Cần làm gì để tránh thảm nạn du lịch đường thủy?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thảm nạn lật ca nô du lịch ở biển Cửa Đại (TP.Hội An, Quảng Nam) khiến 15 du khách thiệt mạng và 2 du khách mất tích, đã đặt ra nhiều câu hỏi nóng bỏng về mức độ an toàn cho các tuyến du lịch đường thủy.

Mối hiểm nguy từ thiết kế tàu ?

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP.Hội An, cho biết hiện có 43 doanh nghiệp (DN) vận tải đăng ký đang khai thác 130 ca nô du lịch vận chuyển khách từ cảng Cửa Đại đi đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP.Hội An). “Địa phương chỉ có nhiệm vụ bán vé tham quan đảo Cù Lao Chàm. Vấn đề rời bến là do Sở GTVT tỉnh cấp lệnh. Lực lượng biên phòng tỉnh có nhiệm vụ kiểm soát các tàu có ra cảng hay không và theo dõi tình hình thời tiết”, ông Sơn nói.

Chính quyền TP.Hội An quy định tất cả du khách khi xuống ca nô phải mang áo phao, nếu không ca nô sẽ không được xuất bến. Trước đây, ca nô chở khách là loại mui trần, không đóng kín, chỉ có mái che. Vì vậy, trong quá trình di chuyển thường bị nước tạt vào có thể làm du khách bị ướt, nhưng trong trường hợp xảy ra tai nạn thì du khách sẽ dễ dàng thoát ra ngoài, nổi lên mặt nước (vì đã mang áo phao) và được cứu hộ.

Cần làm gì để tránh thảm nạn du lịch đường thủy? - 1

Lực lượng chức năng họp bàn phương án tìm kiếm 2 nạn nhân cuối cùng trong vụ lật ca nô du lịch. Ảnh HUY ĐẠT

Trong khi đó, thảm nạn lật ca nô du lịch xảy ra chiều 26.2 dù tất cả hành khách đều mặc áo phao, nhưng thiết kế ca nô du lịch lại đóng kín bằng mái kiên cố, có kính che chung quanh nên nạn nhân không thoát ra được. Theo ông Sơn, trong vụ thảm nạn hôm 26.2, người nào nhảy ra ngoài đều thoát nạn, kể cả các cháu nhỏ. Những người tử vong là do mắc kẹt trong ca nô lật úp...

Thiết kế ca nô này được triển khai từ năm 2018 để đáp ứng khai thác khách từ cảng Cửa Đại ra vào Cù Lao Chàm. Đó là cấp tàu SB, có thể khai thác tối đa lên đến 40 khách, đóng kín bằng mái kiên cố, che kính, chỉ có một lối ra vào phía trước… “Đối với ca nô du lịch, sau vụ việc này địa phương sẽ họp với các ngành chức năng, có các nhà chuyên môn kể cả có sự tham gia của người dân, DN để xem xét cụ thể, mổ xẻ nguyên nhân. Từ đó có kiến nghị tính lại thiết kế tàu để đảm bảo an toàn”, ông Sơn nói.

Trao đổi với PV Thanh Niên về vấn đề có hay không việc ca nô/tàu đóng kín thì khách khó thoát nạn, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết quy chuẩn SB (tàu đóng kín) được cả thế giới và Việt Nam công nhận. Tàu quy chuẩn SB sẽ đảm bảo an toàn hơn cho hành khách.

“Hiện tại nguyên nhân vẫn đang chờ các cơ quan chức năng xác định. Phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng thì mới có ý kiến chính xác về việc này. Sau khi có kết quả điều tra, sẽ tổ chức một hội nghị chung liên ngành nhằm đánh giá lại quy định pháp luật liên quan về vấn đề an toàn vận tải, vấn đề kết cấu hạ tầng và phương tiện để hoàn thiện những quy định đảm bảo giảm thiểu mọi nguy cơ rủi ro cho quá trình khai thác”, ông Hùng nói.

Tổng rà soát mức độ an toàn phương tiện

Hôm qua 27.2, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã trở lại hiện trường trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm, khắc phục hậu quả vụ thảm nạn lật ca nô du lịch. Theo ông Thanh, nhiệm vụ trước mắt là phải khắc phục tối đa hậu quả.

