Du lịch mở "thoáng" nhưng làm sao để hút khách quốc tế?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Từ 15/3, Việt Nam mở cửa hoàn toàn đón du khách quốc tế, đánh dấu sự quay lại mạnh mẽ hơn của ngành du lịch khi Việt Nam.

Những tín hiệu tích cực

Kết thúc năm 2021, ngành du lịch đã phục vụ được 40 triệu lượt khách du lịch nội địa. Trong những tháng đầu năm 2022, toàn ngành du lịch chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về lượng khách du lịch nội địa.

Thống kê cho thấy, hết tháng 2/2022, ngành du lịch đã phục vụ khoảng 9,6 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 380%, trong đó có khoảng 6 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu đạt 25.000 tỷ đồng trong dịp Tết vừa qua. Tổng lượng khách du lịch nội địa trong 2 tháng đầu năm đã đạt 17,6 triệu lượt khách.

"Đây là con số đáng mừng, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh lưu trú, các loại hình vui chơi du lịch tái khởi động và để các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn nhân lực, vật lực, tài lực cho việc mở cửa lại du lịch", ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết.

Du lịch mở "thoáng" nhưng làm sao để hút khách quốc tế? - 1

Sau hơn 2 tháng thí điểm, Việt Nam đón được gần 10.000 khách quốc tế

Bên cạnh lượng khách quốc tế đi theo hộ chiếu vaccine từ khi triển khai thí điểm đón khách quốc tế, đến thời điểm này Việt Nam đón hơn 10.000 khách quốc tế theo hộ chiếu vaccine. Thời gian qua, lượng khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng. Trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đón khoảng 49.200 lượt khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho thấy ngành du lịch là ngành có khả năng phục hồi nhanh chóng nếu có những giải pháp, biện pháp phương thức phù hợp để nắm bắt cơ hội trước bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Kể từ ngày 15/3/2022 du lịch Việt Nam mở cửa trở lại trong điều kiện bình thường mới. Theo đó, mở lại toàn bộ hoạt động du lịch cả đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không và tại tất cả các cửa khẩu.

Du lịch mở "thoáng" nhưng làm sao để hút khách quốc tế? - 2

Đồng thời, miễn thị thực cho công dân của 13 quốc gia nhập cảnh Việt Nam không phân biệt hộ chiếu, mục đích nhập cảnh từ ngày 15/3, gồm công dân các nước: Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Anh, Liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Belarus.

Đây là một trong những chính sách thích ứng kịp thời của Chính phủ nhằm phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ ngành du lịch Việt Nam, tạo đà thuận lợi cho lộ trình mở cửa du lịch quốc tế trong thời gian tới. Song song với đó là thống nhất về nội dung liên quan đến các quy định đối với khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, quyết định mở cửa trở lại du lịch quốc tế với các biện pháp mạnh mẽ được triển khai từ ngày 15/3/2022 là hết sức quan trọng, đúng thời điểm, được đưa ra trên cơ sở những nền tảng vững chắc và những kết quả quan trọng trong quá trình chúng ta ứng phó với dịch bệnh. Việt Nam có tỉ lệ tiêm chủng cao, có các biện pháp kịp thời trong tiếp cận thuốc và các phương pháp điều trị. Bên cạnh đó là sự đồng lòng và ý thức của người dân. 

"Chúng ta đã bước sang một giai đoạn mới trong ứng phó với dịch bệnh, có thể có khả năng và tự tin mở cửa, đón du khách quốc tế đến Việt Nam", Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nói.

Làm sao để thu hút khách quốc tế?

Sau 2 năm dịch, hành vi và xu hướng du lịch của du khách đã thay đổi rất nhiều. Vì thế, ngành du lịch cần phải cập nhật các nghiên cứu để có thể thu hút khách quốc tế.

Du lịch mở "thoáng" nhưng làm sao để hút khách quốc tế? - 3

Thực tế, cho tới 15/3, Việt Nam vẫn chưa có bộ hướng dẫn cụ thể nào về việc đón khách quốc tế. Dự thảo mới của Bộ Y tế đưa ra trong tối 15/3 coi như đã giải quyết được vấn đề cách ly với khách nhập cảnh. Theo đó, khách nhập cảnh vào Việt Nam nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV có thể rời nơi lưu trú. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp muốn Chính phủ đưa ra thông điệp rõ ràng để họ có thể làm việc với đối tác nước ngoài.

