Miền Trung thiếu nguồn lao động du lịch
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa đồng ý đề xuất của Bộ VH-TT-DL về thời gian mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15-3, cho thấy sự nỗ lực nhằm sớm phục hồi ngành du lịch.
Tuy nhiên, 2 năm liên tục dừng hoạt động do dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch miền Trung thiếu hụt nguồn lao động trầm trọng.
Du khách quốc tế tham quan phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam). Ảnh: XUÂN QUỲNH
Khách sạn Lotus (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), nơi chị Hoàng Thị Lê Diệu làm lễ tân bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nghiêm trọng. Cầm cự đến đầu năm 2021, khách sạn phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc. Mất việc, chị Diệu xin làm phục vụ quán ăn để trang trải cuộc sống, trong khi một số đồng nghiệp chuyển qua kinh doanh hoặc tìm công việc khác ổn định.
Còn chị Nguyễn Thị Hoa (TP Huế) hiện đã chuyển sang bán hàng nông sản online và dự định sẽ không quay trở lại làm hướng dẫn viên du lịch do nghề này vẫn chưa có sự chắc chắn về nguồn khách so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Thiếu người lao động có kinh nghiệm tại các vị trí như lễ tân, nhân viên phòng và bảo trì là điểm chung của các khách sạn, nhà hàng ở Huế, Đà Nẵng và Hội An từ đầu năm 2022 đến nay.
Bà Châu Thị Hoàng Mai, Giám đốc điều hành Khách sạn Alba (Thừa Thiên - Huế) cho biết, tuyển lao động gấp sẽ thật khó để đáp ứng được yêu cầu công việc, nhưng không có người làm buộc phải tuyển.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Đà Nẵng, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, cũng cho rằng, tuyển dụng lao động với ngành du lịch là vấn đề nan giải, nhiều vị trí tại chợ việc làm không có người ứng tuyển.
Theo thống kê của Sở Du lịch TP Đà Nẵng, từ cuối tháng 4-2021 đến nay, tại Đà Nẵng có khoảng 80% lao động ngành du lịch (khoảng 42.000 lao động trực tiếp ngành du lịch) đã, đang thất nghiệp và chuyển sang làm ngành nghề khác.
Từ dịp Tết Nguyên đán 2022 đến nay, hoạt động du lịch dần khởi sắc và duy trì khá ổn định. Bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy, Giám đốc điều hành Khách sạn Mường Thanh Huế, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, sau tết đến nay, các khách sạn có công suất sử dụng phòng cao, lượng khách tăng đột biến ngoài mức dự báo nên thiếu nhân viên, thiếu nguyên vật liệu, cơ sở vật chất chưa chuẩn bị chu đáo. Có khách sạn thiếu tới 50% lao động do trước đó đã cho nhân viên ngừng việc, nghỉ việc.
Để bù đắp lại lực lượng lao động như khi chưa xảy ra dịch Covid-19 là việc không dễ và tức thời, khi phần lớn lao động đã chuyển nghề hiệu quả. Do đó, nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng có chính sách đãi ngộ cao tạo ra sự cạnh tranh lớn về thu hút lao động trong thời gian tới. Song, những khách sạn nhỏ, có mức đãi ngộ vừa phải sẽ khó thu hút lao động.
Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, việc thiếu lao động có thể dẫn đến nguy cơ giảm chất lượng dịch vụ trong giai đoạn thích ứng toàn diện sắp tới. Điều này sẽ tác động ngược trở lại cho sự phục hồi của ngành du lịch. Trước mắt, ngành du lịch Thừa Thiên - Huế sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nhanh nguồn lao động mới, bổ sung tạm thời lượng lao động đang thiếu hụt; khuyến khích doanh nghiệp chủ động tạo ra môi trường làm việc thân thiện, chế độ tốt để thu hút lao động.
Tương tự, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết, địa phương đã và đang tổ chức hàng loạt các khóa đào tạo cho người lao động ngành du lịch, chủ yếu đào tạo nâng cao tay nghề và đào tạo chuyển đổi.
Bộ Tài chính ban hành Thông tư “gỡ khó” cho hoạt động xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch