Liên kết phát triển du lịch, Đông Nam bộ đón trên 73 triệu lượt khách
Từ năm 2020-2022, các tỉnh thành Đông Nam bộ đã đón trên 73 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt khoảng 260 tỷ đồng.
Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2020-2025 được lãnh đạo UBND 6 tỉnh, thành phố (Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh và TP.HCM) ký kết ngày 28/6/2020, tại Tây Ninh. Đến nay, thỏa thuận đã đi được gần nửa chặng đường, với nhiều kết quả tích cực.
Trong giai đoạn 2020-2022, tổng lượng khách du lịch đến vùng Đông Nam bộ đạt trên 73,53 triệu lượt khách với doanh thu 260.160 tỷ đồng, trong đó có gần 3,1 triệu lượt khách quốc tế.
Bình Phước, một trong 6 tỉnh thành vùng Đông Nam bộ với nhiều điểm đến hấp dẫn du khách. Ảnh: Dân Việt
Trong 2 năm qua, nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được tổ chức hiệu quả. Các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ trong thời gian này đã tổ chức được 18 sự kiện du lịch tiêu biểu, cũng như triển khai đề án du lịch thông minh trong quảng bá du lịch.
Đáng chú ý, TP.HCM đã chủ trì thực hiện bản đồ du lịch 3D và 2D tương tác thông minh cho vùng Đông Nam Bộ. Tỉnh Bình Dương, Bình Phước đưa vào sử dụng ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động. Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội chợ du lịch trực tuyến năm 2021, 2022 trên nền tảng sàn thương mại điện tử và chương trình kích cầu du lịch “7 địa phương - Du lịch an toàn và hấp dẫn”. Tỉnh Tây Ninh là mắt xích quan trọng trong các tour, tuyến du lịch liên kết vùng.
Riêng Bình Phước đã tập trung khảo sát và xây dựng nhiều tour, tuyến du lịch kết nối vùng, như: tour du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, thể thao tại Khu du lịch hồ Suối Giai kết nối với các hoạt động tham quan, công vụ tại thành phố Đồng Xoài. Tour du lịch trải nghiệm sinh thái rừng, tour du lịch khám phá và trải nghiệm không gian văn hóa độc đáo của người S’tiêng, M’nông tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập.
Hay các tour du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe theo phương pháp Đông y; tour du lịch trải nghiệm các hoạt động thể thao mạo hiểm kết nối với Khu quần thể văn hóa - cứu sinh núi Bà Rá...
Các tỉnh, thành trong vùng đã tổ chức được nhiều tour, tuyến du lịch liên kết các điểm đến ở nhiều tỉnh với nhau, tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn. Cụ thể, tour TP. HCM - Hồ Tràm - Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu), TP.HCM - Côn Đảo, TP.HCM - Củ Chi - núi Bà Đen (Tây Ninh); tuyến du lịch “Hương sắc Tây Ninh” hành trình TP.HCM - Tây Ninh - núi Bà Đen; tour “Về nguồn” TP. HCM - Tây Ninh - Trung ương Cục miền Nam; tuyến du lịch “Tình đất đỏ miền Đông” theo hành trình TP.HCM - Bình Dương - Bình Phước; tour “Thiên nhiên xanh mát - Sắc biển hòa ca” theo hành trình TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu…
Không gian tràn ngập màu xanh mát, bờ hồ phẳng lặng yên bình của Vườn Quốc gia Cát Tiên - Đồng Nai. Ảnh: @xuanloc91
Cùng với đó, việc đào tạo, nâng chất lượng nguồn nhân lực cũng được vùng ưu tiên, liên kết. Các chuyên đề về hướng dẫn viên du lịch tại điểm; quản lý điểm đến và phát triển sản phẩm du lịch; quản lý mô hình khách sạn nhỏ và homestay được tổ chức, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tại hội nghị sơ kết thỏa thuận ngày 29/11, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết, thành phố mang tên Bác đóng vai trò là đầu mối giao thông kết nối các tỉnh thành trong khu vực và cả nước. Do đó, nếu tiếp tục thực hiện tốt việc liên kết này sẽ giúp hình thành "Con đường du lịch Đông Nam bộ" nhiều tiềm năng, mang đến giải pháp "giữ chân" cũng như tăng chi tiêu của du khách.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng đề nghị cần xây dựng sản phẩm du lịch liên kết phù hợp "6 địa phương – 1 điểm đến", làm nổi bật đặc trưng của mỗi địa phương, nhằm tăng sức hút của điểm đến Đông Nam bộ.
Các đại diện của ngành du lịch Đông Nam bộ tham quan gian hàng du lịch TP.HCM tại hội nghị ngày 29/11. Ảnh: BTC
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhận định, Đông Nam bộ là vùng phát triển kinh tế năng động trong 7 vùng du lịch của cả nước. Là khu vực có nhiều lợi thế để phát triển các loại hình du lịch.
Trong thời gian tới, để vùng tiếp tục phát huy vị thế là đầu tàu du lịch cả nước, các địa phương, doanh nghiệp cần quan tâm thực hiện hiệu quả và thực chất các thỏa thuận, hợp tác đã được ký kết, phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của các địa phương.
Bên cạnh đó, tiếp tục đàu tư phát triển nhiều sản phẩm mới; tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch, nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong quản lý và liên kết phát triển du lịch.
Các địa phương cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, để xác định thị trường mục tiêu. Đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của các cơ sở đào tạo nghề du lịch, để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu.
Ngoài ra, vùng Đông Nam bộ cũng cần có những cải cách cơ chế chính sách phù hợp trong thời gian tới để thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng du lịch gắn liền với bảo vệ tài nguyên, môi trường và an ninh quốc phòng.
Hội nghị đã thông qua kế hoạch thực hiện Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ năm 2023, với 6 nội dung trọng tâm, gồm: Công tác quản lý nhà nước về du lịch; Phát triển sản phẩm du lịch; Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; Đào tạo nguồn nhân lực du lịch; Kêu gọi đầu tư phát triển du lịch; Tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ. |
Bà Rịa – Vũng Tàu, không chỉ là trung tâm dầu khí của quốc gia, cảng biển, mà còn là một điểm du lịch đã định hình...