Một nền báo chí nhân văn sẽ có sức mạnh bảo vệ, phát huy giá trị tốt đẹp
Ông Nguyễn Thanh Lâm đánh giá cao nhiều cơ quan báo chí đã có các chuyên mục tốt, tuyến bài hay, ý nghĩa, lay động cảm xúc.
Sáng nay, 24/12, Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 đã tổ chức tại TP.HCM.
Theo Dự thảo báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023 của Hội Nhà báo Việt Nam, năm 2022, báo chí tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện những bước chuyển mình quan trọng.
Hội nghị dành thời gian nghe các đại biểu trao đổi, chia sẻ về những vấn đề cần quan tâm trong công tác báo chí hiện nay, cũng như đời sống báo chí - truyền thông; nhận diện xu hướng, thách thức, từ đó xác định những nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2023 và trong giai đoạn tới.
Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thanh Lâm: Một nền báo chí nhân văn sẽ có sức mạnh bảo vệ, phát huy giá trị tốt đẹp của xã hội. Ảnh: Zing
Hội nghị thống nhất nhận định, năm 2023 là năm bản lề trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đòi hỏi các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo, cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được trong năm 2022; khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”, như tinh thần văn kiện Đại hội.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT nêu thực trạng mỗi ngày trên báo chí điện tử vẫn còn những biểu hiện bất cập, lệch lạc, cẩu thả trong tác nghiệp của một bộ phận phóng viên, thậm chí của cả một số toà soạn báo và tạp chí.
Vẫn còn nhiều bản tin, bài báo thiếu tính nhân văn, quá sa đà vào chạy theo thị hiếu giật gân để câu khách, câu view mà quên đi giá trị cốt lõi của báo chí.
Không ít bài báo, nhà báo nặng về khai thác những vấn đề mặt trái của xã hội, phê phán một cách tuỳ tiện, thậm chí nâng quan điểm, đưa tin thiếu kiểm chứng, quy chụp, kết luận thay các cơ quan có thẩm quyền.
"Thông tin sai lệch, không kiểm chứng có thể khiến một doanh nghiệp lụn bại, hàng trăm hàng ngàn người lao động mất việc làm, hoặc làm mất danh dự, đảo lộn cuộc sống một con người", lãnh đạo Bộ TTTT lưu ý.
Báo chí luôn là lực lượng tiên phong, đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, truyên truyền, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc. Ảnh: Báo Dân sinh
Ông Nguyễn Thanh Lâm đánh giá cao nhiều cơ quan báo chí đã có các chuyên mục tốt, tuyến bài hay, ý nghĩa, lay động cảm xúc.
Như Báo Sức khỏe và Đời sống thực hiện chuyên đề mang tên “Sự sống hồi sinh” là tuyến nội dung ý nghĩa. Mỗi phóng sự là chân dung những y bác sĩ, là những ghi nhận trực tiếp tại tâm dịch và sự hi sinh to lớn của những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Báo điện tử Tổ quốc mở riêng chuyên mục “Đạo đức xã hội” với tuyến bài tiêu biểu “Tự hào Việt Nam” vinh danh các nhân vật hết lòng vì cộng đồng.
Các cơ quan báo chí khác cũng có nhiều nội dung tích cực, mức độ lan toả cao.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm đã phát động hưởng ứng tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022 - 2025, theo Quyết định 1256 ngày 9/12 của Thủ tướng.
Ông Lâm cho biết nhằm lan tỏa, tạo động lực, động viên, khuyến khích, cổ vũ người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cả hệ thống chính trị, ngày 9/12, Thủ tướng đã có Quyết định 1526, ban hành đề án “Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022-2025”.
Đề án coi báo chí là lực lượng tiên phong, đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, truyên truyền, nhân rộng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, nhân tố nổi trội, dẫn đầu trong các phong trào thi đua, gương người tốt, việc tốt trong đời sống xã hội.
Bộ TT&TT đề nghị các cơ quan báo chí nghiên cứu kỹ và hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng, phát huy vai trò, tạo niềm tin và ổn định xã hội. Cần kể nhiều câu chuyện, tấm gương truyền năng lượng, cảm hứng cho người dân và cho doanh nghiệp.
Ông cho rằng đất nước cần một nền báo chí hướng xã hội vào việc suy nghĩ và tìm kiếm lời giải cho những vấn đề lớn, trọng đại. Các cơ quan báo chí hãy đóng góp nhiều hơn nữa cho việc tìm ra và tôn vinh những tấm gương có sáng kiến, giải pháp có ích cho xã hội, giúp ích cho công tác chỉ đạo, điều hành đất nước.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đưa ra định hướng, quan điểm 'Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại'. Trong đó, tính nhân văn, chính xác, khách quan là giá trị cốt lõi, và là lý do tồn tại của báo chí. Một nền báo chí nhân văn sẽ có sức mạnh bảo vệ, phát huy giá trị tốt đẹp của xã hội.
Ông Nguyễn Tấn Phong, nguyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM nhiệm...