Học online triền miên, trẻ bị stress, sang chấn tâm lý nặng

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã khiến gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên và 1 triệu giáo viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang dạy và học trực tuyến, qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp.

Đó là phát biểu của Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Giám đốc trung tâm ứng dụng tâm lý và hướng nghiệp JobWay, Cố vấn cao cấp tổ chức giáo dục AEG tại buổi tọa đàm chủ đề “Làm thế nào thoát khỏi nguy cơ rối loạn tâm lý học đường do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”.

Học online triền miên, trẻ bị stress, sang chấn tâm lý nặng - 1

Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Giám đốc trung tâm ứng dụng tâm lý và hướng nghiệp

Theo Tiến sĩ Hòa An, phương thức dạy học trực tuyến chỉ tốt khi chúng ta có sự chuẩn bị những điều kiện đặc thù cho nó. Hiện nay, ở nhiều địa phương, hiệu quả học trực tuyến thấp, ảnh hưởng nhất định tới kết quả học tập của học sinh và chất lượng giáo dục. Do khó quản lý hoạt động học trực tuyến, học sinh dễ bị sa vào những trang tin giả hoặc lừa đảo trên mạng.

Học online triền miên, trẻ bị stress, sang chấn tâm lý nặng - 2

Thời kỳ dịch bệnh COVID-19 không được đến trường lớp, nhiều em học sinh lâm vào tình trạng stress, trầm cảm

Đặc biệt, học sinh rất hay bị cám dỗ bởi game và nặng hơn là nghiện nó; quá mải mê những trang mạng có nội dung phản cảm, thiếu văn hóa, làm ảnh hưởng tới sự phát triển về giá trị sống, vẩn đục tâm hồn trong sáng của trẻ thơ.

Bên cạnh gián đoạn việc học, vấn đề tinh thần trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 hai năm qua, ngập những con số về số ca mắc, ca nặng, rồi tử vong, số người khỏi bệnh…

Nhưng còn một thứ vô hình, đó là stress, sang chấn tâm lý nặng nề, kéo dài, gây ra nhiều rối loạn tâm thần.

Học online triền miên, trẻ bị stress, sang chấn tâm lý nặng - 3

Buổi tọa đàm tổ chức tại trường THPT Nguyễn Hữu Thọ Q.4 sáng ngày 4/3/2022

Việt Nam hiện có hơn 1.500 trẻ mồ côi vì dịch COVID-19. Nhiều trẻ mồ côi bị sang chấn tâm lý, trầm cảm, mất ngủ nghiêm trọng sau khi mất cha mẹ đột ngột.

Con số này vẫn tiếp tục tăng lên, hậu quả của đại dịch COVID trên trẻ em không chỉ dừng lại ở yếu tố sức khỏe mà chúng ta dễ dàng thấy được.

Nhiều "làn sóng ngầm" về sức khỏe tinh thần hậu COVID-19, vấn đề giáo dục và phát triển của trẻ em cần phải được chú ý.

Đối với trẻ sơ sinh, mẫu giáo và đầu tiểu học, việc cha mẹ tử vong có thể được cảm nhận như một sự kiện chia cắt, phá hủy sự gắn bó giữa trẻ và người chăm sóc.

Học online triền miên, trẻ bị stress, sang chấn tâm lý nặng - 4

Bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Đơn vị Tâm lý lâm sàng BV Đại học Y dược TPHCM

Bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Đơn vị Tâm lý lâm sàng BV Đại học Y dược TPHCM nhận định: “Không phải ai cũng dám nói lên tâm sự của mình khi bị trầm cảm.

Tất cả các bạn ngồi đây, nếu ai có những cảm xúc chưa tốt, tích cực thì hãy cố gắng nói với bạn thân, những người trong gia đình. Khi cần thiết hơn, các bạn hãy tìm đến các chuyên gia tâm lý.

