Lượng khách tăng mạnh, ngành du lịch TP.HCM đang thiếu lao động 'có nghề'
Trong bối cảnh tăng trưởng lượng khách du lịch đến TP.HCM, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, nhất là lao động có chất lượng.
Theo Sở Du lịch TP.HCM, hiện tại ngành du lịch đang gặp khó khăn về nguồn nhân lực do thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng. Nguyên nhân của tình trạng này là do sự chuyển dịch nguồn lao động giữa các ngành nghề, địa phương và chuỗi hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch bị đứt gãy, gián đoạn.
Theo thống kê, khoảng 80% lao động đã nghỉ việc hoặc chuyển đổi ngành nghề sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Trong khi đó, lượng khách quốc tế đến TP.HCM đang tăng mạnh. Chỉ trong Quý I/2023, đã có khoảng 1,8 triệu lượt khách nước ngoài đến thành phố, tăng gấp 36,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Ngành du lịch đang gặp khó khăn về nguồn nhân lực do thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng. Ảnh: PV
Trong buổi tọa đàm về đào tạo và tuyển dụng nhân sự cho lĩnh vực du lịch tại Ngày hội Du lịch TP.HCM vào 8/4, Giám đốc Nhân sự Tập đoàn Khách sạn IHG khu vực phía Nam - bà Đoàn Trần Phương Thảo, cho biết cần tuyển dụng 40.000 lao động có trình độ trong ngành du lịch TP.HCM, tuy nhiên chỉ 15.000 người được đào tạo tay nghề cao.
Bà Thảo cũng chỉ ra một số khó khăn trong quá trình đào tạo, bao gồm các chương trình đào tạo chưa sát công việc và tính liên thông của các cơ sở đào tạo không đồng nhất, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tuyển dụng.
Một trong những hạn chế phổ biến của nhân lực ngành du lịch là trình độ ngoại ngữ chưa đạt. Bà Trần Thị Việt Hương - Giám đốc Nhân sự Công ty Du lịch Vietravel, cũng chia sẻ rằng, 90% ứng viên mới tốt nghiệp phải được đào tạo lại, để thích ứng với công việc thực tế.
Kỹ năng giao tiếp và xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình làm việc với khách hàng, đồng nghiệp được cho là điểm yếu chung của các ứng viên mới ra trường. Ngoài ra, năng lực ngoại ngữ cũng như thái độ làm việc không đáp ứng được mong đợi. Bên cạnh đó, việc đào tạo các nội dung chuyên môn nghiệp vụ cho ứng viên mới còn tốn rất nhiều thời gian.
Kỹ năng giao tiếp và xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình làm việc với khách hàng, đồng nghiệp được cho là điểm yếu chung của các ứng viên mới ra trường. Ảnh: PV
Để giữ chân nhân sự trong bối cảnh biến động thị trường, bà Thảo cho hay công ty đã triển khai một chiến lược phát triển và đào tạo nhân lực chặt chẽ và bài bản. Bước đầu tiên là đa dạng trong tuyển dụng. Nhưng tiêu chuẩn cao đầu vào là một yêu cầu của công ty.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết đã hợp tác với Cục Thống kê để đánh giá tổng thể tình hình nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch và tìm ra các giải pháp hiệu quả. Trong thời gian ngắn, Sở sẽ phối hợp với Trung tâm Tiếng Hàn và Tổng lãnh sự quán Nhật Bản, tổ chức các lớp đào tạo ngoại ngữ hiếm như Nhật, Hàn và Tây Ban Nha cho đội ngũ hướng dẫn viên.
Ngoài ra, Sở cũng sẽ thúc đẩy các cơ sở đào tạo tham gia vào các sự kiện trong ngành, như chương trình hợp tác giữa các tỉnh, ngày hội và hội chợ du lịch.
Ông Lê Minh Bảo Châu - Giám đốc vận hành của khách sạn Liberty Saigon Greenview, cho biết việc chuyển đổi lao động sau dịch đang gây nhiều khó khăn.
Khách sạn ông quản lý đang gặp thiếu hụt gần 300 nhân viên, và chỉ có thể tuyển được khoảng 20% của nhu cầu, đó chủ yếu là sinh viên mới ra trường. Doanh nghiệp đang hợp tác với các trường đại học tại TP.HCM, cũng như một số tỉnh ở miền Bắc và miền Trung để đào tạo trực tiếp tại trường, với mong muốn sớm có được nhân lực chất lượng.