Huế: Doanh nghiệp du lịch khó tiếp cận chính sách hỗ trợ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Dịch bệnh gây ra khó khăn chung và doanh nghiệp du lịch cần có sự chia sẻ với Nhà nước. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận lại, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động được ban hành, nhưng lại khó tiếp cận.

Huế: Doanh nghiệp du lịch khó tiếp cận chính sách hỗ trợ - 1

Dãy xe ô tô du lịch của Công ty Vận tải Du lịch Hạnh Nguyên phơi nắng từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát. Ảnh: ĐỨC QUANG

Khó tiếp cận

Thời gian qua, nếu ai đi ngang qua đường Trường Chinh, đoạn qua An Cựu City sẽ thấy một dãy xe ô tô du lịch loại 45 chỗ đậu giữa nắng, mưa. Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, gần 20 chiếc ô tô của Công ty Vận tải Du lịch Hạnh Nguyên phải dừng hoạt động. Không bến, không có nhà xe, hàng chục tỷ đồng đang “phơi nắng”, hao mòn theo thời gian.

Mất nhiều thời gian mới có thể liên hệ được với chủ của những chiếc xe trên. Thuyết phục mãi để người chủ này nói ra những khó khăn và mong muốn những gì trong giai đoạn này.

Nhưng người chủ kiên quyết từ chối: “Giờ xe phải để không như thế, nhân viên phải nghỉ việc, lãi suất ngân hàng trong “nháy mắt” là đến hạn… Những lần bùng phát dịch trước, tôi đã chia sẻ, nói ra mong muốn, kỳ vọng nhiều, nhưng cuối cùng có được hỗ trợ gì đâu”.

Trong 5 nhà xe du lịch hàng đầu ở Huế mà chúng tôi liên hệ, doanh nghiệp nào cũng than rằng đã bán vài chiếc để trả nợ. Vốn chủ yếu ở ngân hàng, đến hạn mà không trả gốc và lãi thì chuyển sang nợ quá hạn, nợ xấu… Nhưng khổ nỗi trong giai đoạn dịch hiện nay, mọi lĩnh vực vận chuyển đều bị ảnh hưởng, việc bán xe cũng không phải dễ dàng gì, nên phải bán giá rẻ.

Dù có những tình cảnh khác nhau, nhưng một điểm chung là tất cả đều cho rằng, doanh nghiệp đang rất khó và mong muốn những chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước kịp thời và dễ tiếp cận hơn.

Huế: Doanh nghiệp du lịch khó tiếp cận chính sách hỗ trợ - 2

Doanh nghiệp và người lao động rất cần những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý Vận tải - Đăng kiểm, Sở Giao thông vận tải nhìn nhận, loại hình vận tải du lịch có vốn lớn, khi gián đoạn hoạt động doanh nghiệp sẽ rất khó khăn.

Nhận thấy điều đó, ngay từ tháng 4/2020, Sở Giao thông vận tải đã đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp về giãn nợ, giảm lãi suất… Nhưng hơn một năm qua, các chính sách chưa đến với doanh nghiệp và người lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải du lịch.

Thời điểm đầu tháng 5/2021, khi đợt dịch thứ 4 mới bùng phát, để thống kê, nắm bắt những khó khăn, tình hình thực tế việc hủy, hoãn tour, thiệt hại của doanh nghiệp, ngành du lịch đã đề nghị các doanh nghiệp lữ hành thống kê số lượng tour hoãn, hủy.

Tuy nhiên, một thành viên trong Ban chấp hành Hội Lữ hành thông tin, khi thông báo lên group (nhóm) của hội thì các thành viên không thống kê vì cho rằng chỉ mất công, mất sức. Đã 3 lần thống kê, nhưng doanh nghiệp tự xoay xở, ngay cả những vướng mắc liên quan đến hàng không, lưu trú cao cấp khi khách hủy tour, doanh nghiệp cũng phải “tự bơi”.

Nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp

Như các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khác, doanh nghiệp du lịch cũng được hỗ trợ giảm giá điện, nước và một số thuế, phí. Tuy nhiên, ở lĩnh vực du lịch, hỗ trợ giảm giá điện, nước lại rơi vào giai đoạn không có khách, công suất sử dụng ít nên sự hỗ trợ chưa tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp.

Ông Lê Anh Đức, Tổng Giám đốc Lapochine Beach Resort mong muốn, với những resort ven biển như chúng tôi, biển là mạch sống, nên rất mong chính sách của tỉnh sớm mở lại các hoạt động về biển. Bên cạnh đó là tiếp tục duy trì các ưu đãi về thuế, phí.

Doanh nghiệp có chủ đầu tư nên nhìn chung vẫn còn khả năng duy trì. Riêng người lao động, hai năm qua các khoản lương dự phòng, bảo hiểm đều đã sử dụng hết nên rất cần sự quan tâm, có chính sách hỗ trợ kịp thời hơn.

Theo ông Trần Hữu Thùy Giang, Phó Giám đốc Sở Du lịch, các chính sách hỗ trợ mà người lao động và doanh nghiệp phản ánh chủ yếu vượt quá thẩm quyền của tỉnh. Trong lúc chờ những chính sách chung được thực hiện, tỉnh đang rất nỗ lực có những chính sách trong thẩm quyền.

Cụ thể nhất là những ngày vừa qua, gần 4.000 lao động ngành du lịch được ưu tiên tiêm vaccine. Đây là sự chủ động để du lịch Huế sớm trở lại, giúp người lao động và doanh nghiệp tự tin, sẵn sàng phục vụ du khách.

Giữa tháng 6 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã kiểm tra các cơ sở lưu trú, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh, nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, chủ động có giải pháp khai thác du lịch trở lại trong thời gian đến.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Du lịch báo cáo cụ thể tình hình, số lượng lao động, tham mưu những chính sách mới, nhất là những giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khai thác du lịch trở lại.

Hiện, Chính phủ đang chuẩn bị ban hành một số cơ chế, chính sách mới hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tỉnh đang chờ những hướng dẫn cụ thể, mục tiêu hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch.

Thông tin từ ngành du lịch, hiện danh sách doanh nghiệp và những người lao động trong ngành đã được tập hợp và phân loại đầy đủ. Khi chính sách của Chính phủ và tỉnh được áp dụng sẽ nhanh chóng hỗ trợ đến từng doanh nghiệp và người lao động.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đức Quang (Báo Thừa Thiên Huế)

CLIP HOT