"Chúng tôi thường gặp học sinh có những biểu hiện tâm lý căng thẳng và ai cũng có lúc bị stress. Dịch COVID-19 cộng với việc học hành căng thẳng khiến ngày càng nhiều học sinh rơi vào tình trạng trầm cảm.

Do đó, ngay từ giờ phút này các bạn hãy cùng kết nối, tận dụng khoảng thời gian còn lại của thời học sinh để lưu giữ những kỷ niệm đẹp", Bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn chia sẻ.

Học online triền miên, trẻ bị stress, sang chấn tâm lý nặng - 5

Bạn Trần Mỹ Linh, lớp 12A5 trường THPT Nguyễn Hữu Thọ chia sẻ tâm trạng 

Chia sẻ tình trạng áp lực, căng thẳng sau thời gian dài học online, Trần Mỹ Linh, lớp 12A5 trường THPT Nguyễn Hữu Thọ cho biết, bản thân em phải đối mặt với tình trạng căng thẳng tâm lý kéo dài và dịch bệnh càng làm nặng thêm tình trạng của em.

“Do phải online kéo dài nên em không quen biết được nhiều bạn mới và có rất ít bạn bè. Em rất chán nản suốt 5 tháng vừa qua. Khi trở lại trường học tập thì không thể kết bạn mới, mọi người nhìn em như người lập dị, làm em mắc trầm cảm trong suốt thời gian qua”, Mỹ Linh trải lòng.

Học online triền miên, trẻ bị stress, sang chấn tâm lý nặng - 6

Câu chuyện trải lòng của các em học sinh được chia sẻ tại Tọa đàm

Kể về câu chuyện của mình, bạn Nguyễn Hữu Trân, học sinh lớp 10A7 trường THPT Nguyễn Hữu Thọ tâm sự: “Trong đợt dịch bệnh vừa qua, gia đình em mắc COVID-19, chỉ còn một mình em ở nhà, em phải tự sinh hoạt, tự cách ly, tự lo mọi thứ trong 2 tuần.

Gia đình em lại bị tái nhiễm và em phải ở nhà một mình, khi hay tin người nhà mất vì bệnh, em cảm thấy rất tuyệt vọng. Dù là có bạn, nhưng lúc đó em không dám chia sẻ với ai vì sợ mọi người biết nhà em bị dịch bệnh…”, Trân rưng rưng kể lại.

Học online triền miên, trẻ bị stress, sang chấn tâm lý nặng - 7

Thạc sĩ Đỗ Đình Bảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ

Trăn trở vì vẫn còn nhiều học sinh chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ gia đình, nhà trường, Th.S. Đỗ Đình Bảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ cho rằng, rối loạn tâm lý học đường là thực trạng đang diễn ra ở tất cả các trường học hiện nay.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm lý học đường từ gia đình, nhà trường xã hội như áp lực học tập thi cử, không có cảm xúc trong học tập, bạo lực học đường...

Học online triền miên, trẻ bị stress, sang chấn tâm lý nặng - 8

Buổi Tọa đàm có sự góp mặt của các chuyên gia, bác sĩ, thầy cô, chuyên viên tư vấn tâm lí tham dự

Đặc biệt, thời gian học tập trực tuyến kéo dài, hạn chế tiếp xúc, hạn chế ra đường, hạn chế giao tiếp khiến học sinh, cô giáo dễ rơi vào trầm cảm, stress..., dẫn đến khủng hoảng về tâm lý, để lại hậu quả nghiêm trọng.

"Vì vậy, tôi nghĩ rằng đã đến lúc các cơ sở giáo dục cần tìm cách làm thế nào để các em có thể thoát khỏi những vẫn đề trên, tránh để lại những hậu quả nghiêm trọng, đau lòng xảy ra do rỗi loạn tâm lý học đường", Th.S. Đỗ Đình Bảo chia sẻ.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Lê Hoàng

CLIP HOT