Khơi thông nguồn cung bất động sản, ngành du lịch hưởng lợi gì?
Tại diễn đàn “Khơi thông nguồn cung bất động sản khu vực phía Nam” sáng 25/4 tại TP.HCM, các chuyên gia đã chỉ ra những lợi ích với đầu tư du lịch nghỉ dưỡng khi áp dụng luật đất đai sửa đổi.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, 3 bộ luật mới được Quốc hội thông qua (Luật Kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở và Luật đất đai) có tác động lớn với với thị trường bất động sản. Trong đó, có một số nội dung liên quan đến khu vực đầu tư và kinh doanh bất động sản nhà ở xã hội với nhiều tín hiệu tích cực hơn với người dân.
Với phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, ông Đính cảnh báo, khó có thể phục hồi trong ngắn hạn nhưng bù lại, có nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt các sản phẩm condotel, căn hộ cao tầng gắn với du lịch thuộc các địa bàn truyền thống, trọng điểm.
Trong khi đó, ông Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế Ứng dụng cho rằng, Luật đất đai mới mở ra cơ hội cho Việt kiều có quyền như công dân trong nước về viêc sở hữu đất đai. Điều này sẽ làm tăng nguồn vốn rót vào bất động sản, trong đó có du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, phải đến quý 3, 4 năm 2024 (sau 1/7) khi các nghị định hướng dẫn, thi hành luật ban hành, chúng ta mới đủ hành lang pháp lý triển khai các nội dung cụ thể. Và thị trường bất động sản nói chung, bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng có “ấm” lên hay không phải đợi thêm tới một thời gian ngắn nữa.
Ở phía Nam, ông Hiển đưa ra nhận định, ngoài khu vực cung ứng nhà ở theo nhu cầu thực của người dân tại TP.HCM góp phần làm “ấm” thị trường, các bất động sản hướng biển (khu Nhơn Trạch – Đồng Nai, Long Thành – Bà Rịa, Bến Lức, Cần Giuộc – Long An…) cũng có cơ hội sớm phục hồi.
Dù phục hồi nhưng bất động sản cũng khó quay trở lại thời hoàng kim của 5-7 năm trước là khẳng định của hầu hết các chuyên gia. Vì thế, tình trạng “khó phục hồi” của bất động sản nghỉ dưỡng hiện tại cũng nằm trong thế chung của câu chuyện thị trường trong nước thời gian này.
Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho biết, kinh tế toàn cầu vừa bước qua quý I/2023 với nhiều biến động phức tạp do căng thẳng địa chính trị ở một số khu vực, lạm phát cao ở các quốc gia tác động tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong đó, chính sách thắt chặt tiền tệ của các nền kinh tế phát triển vẫn tác động đến chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia, không loại trừ Việt Nam, gây áp lực lên tỷ giá, lạm phát, cản trở việc triển khai những chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Ông Thành đánh giá, trong bối cảnh đầy khó khăn và thách thức đó, nền kinh tế Việt Nam quý I/2024 ghi nhận nhiều điểm sáng. Theo Tổng Cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023. Các dữ liệu kinh tế cũng cho thấy triển vọng xuất khẩu, sản xuất đang hồi phục.
Đáng chú ý trong quý I/2024, ngành bất động sản chứng kiến tăng trưởng quý thứ hai ở mức +1,7% so với +2,1% trong quý IV/2023. Dù nền kinh tế theo dự báo vẫn còn những thách thức nhất định và thị trường bất động sản vẫn còn những áp lực lớn, tuy nhiên năm 2024, thị trường bất động sản vẫn được kỳ vọng có chuyển động tích cực với các động lực thúc đẩy từ chính sách.
Diễn đàn Khơi thông nguồn cung bất động sản khu vực phía Nam được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tổ chức.
Cận cảnh dự án Bất động sản lấn vịnh Hạ Long bị tạm đình chỉ
Dự án Khu đô thị tại khu 10b, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh bị tạm đình chỉ và thanh kiểm tra sau khi dư...