên công bố kế hoạch lên một website chính thức để các bên liên quan nắm rõ từ đầu.
Theo ông, Singapore, Thái Lan đều công khai kế hoạch từ nửa năm. Do đó, các bên liên quan như khách sạn, nhà hàng, doanh nghiệp lữ hành... biết họ được phép và nên làm gì, thị trường nào được chào đón, thị trường nào không. Từ đó, công tác chuẩn bị, quảng bá hay xúc tiến sẽ dễ dàng hơn.
Làm gì trong giai đoạn đầu?
Trong trường hợp kế hoạch mở cửa diễn ra như dự tính, ông Chính nhận xét đây sẽ là thời điểm nhạy cảm, khó khăn do hoạt động du lịch đã "đóng băng" khá lâu.
"Tình hình dịch khắp thế giới đều phức tạp, kể cả Việt Nam cũng chưa biết bao giờ khống chế thành công. Hôm nay đang ổn, ngày mai lại khác ngay được.
Cách mở cửa giai đoạn đầu sẽ là mở vừa đủ, thận trọng để dịch bệnh không lây lan. Giai đoạn này cũng là lúc chúng ta vừa làm, vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, từ đó sẽ tiến tới mở rộng phạm vi", ông Chính trả lời.
Mở cửa vừa đủ là điều cần làm ở giai đoạn đầu. Ảnh: Sun Group.
Việc lựa chọn thị trường khách được nhiều doanh nghiệp quan tâm do họ đều có những thị trường thế mạnh riêng. Tuy nhiên, câu chuyện chọn thị trường nào cũng cần được cân nhắc.
Ngành du lịch từng nhắm đến thị trường Nga hồi tháng 4. Tuy nhiên, đến khoảng tháng 5- 6, tình hình dịch ở Nga lại trở nên phức tạp nên khó có thể khẳng định thị trường nào tốt nhất lúc này.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn đầu, một số số điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng quy mô, đủ khả năng phân chia khu nghỉ cách biệt, an toàn dành riêng phục vụ cho khách du lịch quốc tế sẽ được lựa chọn.
Sau đó, trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế triển khai thí điểm sẽ xem xét, quyết định việc mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế.
Tuy nhiên, điều này đặt ra câu hỏi các khách quốc tế liệu có muốn đến Việt Nam khi các điểm tham quan, nghỉ dưỡng bị hạn chế. Khi mở cửa Phuket (Thái Lan), chính quyền đã cho phép du khách quốc tế đủ điều kiện đi lại tự do trên đảo. Nếu muốn đến những nơi khác ở 3 tỉnh miền Nam Thái Lan, họ phải ở lại Phuket 7 ngày.
Sau đó, kế hoạch này không diễn ra như mong đợi, "hộp cát" sớm đóng cửa do không kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, sự thoải mái du khách nhận được là nhiều hơn.
Việt Nam từng bước tìm ra những thị trường khách phù hợp. Ảnh: Six Senses.
"Tôi nghĩ 60-70% khách nước ngoài đến Phú Quốc cũng mong muốn đi nhiều hơn, chứ không chỉ ở yên một chỗ", ông Chính nhận xét.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh để giải quyết vấn đề này, Việt Nam cần sàng lọc từ đầu xem nhu cầu của thị trường nào đáp ứng điều kiện chúng ta đưa ra.
Nhiều khách sẵn sàng đến Maldives chỉ để ở trong phòng. Họ không cần tiếp xúc bên ngoài nhiều, chỉ thỉnh thoảng mới gặp nhân viên mang đồ ăn tới. Đổi lại, cảnh quan, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ du lịch của Maldives đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng từ những vị khách này.
"Chúng ta cũng nên nhắm vào các đối tượng như thế. Trước đây, nhiều người trong giới nhà giàu Ấn Độ chọn Phú Quốc làm nơi nghỉ dưỡng, đi tuần trăng mật... Quan trọng là phải tìm ra thị trường phù hợp với điều kiện, sản phẩm mình đưa ra.
Trong giai đoạn đầu, việc đón khách sẽ chia làm nhiều pha. Từng pha sẽ có cách tiếp cận, xây dựng sản phẩm khác nhau. Chúng ta cần tìm thị trường có lợi nhất. Trong giai đoạn thí điểm, đón được nhiều khách chưa chắc đã tốt bằng đón ít khách nhưng đạt được mục tiêu. Càng nhiều khách, việc kiểm soát an toàn dịch bệnh lại càng khó khăn", ông nhận xét.
Bài học từ Phuket và những cách làm mới
Chia sẻ với Zing, ông Chính cho biết mình vẫn đang nghiên cứu và rút ra bài học từ những nước đã mở cửa trước đó. Phuket là địa điểm được nhiều người quan tâm nhất. Địa điểm này cũng từng được kỳ vọng trở thành tấm gương cho các nơi khác ở châu Á học theo.
Dù Phuket chưa thành công, ông Chính nhận xét có nhiều điểm họ đã làm rất chặt chẽ. Việt Nam có thể học hỏi nhiều điều để kế hoạch đón khách quốc tế thuận lợi.
Thứ nhất, chính quyền Thái Lan từng yêu cầu khách quốc tế đến Phuket phải mua bảo hiểm Covid-19 có hạn mức chi trả ít nhất 100.000 USD. Đây là điều không xuất hiện trong bản kế hoạch của chúng ta. Nếu không yêu cầu rõ khoản này, nhiều hệ lụy xấu có thể xảy ra.
