Giá sàn vé máy bay: 3 hãng ủng hộ, 2 hãng phản đối

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Cục Hàng không cho biết như vậy trong báo cáo vừa gửi Bộ Giao thông vận tải về hoàn thiện hồ sơ dự thảo thông tư quy định khung giá vé máy bay nội địa.

Cục Hàng không cho biết ngày 8-9 vừa qua, cơ quan đã lấy ý kiến các hãng hàng không về dự thảo thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa từ ngày 1-11-2021 đến hết ngày 31-10-2022.

Vietjet phản đối

Qua đó, Vietnam Airlines tiếp tục kiến nghị phương án quy định mức giá tối thiểu (giá sàn) vé máy bay nội địa trong thời gian 36 tháng, mức giá sàn bằng 44% mức giá trần như Trung Quốc áp dụng giai đoạn từ 2004-2013.

Bamboo Airways nhất trí với chủ trương áp dụng mức giá sàn cho các đường bay nội địa. Đồng thời, hãng này đề xuất tăng mức sàn cho nhóm đường bay I và II, giảm nhẹ mức giá tối thiểu ở nhóm III, IV, V để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác marketing của hãng.

Pacific Airlines đánh giá mức giá sàn dự kiến là chưa hợp lý và kiến nghị giá sàn cần tương đương với chi phí bình quân/hành khách; thời gian áp dụng giá sàn tối thiểu trong 3 năm theo dự báo hồi phục của thị trường quốc tế (khó hồi phục trước năm 2024). Trường hợp thị trường nội địa hồi phục sớm hơn, có thể điều chỉnh lại thời gian áp dụng.

Vietravel Airlines cho rằng chính sách quy định mức giá sàn gây nhiều bất lợi cho hãng hàng không giá rẻ, đặc biệt với hãng hàng không mới như Vietravel Airlines. Hãng đề xuất cân nhắc áp dụng mức giá sàn riêng biệt cho từng loại hình kinh doanh (hàng không truyền thống và giá rẻ).

Còn Hãng hàng không giá rẻ Vietjet kiến nghị không quy định giá sàn vé máy bay trên các đường bay nội địa.

Lý do là giá sàn sẽ tạo ra nhiều bất cập và tác động tiêu cực như: không phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, các cam kết thương mại quốc tế mà Việt Nam là thành viên; không đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và quyền tiếp cận, thụ hưởng những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế trong xã hội; không đảm bảo thúc đẩy sự phục hồi của thị trường vận chuyển hàng không, không thúc đẩy sự phục hồi của các thị trường cung cấp hàng hóa dịch vụ có liên quan trực tiếp đến vận chuyển hàng không trong và sau đại dịch COVID-19.

Áp giá sàn, vé máy bay TP.HCM đi Hà Nội bằng vé ghế ngồi tàu hỏa

Giá sàn vé máy bay: 3 hãng ủng hộ, 2 hãng phản đối - 1

Mức giá sàn (giá tối thiểu) được Cục Hàng không đề xuất bằng 20% so với giá trần hiện tại trên 5 nhóm đường bay nội địa - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không nêu lại những đánh giá tác động chính sách quy định giá sàn với vé máy bay, đồng thời tái khẳng định giá sàn là giải pháp mang tính chất tình huống, chỉ áp dụng trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, Cục Hàng không vẫn thừa nhận giá sàn cũng tồn tại các bất cập, hạn chế, trong đó, một trong những hạn chế là "chi phí và dịch vụ cung ứng của các hãng không cùng một mặt bằng gây khó khăn cho việc xác định mức giá tối thiểu áp dụng chung cho tất cả các hãng hàng không".

Theo Cục Hàng không, chi phí bình quân/ghế cung ứng chặng Hà Nội - TP.HCM năm 2019 (không chịu ảnh hưởng dịch COVID-19) của 4 hãng (Vietjet không có số liệu báo cáo) là: Pacific Airlines 1,402 triệu đồng, Vietravel Airlines 1,440 triệu đồng (số liệu ước tính do năm 2019 chưa bay), Vietnam Airlines 1,539 triệu đồng, Bamboo Airways 1,662 triệu đồng.

Từ đó, Cục Hàng không nhận định với mức chi phí bình quân của các hãng là 1,511 triệu đồng, bằng khoảng 47% so với mức giá tối đa hiện hành thì mức giá sàn 20% mà cơ quan này đề xuất bằng khoảng 43% chi phí bình quân của hãng hàng không là phù hợp.

Mức giá sàn bằng 20% giá tối đa sau khi cộng thêm thuế VAT và các khoản thu hộ (giá phục vụ hành khách và đảm bảo an ninh), chi phí tối thiểu hành khách phải chi trả cho 1 vé 1 chiều chặng Hà Nội - TP.HCM là 824.000 đồng. Số tiền này xấp xỉ mức giá ghế ngồi mềm điều hòa của tàu hỏa và ngang bằng giá vé ô tô.

Cục Hàng không cho rằng khung giá sàn và trần tại dự thảo thông tư vẫn tạo điều kiện để các hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách; góp phần giảm bớt khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam nói chung, đặc biệt giảm nguy cơ dẫn đến phá sản của Vietnam Airlines (hãng hàng không quốc gia).

Các hãng có thể tồn tại, duy trì hoạt động thì ngành hàng không mới có điều kiện để phát triển bền vững, tạo tiền đề cho các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế trong tương lai.

Đối với người tiêu dùng vẫn có cơ hội tiếp cận các mức giá phù hợp. Trường hợp những người dân có thu nhập hạn chế có thể cân đối lựa chọn các hình thức vận chuyển khác.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tuấn Phùng (Tuổi Trẻ Online)

CLIP HOT