Du lịch TP.HCM ngày ấy và bây giờ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, ca khúc khải hoàn, TP.HCM cũng bắt tay vào việc khôi phục và tập trung phát triển về mọi mặt. Du lịch lúc này cũng được xem như là bước đi từ con số không, mọi thứ phải bắt đầu từ đây. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, ngành Du lịch TP đã có những bước đột phá mạnh mẽ...

Du lịch TP.HCM ngày ấy và bây giờ - 1

Nhìn lại một chặng đường

Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL TP.HCM cho biết, năm 2012, khách quốc tế đến TP ước đạt 3,8 triệu lượt, tăng 8,5% so với năm 2011 và chiếm 56% lượt khách quốc tế đến Việt Nam (6,8 triệu); doanh thu ước đạt thực hiện 68.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2011, đóng góp khoảng 11% GDP của toàn TP. Từ những con số cơ bản này, nhiều người không khỏi thán phục khi biết được rằng, cách đây gần 40 năm, ngành Du lịch TP chỉ khởi đầu bằng một công ty.

Du lịch TP.HCM ngày ấy và bây giờ - 2

Một góc TP.HCM hôm nay

Đó là ngày 1/8/1975, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhớ lại. Khi đó, dưới sự lãnh, chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.HCM, Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist) được thành lập, với nhiệm vụ chủ yếu là đón tiếp và phục vụ khách của Đảng và Nhà nước đến thành phố. Có thể nói sự xuất hiện của Saigon Tourist vào thời điểm đó được xem là dấu mốc quan trọng khai sinh ngành Du lịch thành phố, và tạo nền móng ban đầu của ngành du lịch thành phố kéo dài từ năm 1975 đến năm 1985.

Bên cạnh nhiệm vụ chính trị, ngành Du lịch TP lúc bấy giờ cũng từng bước tìm cách tiếp cận với thị trường quốc tế. Năm 1979, Saigon Tourist được phép trực tiếp ký kết hợp đồng phục vụ khách ở một số thị trường Ấn Độ, Pháp, Nhật, Ý, Canada, Úc... và đến năm 1984, lần đầu tiên ngành Du lịch TP tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế ITB tại Cộng hòa Liên Bang Đức. Ngay từ những ngày đầu thành lập, xác định nguồn nhân lực phục vụ là hết sức cần thiết nên Saigon Tourist đã mạnh dạn xin chủ trương và thành lập trường Trung học Nghiệp vụ Du lịch Khách sạn. Đây là cái nôi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho TP và các địa phương khác. Rồi sau này là hàng loạt đơn vị có đào tạo các ngành liên quan tới du lịch như Trường ĐH: Kinh tế TP.HCM, Hồng Bàng, Hùng Vương, Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM… đáp ứng được nhu cầu về nhân lực của TP và các địa phương trên cả nước.

Sau thành công của Saigon Tourist, đặc biệt là khi Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ VI, cùng với sự chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt của Thành ủy, UBND TP, ngành Du lịch đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Theo đó, đã có nhiều hoạt động nhằm nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất hiện có, mở tuyến du lịch đi nước ngoài cho người Việt Nam, thực hiện hợp đồng liên doanh với nước ngoài, gia nhập các Tổ chức Du lịch quốc tế... Đặc biệt, sự kiện Năm Du lịch TP.HCM lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, giới thiệu hình ảnh một điểm đến mới mẻ đến với bè bạn quốc tế đã đánh dấu sự trưởng thành mới.

Trong quá trình phát triển, bộ mặt du lịch của TP cũng đã có những nét mới với hàng loạt công ty du lịch, lữ hành, dịch vụ… nối tiếp ra đời: Vietravel, Ben Thanh Tourist, Festival, Fiditour, Hòa Bình… những cái tên này đang góp phần không nhỏ vào thành công của ngành Du lịch hôm nay. Bên cạnh sự ra đời và lớn mạnh của các đơn vị kinh doanh du lịch thì nhiều hệ thống nhà hàng, khách sạch đạt các chuẩn cao nhất của Việt Nam: Rex, Majestic, Continatial… rồi cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch ngày càng hoàn thiện: cầu, cảng, đường không, đường thủy, đường bộ, đường sắt… đã đáp ứng đầy đủ những yếu tố cần và đủ cho việc phát triển du lịch. Theo khảo sát của Công ty Savills Việt Nam, tính đến quý 1/2013, tổng nguồn cung của thị trường khách sạn 3 đến 5 sao tại TP.HCM là hơn 11.800 phòng, từ 89 khách sạn. Riêng quý 1, có thêm 3 khách sạn mới từ 3 – 5 sao cung cấp khoảng 300 phòng.