"Việc Thái Lan yêu cầu mua bảo hiểm Covid-19 là họ sợ xảy ra rủi ro. Thí điểm không thể đảm bảo 100% khách đều không mắc Covid-19. Giả sử, một khách hay một gia đình khách quốc tế mắc Covid-19 khi tới Phú Quốc, ai sẽ phải trả tiền điều trị cho họ.
Việc yêu cầu mua bảo hiểm Covid-19 là điều cần làm. Ảnh: AP.
Lâu nay, Chính phủ bỏ tiền để điều trị Covid-19 miễn phí cho người Việt Nam. Quá trình này rất tốn kém. Khi điều trị cho khách quốc tế, tiêu chuẩn của họ cao hơn nên còn tốn hơn. Nếu không yêu cầu mua bảo hiểm, Chính phủ hay địa phương lại phải bỏ tiền chữa cho họ sao", ông nói.
Ngoài ra, ông Chính cũng nhấn mạnh đây có thể trở thành kẽ hở cho phong trào du lịch để chữa bệnh ở Việt Nam. Có khả năng, một số khách sẽ gian lận giấy tờ để sang Việt Nam và được điều trị. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra bởi chuyện gian lận, làm giả giấy tờ không hiếm.
Mặt khác, Việt Nam cũng nên học tập Phuket trong việc cấp chứng chỉ an toàn Covid-19 cho các điểm lưu trú, công ty lữ hành.
Khi Thái Lan mở cửa Phuket, hơn 400 khách sạn đã được cấp chứng chỉ SHA+, công nhận là điểm đến an toàn với Covid-19. Chứng chỉ này do Cục Quản lý Y tế và An toàn Thái Lan cấp và chỉ các khách sạn được công nhận mới có thể đón khách quốc tế.
Điểm hay của chứng chỉ này là yêu cầu tỷ lệ tiêm chủng của người lao động trong cơ sở lưu trú đạt 70%. Theo Phuket Sandbox, con số 70% lấy từ tỷ lệ miễn dịch cộng đồng được các cơ quan y tế thế giới chấp nhận. Do đó, chỉ khi đạt đến con số này, các cơ sở mới đủ điều kiện an toàn để đón khách.
"Không chỉ người dân ở Phú Quốc cần tiêm chủng, các nhân viên khách sạn cũng phải đạt điều kiện như thế. Nếu sử dụng chứng chỉ, chúng ta có thể cấp thêm cho cả nhà hàng bên ngoài để đón khách nữa. Chẳng lẽ lại bắt khách tới chỉ ăn đồ ăn trong khách sạn mãi", ông Chính nói.
Cần thêm những chứng chỉ an toàn với Covid-19 để tạo lòng tin cho du khách. Ảnh: Anantara Layan Phuket Resort.
Đại diện TAB cũng đề xuất thành lập một tổ công tác đặc biệt gồm nhiều thành phần từ Bộ VHTT&DL, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan khác, chính quyền địa phương, các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch...
Nhiệm vụ của tổ công tác này là tham gia thảo luận, đề xuất và đưa ra những phương án từ nhiều góc độ. Điều quan trọng là tất cả những bên liên quan đều có tiếng nói và sẵn sàng chịu trách nhiệm cho quyết định của mình.
Tổ công tác này không chỉ tồn tại trong thời gian chuẩn bị mà còn cần hoạt động khi đã đón khách. Mỗi khi có vấn đề phát sinh, tổ công tác phải nhìn ra vấn đề và đưa ra quyết định nhanh chóng, hợp lý nhất để đạt được mục tiêu của kế hoạch thí điểm.
"Tổ công tác này phải họp nhanh, quyết định nhanh, tránh biến thành cơ quan hành chính, giấy tờ. Mỗi bên chỉ cần một, hai người tham gia. Những người này phải nắm rõ vấn đề bộ, ngành, cơ quan mình làm việc để đưa ra quyết định nhanh chóng, gọn lẹ. Tất cả đều có tiếng nói và dám làm, dám chịu để có những phương án tốt nhất", ông Chính chia sẻ.
Cuối cùng, đại diện TAB nhận xét việc mở cửa du lịch quốc tế vẫn là điều trước sau cần thực hiện. Đây cũng là cách đem lại nguồn lợi lớn cho kinh tế Việt Nam. Qua từng năm, tỷ lệ đóng góp vào GDP cả nước của ngành du lịch ngày một tăng. Tới năm 2019, con số này đã đạt đến 9,2%.
Theo ông Chính, nếu không quyết tâm phục hồi du lịch, Việt Nam sẽ bỏ phí cơ hội lớn. Ngoài ra, nếu tiếp tục quá an toàn, nhiều người còn gặp khó, có những doanh nghiệp phải giải thể.
"Chúng ta cần cùng nhau tìm cách bàn bạc, đưa ra mục tiêu chung là mở cửa du lịch. Nền kinh tế của đất nước dựa vào sức khỏe của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp khỏe, kinh tế của đất nước mới phát triển được.
Trước mắt, Phú Quốc cần thực hiện thành công kế hoạch này. Quan điểm của tôi là không cần nhiều khách. Tuy nhiên, trong suốt quá trình, chúng ta phải luôn bàn bạc, chỉnh sửa, đưa ra phương án tối ưu, qua đó đảm bảo an toàn cho người dân và nhà nước cũng yên tâm để mở cửa đón nhiều khách hơn. Đó sẽ là thành quả chúng ta có thể tự hào", ông Chính nói.
Sau gần 2 năm đóng băng, ngày 1/10 du lịch Việt sẽ chính thức 'mở cửa' thí điểm đón khách ngoại ở các thị trường có...