Theo bà Trần Nguyện, Trưởng ban Kinh doanh Khối Sun World (Sun Group), cần có sự thay đổi về các chính sách đã không còn phù hợp, cụ thể là 5K. Đại diện doanh nghiệp này lập luận 2K quan trọng đối với cả khách nội địa lẫn quốc tế cần giữ lại là đeo khẩu trang và khai báo y tế. Những K khác cần được áp dụng linh hoạt và phù hợp hơn.

Ngoài ra, bà Nguyện cũng cho rằng, việc miễn thị thực trở lại cho công dân 13 quốc gia là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, số thời gian lưu trú vỏn vẹn 15 ngày là quá ít. Đa số khách từ các quốc gia này có xu hướng du lịch dài ngày (15-21 ngày). Do đó, nếu không kéo dài thời gian lưu trú, họ có thể chọn các thị trường thoải mái hơn như Thái Lan.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng các địa phương cần có chính sách nhất quán. “Cho dù có cách ly y tế hay không, quan trọng chúng ta sẽ là 'một Việt Nam duy nhất'. Không thể để chuyện các quy định thiếu nhất quán, theo địa phương này, theo địa phương kia”, ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó tổng giám đốc Thường trực Bamboo Airways, bày tỏ.

Ông Quân cũng cho rằng, Việt Nam cần đưa ra thông điệp với du khách quốc tế như sản phẩm an toàn, chất lượng cạnh tranh, giá cả cạnh tranh. Trong thời gian đầu, các doanh nghiệp không nên đặt mục tiêu lợi nhuận. Hãy chú trọng phục hồi du lịch và lợi nhuận sẽ đến.

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó giám đốc Ban Tiếp thị Vietravel, cho biết, trước mốc thời gian mở cửa đón khách vào ngày 15/3, khối đón khách từ nước ngoài đến Việt Nam của công ty đã tiếp thị trực tiếp đến các đối tác tại nước ngoài, cũng như phối hợp với văn phòng tại Campuchia, Thái Lan, Singapore, Pháp, Mỹ… xây dựng bộ sản phẩm phù hợp với từng thị trường. Nếu chính sách nhập cảnh tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế, công ty có thể đón khách từ cuối tháng 4.

"Với thị trường Inbound, do không có sự nhất quán về điều kiện, chính sách đón khách quốc tế vào Việt Nam giữa các bộ, ngành nên hiện nay chúng tôi vẫn chờ thông tin chính thức, để có thể cập nhật đến đối tác quốc tế" - đại diện Vietravel thông tin.

Đại diện Saigontourist cho rằng, tháng 3 là thời điểm phù hợp để các hoạt động kinh tế, xã hội quay trở lại trong điều kiện bình thường mới, trong đó có cả du lịch. Mốc tháng 3 này sẽ mang tính chất quyết định cho việc khai thác hiệu quả mùa du lịch quốc tế 2022-2023. Tuy vậy, doanh nghiệp dự định đến khoảng tháng 9-10 năm nay mới ký hợp đồng triển khai sản phẩm bán và đón khách quốc tế đến Việt Nam.

Lý giải về quyết định trên, lãnh đạo công ty cho rằng thời điểm tháng 3 thị trường khách quốc tế chưa phải mùa cao điểm. Song song đó, doanh nghiệp cần tiếp tục kiện toàn bộ máy vận hành, đầu tư phát triển sản phẩm mới. Vì vậy, Saigontourist vẫn chỉ kỳ vọng sẽ khai thác tối đa các thị trường tiềm năng từ 10/2022 đến 4/2023.

Công ty này mong muốn các điều kiện về thủ tục và chính sách miễn visa cho khách quốc tế ở một số quốc gia được trở về bình thường như trước dịch. Bên cạnh đó, các tiêu chí về an toàn dịch bệnh và các quy định áp dụng cần sớm thống nhất toàn diện, nhất quán. Qua đó, các doanh nghiệp Việt sẽ chủ động, tự tin triển khai các quy trình đón, phục vụ khách quốc tế.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Phương Hà

CLIP HOT