“Sau sự cố đau thương này, mình phải tìm ra nguyên nhân nào căn cốt, để rồi theo trách nhiệm của các cơ quan từ T.Ư xuống địa phương xem làm được cái gì thì phải làm gấp ngay. Chuẩn bị bắt đầu vào mùa du lịch, khách gặp nạn trong vụ này là trong nước, sắp tới mở cửa cho khách nước ngoài nữa. Vì vậy, điều kiện, phương tiện đảm bảo đi lại, luồng lạch…, tất cả mọi thứ phải tổng rà soát, phải vào cuộc khẩn trương”, ông Thanh nói.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Văn Sơn đặt nghi vấn nguyên nhân xảy ra vụ lật ca nô du lịch có thể do ca nô bị mắc cạn rồi bị sóng lớn đánh chìm. Thường những chỗ cạn ven bờ thì sóng rất lớn. Đặc biệt, khoảng 3 năm trở lại đây bất ngờ xuất hiện cồn cát (được gọi là cồn Khủng Long) phía ngoài khơi Cửa Đại và đang có xu thế dịch chuyển, mở rộng về hướng phía bắc, trúng ngay luồng lạch vận chuyển khách ra vào, dẫn đến tình trạng bồi cạn rất nhanh. UBND TP.Hội An đã kiến nghị Bộ GTVT tăng cường nạo vét luồng lạch để bảo đảm an toàn cho tàu thuyền ra vào.

Tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm là tuyến đường thủy nội địa quốc gia, tất cả phương tiện đi lại trên tuyến này phải đảm bảo tiêu chuẩn do bộ ngành T.Ư quy định. Ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, cho biết lâu nay đơn vị phối hợp với nhiều ban ngành luôn tăng cường kiểm tra, tuyên truyền cho người dân lẫn du khách khi ra vào tuyến thủy nội địa Cù Lao Chàm - Cửa Đại.

“DN hay du khách đều chấp hành tốt cả. Tai nạn này xảy ra ngoài ý muốn, vì chuyện sông nước tiềm ẩn nhiều rủi ro”, ông Tuấn nói.

Cần làm gì để tránh thảm nạn du lịch đường thủy? - 2

Ca nô du lịch chở 39 người gặp nạn khiến 15 người tử vong, 2 người mất tích. Ảnh HUY ĐẠT

Bộ công an vào cuộc

Trong ngày 27.2, Cục CSGT Bộ Công an đã làm việc với Công an tỉnh Quảng Nam sau vụ lật ca nô du lịch gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Cục CSGT đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng rà soát, kiểm tra, thống kê, đánh giá thực trạng tất cả hoạt động vận tải hành khách liên quan đến phương tiện thủy nội địa, gồm vận tải hành khách theo tuyến cố định, ngang sông, dọc sông…

Riêng các tuyến vận tải đường thủy từ bờ ra đảo, phải xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan liên quan. Đặc biệt là ở những nơi có nhiều lực lượng cùng có chức năng xử lý vi phạm, nhưng không xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động vận tải hành khách.

Ngoài ra, Cục CSGT cũng yêu cầu làm rõ những tồn tại, bất cập trong hoạt động vận tải hành khách, nhất là việc thiết kế phương tiện gây khó khăn cho việc thoát nạn khi xảy ra sự cố. Lực lượng cảnh sát đường thủy tập trung kiểm tra ngay tại các đầu bến, các địa bàn phức tạp về hoạt động vận tải hành khách.

Đặc biệt, đình chỉ hoạt động và không cho xuất bến các phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn như chở quá số người quy định, thiếu thiết bị an toàn, cứu sinh, cứu đắm, không có danh sách hành khách theo quy định hoặc khi thời tiết không bảo đảm. (còn tiếp)

Sáng sớm qua (27.2), lực lượng chức năng tìm thấy thi thể 2 nạn nhân trong vụ lật ca nô du lịch tại biển Cửa Đại, gồm Ngô Thy Hiếu (12 tuổi) và Nguyễn Thị Giản Đơn (24 tuổi); đồng thời đang tích cực tìm kiếm tung tích 2 cháu nhỏ còn lại. Phương tiện tìm kiếm được huy động bao gồm cả máy bay trực thăng và tàu thuyền; phía trên bờ cũng có gần 100 người tham gia.

Hôm qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cùng lãnh đạo địa phương đến nhà tang lễ Bệnh viện Hội An (Quảng Nam) viếng hương và chia sẻ nỗi mất mát với gia đình các nạn nhân. UBND tỉnh Quảng Nam đã trích ngân sách hỗ trợ thân nhân người tử vong 10 triệu đồng, người bị thương 4 triệu đồng, và bố trí phương tiện để đưa thi hài nạn nhân về quê, chỉ đạo tập trung cứu chữa người bị thương.

Theo báo cáo nhanh của Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, ca nô du lịch số hiệu QNa-1152 của Công ty TNHH MTV Phương Đông do ông Lê Sen (52 tuổi, ở P.Cửa Đại, TP.Hội An) làm thuyền trưởng, công suất 400 CV, sức chở cho phép 35 người (chưa tính thuyền viên), cấp đăng kiểm SB. Thời điểm bị nạn, trên tàu có 36 khách và 3 thuyền viên.

Siết an toàn du lịch
Siết an toàn du lịch

Vụ chìm ca nô chở khách du lịch làm nhiều người chết ở Quảng Nam chính là lời cảnh tỉnh về vấn đề an toàn trong du...

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Mạnh Cường - Huy Đạt (Báo Thanh Niên)

CLIP HOT