Trung tâm của sự kiện

Để đưa ngành Du lịch lên những tầm cao mới, năm 1993, Thành ủy, UBND TP đã quyết định thành lập Sở Du lịch. Sau khi Sở Du lịch ra đời, cùng với những điều kiện thuận lợi của đất nước và TP, ngành Du lịch TP đã chính thức bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế và tăng tốc phát triển trong giai đoạn từ năm 1997 đến nay. Đây có thể nói là chặng đường phát triển mạnh mẽ nhất cùng với nỗ lực vượt khó, biến thách thức thành cơ hội, dựa trên suy nghĩ, cách làm năng động sáng tạo của những người làm du lịch TP trước khủng hoảng, suy giảm kinh tế những năm 1997, 2009; dịch SARS năm 2003. Cho tới năm 2008, khi sáp nhập các ngành thành một cơ quan đa ngành thì lĩnh vực du lịch vẫn được Thành ủy, UBND TP hết sức quan tâm và xem là một ngành kinh tế quan trọng, đóng góp vào GDP của TP.

Điều đó được thể hiện rõ thông qua những Nghị quyết quan trọng về lĩnh vực này. Cụ thể, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 6 năm 1996 đã xác định quan điểm “Mở rộng và phong phú hóa hoạt động du lịch ngang tầm một ngành kinh tế mũi nhọn”. Đến nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 7 năm 2000 được nâng lên: “Đưa ngành Du lịch TP thực sự là một ngành công nghiệp với sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh với các trung tâm du lịch của các nước trong khu vực” và đến nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 8 năm 2005, Du lịch TP được xem là một trong 9 nhóm ngành dịch vụ cần được tập trung phát triển có tính đột phá nhằm đưa giá trị gia tăng có tốc độ tăng trưởng bình quân 12%/năm trở lên.

Du lịch TP.HCM ngày ấy và bây giờ - 3

ITE đã trở thành thương hiệu quốc gia, thu hút
đông đảo các nước trên thế giới tham gia

Ngày nay, nói đến việc tổ chức các sự kiện phải nói đến TP.HCM. Với ngành Du lịch, đã có nhiều sự kiện khởi phát từ đây đã trở thành thương hiệu quốc gia. Điển hình là Hội chợ Du lịch quốc tế hằng năm (ITE) với nhiều quốc gia tham gia. Bên cạnh đó, nhiều sự kiện khác cũng đã trở thành truyền thống của ngành Du lịch TP như Ngày hội du lịch TP.HCM, Liên hoan ẩm thực đất phương Nam, Lễ hội Món ngon các nước… Ông Khánh cho biết thêm, giai đoạn từ năm 2008 đến nay, ngành Du lịch đã triển khai Chương trình Dịch vụ Du lịch đạt chuẩn - một trong các nội dung về xây dựng sản phẩm du lịch của thành phố có lợi thế cạnh tranh, nhằm kích cầu và tăng doanh thu cho ngành Du lịch. Sau 5 năm, ngành Du lịch TP đã có 120 cơ sở mua sắm và ăn uống được cấp biển hiệu “Dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch”.

 Nhiều thành tựu đạt được

Các chuyên gia cho rằng, trong gần 40 năm qua, du lịch TP.HCM đã đạt được nhiều thành tựu: đó là có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp có hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố. Cơ sở hạ tầng của Du lịch thành phố phát triển nhanh theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp. Du lịch TP ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, gắn liền công tác quảng bá xúc tiến du lịch góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế điểm đến thành phố; công tác quy hoạch đầu tư gắn liền với nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch có tiến bộ rõ rệt; sự phối hợp liên ngành và địa phương được tăng cường và ngày càng đi vào chiều sâu; hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch được tăng cường, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; sự trưởng thành và đóng góp quan trọng của doanh nghiệp du lịch cho sự nghiệp phát triển du lịch.

Vũ Quý – Mai Hồng – Phong Vân

(Báo Du lịch Việt Nam, số 17+18, từ ngày 25/4-6/5/2013)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT