Hai kỷ lục được xác lập tại triển lãm Con đường lúa gạo Việt Nam

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hai kỷ lục được xác lập tại triển lãm Con đường lúa gạo Việt Nam là không gian triển lãm, sắp đặt con đường lúa gạo, chủ đề “Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt” và mô hình bản đồ Việt Nam ghép từ các giống lúa đặc sản của các tỉnh, thành.

Sáng 11/12, tại TP Vị Thanh (Hậu Giang) diễn ra triển lãm Con đường lúa gạo Việt Nam với chủ đề “Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt”. Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi sự kiện của Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức.

Triển lãm con đường lúa gạo là một trong những điểm nhấn độc đáo của Festival. Tại đây đã tái hiện sống động nền lúa gạo Việt Nam qua các giai đoạn phát triển, từ sơ khai đến giai đoạn hiện đại và khi lúa gạo Việt Nam phát triển không ngừng, định vị thương hiệu tóp đầu thế giới.

Đặc biệt, tại kênh xáng Xà No huyền thoại, được mệnh danh là nơi vận chuyển, lưu trữ, lúa gạo lớn nhất xứ Nam Kỳ lại chính là nơi tái hiện con đường lúa gạo. Trước đây, kênh xáng Xà No là nơi ghi dấu ấn lịch sử về khai khẩn vùng đất nông nghiệp rộng lớn miệt Hậu Giang. Nơi đây được dẫn nguồn nước ngọt, phù sa từ sông Hậu về bồi đắp và tưới, tiêu cho những đồng lúa bạt ngàn.

Rồi cũng từ kênh xáng Xà No, ghe, xuồng, sà lan lại chở lúa từ Hậu Giang về Cần Thơ, TP.HCM và nhiều nơi khác. Từ khi có kênh xáng Xà No, sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam không ngừng tăng lên, trở thành “Con đường lúa gạo” sầm uất của miền Tây.Hai kỷ lục được xác lập tại triển lãm Con đường lúa gạo Việt Nam - 1

Mô hình bản đồ Việt Nam ghép từ các giống lúa đặc sản của các tỉnh, thành nhiều nhất. Ảnh: Kim Khanh.

Qua gần 120 năm hình thành và phát triển, dòng Xà No vẫn giữ vị trí rất quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và lúa gạo nói riêng. 

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, Con đường lúa gạo Việt Nam tại sự kiện này được sắp đặt, tái hiện trong không gian rộng lớn, sử dụng hàng vạn chậu lúa để phối cảnh, từ lúc lúa gieo mầm xanh cho đến khi hạt vàng bội thu. Gắn với hạt lúa, đời sống của nông dân đã đổi thay từng ngày, từ nhà lá, nhà ngói, nhà tôn vách đất, đã được thay bằng những ngôi nhà kiên cố sang trọng hơn như nhà gỗ, nhà lầu; những ruộng đồng của những xóm nhỏ cư dân theo thời gian cũng lớn rộng thành những cánh đồng mênh mông. Và theo sự phát triển đó, những xuồng ba lá, ghe tam bảng, sà lan... đã được sử dụng để tải lúa gạo đến những những miền đất xa xôi của đất nước và các quốc gia.

“Trên con đường lúa gạo, những tiểu cảnh đã được dựng lên đưa con người đến trí tượng tượng phong phú về cách canh tác lúa nước từng thời kỳ sơ khai đến hiện đại. Những hình ảnh chỉ có ở những ruộng đồng quê hương đã xuất hiện tại đây với ụ rơm, đất phù sa, cây cỏ, cánh đồng, gợi lên hình ảnh nông dân từ chân đất lên chân trắng, nhờ công nghệ hỗ trợ. Những mô hình phát triển lúa nước, lúa cạn đã không ngừng được sáng tạo nâng tầm thương hiệu bằng máy móc, công nghệ, máy bay không người lái”, lãnh đạo ngành nông nghiệp Hậu Giang nhấn mạnh.

Để tôn vinh những giống lúa quý đã làm nên nền văn minh lúa nước nghìn năm văn hiến, bản đồ Việt Nam ghép bằng giống của 63 tỉnh, thành đã được sắp đặt trên Con đường lúa gạo. Đây là cách quảng bá “độc nhất vô nhị” thương hiệu Gạo Việt Nam đến với thế giới. Đây cũng là tác phẩm nghệ thuật độc đáo và là mô hình nông nghiệp với những bộ giống lúa phổ biến, đặc sản, đặc trưng của 63 tỉnh, thành.

Con đường lúa gạo Việt Nam tiếp tục tỏa sáng khi đã phá kỷ lục mới. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2023, cả nước đã xuất khẩu được 6,6 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch gần 3,7 tỉ USD là con số cao nhất từ trước tới nay.

Đồng thời, giá gạo tiếp tục phá đỉnh cao nhất 15 năm qua, xuất khẩu gạo trong tháng 10 đạt 700.000 tấn, tương đương 433 triệu USD, tăng 27% về giá trị so với tháng cùng kỳ. Nếu đặt trong bối cảnh 34 năm xuất khẩu gạo của Việt Nam, những con số trên là kỷ lục mới.

“Điều này cho thấy, ngành lúa gạo Việt Nam không chỉ xuất khẩu chú trọng sản lượng, mà chất lượng đã chinh phục được các thị trường khó tính. Gạo Việt Nam đã có giá cao nhất thế giới và đang dần thiết lập được chỗ đứng mới trên thị trường thế giới. Từ bức tranh lúa gạo đã chuyển màu gam sáng tươi hơn, chúng ta tin tưởng gạo Việt sẽ tiếp tục phá kỷ lục, khả năng cả năm 2023 xuất khẩu sẽ đạt trên 8 triệu tấn, với kim ngạch khoảng 4,5 tỷ USD”, ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang nhấn mạnh.

Hai kỷ lục được xác lập tại triển lãm Con đường lúa gạo Việt Nam - 2

Cơ giới hóa trong thu hoạch lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Duy Khang.

Tại triển lãm Con đường lúa gạo Việt Nam, Tổ chức  Kỷ lục Việt Nam công bố quyết định xác lập kỷ lục Việt Nam đối với không gian triển lãm, sắp đặt con đường lúa gạo, chủ đề “Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt” dài nhất và mô hình bản đồ Việt Nam ghép từ các giống lúa đặc sản của các tỉnh, thành nhiều nhất.

Tại Festival lần này còn có một kỷ lục Việt Nam được công bố vào ngày 13/12 là Sự kiện chế biến, công diễn các món bánh làm từ gạo, nếp nhiều nhất Việt Nam (200 món). Kỷ lục này gắn với sự kiện trong ngày 13/12 là Hội thi món ngon từ gạo – nếp Việt Nam.

Sau sự kiện triển lãm Con đường lúa gạo Việt Nam diễn ra ngày 11/12, Ban Tổ chức Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 sẽ tổ chức trình diễn cơ giới hóa gieo sạ và mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ rơm tại ruộng lúa của ông Nguyễn Văn Em (xã Vị Trung, huyện Vị Thủy) vào sáng 12/12.

Trước khi diễn ra lễ khai mạc Festival vào tối 12/12 tại quảng trường Hòa Bình (TP Vị Thanh), UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức hội nghị công bố quy hoạch của địa phương này từ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Duy Khang

CLIP HOT