Cảnh báo về tình trạng bê tông hóa tại các điểm du lịch

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Mới đây, dự án chòi ngắm cảnh tại thôn Choản Thèn (xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), nơi có "cây song song" vốn là địa điểm check-in và săn mây nổi tiếng của huyện Y Tý, đã làm dấy lên những lo ngại về việc phá vỡ cảnh quan hoang sơ của nơi này.

 Đây không phải là lần đầu tiên dư luận phản ứng về việc các điểm du lịch đang bị khai thác quá đà, bê tông hóa làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên, ảnh hưởng đến các di sản văn hóa, vốn là nơi thu hút du khách.

Cảnh báo về tình trạng bê tông hóa tại các điểm du lịch - 1

Công trình chòi ngắm cảnh "cây song song" tại xã Y Tý nhận nhiều phản ứng của dư luận vì phá vỡ cảnh quan thiên nhiên tại đây.

Bê tông hóa di sản, giảm giá trị điểm đến

Dự án chòi ngắm cảnh tại thôn Choản Thèn do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai làm chủ đầu tư, được phê duyệt khoảng đầu năm 2019. Ngay khi thực hiện thi công, dự án nhận nhiều phản ứng từ cộng đồng mạng, trong đó có nhiều người là các nhiếp ảnh gia, khách du lịch, phần lớn cho rằng dự án đang có nguy cơ làm mất cảnh quan, đặc biệt là ảnh hưởng đến hai cây cổ thụ (hay còn gọi là "cây song song") vốn thu hút khách du lịch tại đây.

Trước phản ứng của dư luận, ngày 23-6-2021, UBND tỉnh Lào Cai đã kịp sửa sai bằng việc ban hành văn bản khẩn số 2768/UBND-QLĐT về việc tạm dừng thi công công trình, lấp lại đất ở những chỗ đổ cột bê tông, hàng rào sắt đã được tháo ra.

Cảnh báo về tình trạng bê tông hóa tại các điểm du lịch - 2

Ngày 23-6-2021, UBND tỉnh Lào Cai ra văn bản khẩn cho dừng thi công công trình.

Đây không phải là trường hợp hy hữu về việc đầu tư không đúng gây ảnh hưởng đến cảnh quanh thiên nhiên, môi trường. Trước đó, vào tháng 10-2019, báo chí và dư luận cũng đã phản ứng mạnh mẽ việc xây dựng điểm check-in và khách sạn Panorama ở đèo Mã Pì Lèng, tỉnh Hà Giang.

Công trình được cho là không phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong khu vực, gây cản trở đến tầm nhìn của khách tham quan.

Nhiều điểm du lịch nằm trong vùng bảo vệ cấp quốc gia cũng gặp vấn đề tương tự. Điển hình như Vườn quốc gia Ba Bể từng nhiều lần bị dư luận phản ánh về các công trình xây dựng trái phép, bê tông hóa làm mất đi vẻ đẹp thiên nhiên vùng sơn cước.

Hay di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long cũng không ít lần bị báo chí cảnh báo về những công trình bê tông ngang nhiên xây dựng không phép làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Tại Hà Nội, những vụ vi phạm về xây dựng công trình làm phá vỡ cảnh quan, di sản văn hóa diễn ra không ít, mà gần đây nhất là việc ngôi đình cổ Lương Xá 300 tuổi ở Ứng Hòa bị hạ giải và bê tông hóa dưới danh nghĩa trùng tu di tích.

Cảnh báo về tình trạng bê tông hóa tại các điểm du lịch - 3

Công trình Panorama tại đỉnh Mã Pì Lèng (tỉnh Hà Giang) cũng từng bị phản đối vì phá vỡ cảnh quan thiên nhiên.

Trước thực trạng nhiều điểm du lịch đang bị bê tông hóa, thậm chí vi phạm về xây dựng, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Việt nam cho rằng, việc các địa phương cho phép đầu tư, xây dựng nhiều công trình, hệ thống dịch vụ tại các điểm du lịch nằm trong chiến lược riêng. Tuy nhiên, đầu tư ra sao để hài hòa giữa phát triển với bảo tồn, giữ gìn di sản, cảnh quan thiên nhiên là bài toàn không đơn giản.

"Các địa phương cần chú trọng đến đầu tư theo chiều sâu, khoanh vùng bảo vệ đối với di sản, tránh nóng vội, đầu tư ồ ạt. Bởi, nếu làm không đúng, có thể sẽ làm giảm giá trị điểm đến", Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý nói.

Đầu tư phải có tầm nhìn

Ở góc độ du lịch, nhiều đơn vị lữ hành với kinh nghiệm đưa, dẫn khách trải nghiệm tại các điểm du lịch cho rằng, việc giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương đóng vai trò rất lớn trong việc hấp dẫn du khách. Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng bày tỏ, cần phải lấy văn hóa làm cốt lõi thì mới có thể xây dựng được các sản phẩm du lịch bền vững và hiệu quả. "Rất nhiều du khách chấp nhận đi đường xa chỉ để được khám phá, trải nghiệm thiên nhiên hoang dã, mộc mạc. Thực tế, nơi nào bị bê tông hóa nhiều, khách không muốn quay lại", ông Phùng Quang Thắng nói.

Còn theo Giám đốc Công ty Du lịch VietSense Nguyễn Văn Tài, hiện nhiều nơi đang có phong trào xây dựng các điểm check-in cho du khách, đôi khi, việc xây dựng thiếu tính toán hợp lý dẫn đến không ít điểm đến bị phá vỡ cảnh quan. "Xây dựng các dịch vụ tiện ích phục vụ du lịch là cần thiết, song cần phù hợp với cảnh quan xung quanh để tránh phá đi bản sắc địa phương cũng như ảnh hưởng đến việc hấp dẫn du khách. Các điểm đến có thể sử dụng những vật liệu thân thiện môi trường, thay vì bê tông hóa", ông Nguyễn Văn Tài gợi ý.

Cảnh báo về tình trạng bê tông hóa tại các điểm du lịch - 4

Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long cũng bị báo chí phát hiện có nhiều công trình xây dựng không phép, bê tông hóa ngay trong vùng lõi bảo vệ của di sản.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 933/QĐ-TTg về việc phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, nhấn mạnh việc phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, bảo đảm hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên văn hóa để xây dựng sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc dân tộc...

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, quyết định này cũng chính là "chìa khóa" để các địa phương quan tâm đến vấn đề bảo tồn di sản và bản sắc văn hóa địa phương, chú trọng đến bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái khi thực hiện các dự án đầu tư thúc đẩy phát triển du lịch.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hoàng Lân (Hà Nội Mới)

CLIP HOT