Dự kiến xây cao tốc TP.HCM - Mộc Bài giai đoạn 1 với 16.700 tỷ đồng

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Sáng 7/12, kỳ họp thứ 8 - kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 của HĐND TP.HCM khóa X đã khai mạc. Tại kỳ họp, UBND TP.HCM đã trình HĐND TP nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án đầu tư xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

Tham dự kỳ họp có ông Trần Thanh Mẫn - phó chủ tịch thường trực Quốc hội, ông Nguyễn Văn Nên - bí thư Thành ủy TP.HCM.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết trong ba ngày làm việc, HĐND TP sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng của TP.

Dự kiến xây cao tốc TP.HCM - Mộc Bài giai đoạn 1 với 16.700 tỷ đồng - 1

Ông Trần Thanh Mẫn - phó chủ tịch thường trực Quốc hội, ông Nguyễn Văn Nên - bí thư Thành ủy TP.HCM tham dự kỳ họp thứ tám HĐND TP. HCM. Ảnh: Hữu Hạnh 

Theo đó, kỳ họp sẽ tập trung đánh giá toàn diện tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng an ninh năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Đồng thời, tập trung thảo luận, xem xét thông qua các nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, đô thị, văn hóa xã hội, giáo dục, y tế, biên chế tổ chức; dự toán thu chi ngân sách năm 2023; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, HĐND TP cũng xem xét thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 cho một số dự án cấp bách như đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, quyết định chủ trương đầu tư dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm...

Tại kỳ họp, UBND TP.HCM đã trình HĐND TP nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án đầu tư xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

Dự án bắt đầu từ đường vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi đến tuyến song song với quốc lộ 22 hiện hữu. Điểm cuối nối vào quốc lộ 22.

Theo quy hoạch, mặt cắt ngang đoạn qua địa phận TP.HCM gồm 8 làn xe, đoạn còn lại thuộc tỉnh Tây Ninh có 6 làn xe. Chiều dài toàn tuyến khoảng 50km, trong đó đoạn qua TP.HCM khoảng 23,7km và đoạn qua tỉnh Tây Ninh khoảng 26,3km. Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2022 đến 2027.

Dự kiến xây cao tốc TP.HCM - Mộc Bài giai đoạn 1 với 16.700 tỷ đồng - 2

Bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TP.HCM - phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: Hữu Hạnh 

Dự án với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 16.729 tỷ theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT). Theo đó, nhà đầu tư thu phí hoàn vốn theo hợp đồng BOT, Nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng từ ngân sách TP.HCM và tỉnh Tây Ninh. Dự kiến, ngân sách TP.HCM tham gia 5.936 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn là 18 năm 1 tháng.

Về khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, UBND TP đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp đề xuất điều chỉnh vốn đã bố trí cho các dự án. Dự kiến điều chỉnh giảm vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các dự án để cân đối cho các dự án cấp bách.

TP cũng đang đề xuất trung ương tăng trần kế hoạch đầu tư công trung hạn. Do đó, UBND TP nhận thấy có thể sử dụng nguồn huy động tăng thêm ngoài mức vốn trung hạn để xây dựng dự án này.

Trình HĐND TP.HCM đặt tên cầu Thủ Thiêm 1, 2 là Thủ Thiêm và Bason

Tại kỳ họp, UBND TP.HCM đã trình HĐND TP xem xét quyết định việc đặt tên 2 cây cầu bắc qua sông Sài Gòn là Thủ Thiêm (cầu Thủ Thiêm 1) và Ba Son (cầu Thủ Thiêm 2).

Theo đó, trên cơ sở đề nghị của Sở Văn hóa và Thể thao TP, UBND TP.HCM đề xuất đặt tên Thủ Thiêm cho cầu nối đường Ngô Tất Tố, đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) đến đường Nguyễn Cơ Thạch, khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), hay được biết đến là cầu Thủ Thiêm 1.

Dự kiến xây cao tốc TP.HCM - Mộc Bài giai đoạn 1 với 16.700 tỷ đồng - 3

Đoạn rạch Xuyên Tâm qua quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: T.T.D

Bên cạnh đó, đề xuất đặt tên Ba Son cho cầu nối đường Tôn Đức Thắng (quận 1) đến khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), hay còn biết đến là cầu Thủ Thiêm 2.

Trước khi đề xuất, Sở Văn hóa và Thể thao TP đã lấy ý kiến của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, các sở ngành quận huyện có liên quan, Hội Di sản văn hóa TP, Hội Khoa học lịch sử TP. Các đơn vị này đều đã thống nhất với đề xuất đặt tên này.

Hội đồng tư vấn đặt, đổi tên đường cũng đã họp thống nhất phương án đặt tên trên và sau đó Sở Văn hóa và Thể thao TP đã lấy ý kiến người dân.

Đề xuất tăng thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức

UBND TP.HCM đã trình HĐND TP dự thảo nghị quyết quy định hệ số điều chỉnh tăng thu nhập năm 2023 đến khi hết thí điểm theo Nghị quyết 54.

Theo Nghị quyết 54, hệ số điều chỉnh tăng thu nhập để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị tối đa là 0,6 lần (năm 2018), 1,2 lần (năm 2019) và 1,8 lần (năm 2020) so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, để cùng chia sẻ với người dân, doanh nghiệp và tập trung nguồn lực chống dịch, từ năm 2020 đến nay, TP chưa thực hiện được hệ số tăng thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đến mức 1,8 lần.

Đến nay, xem xét nhu cầu và khả năng cân đối của ngân sách TP, đồng thời để chăm lo tốt hơn cho đời sống tinh thần và vật chất của cán bộ, công chức viên chức, UBND TP đã trình HĐND TP điều chỉnh hệ số tăng tối đa là 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ.

Trước đó, Quốc hội đã cho phép TP.HCM kéo dài thực hiện Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP đến hết ngày 31/12/2023.

Kỳ họp cũng sẽ cho ý kiến về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023 trên địa bàn TP; chính sách hỗ trợ giáo dục đối với trẻ mầm non, học sinh, học viên cao học và nghiên cứu sinh người dân tộc thiểu số và nhiều nội dung quan trọng khác.

Chủ tịch HĐND TP cũng cho biết tại kỳ họp này, các đại biểu sẽ báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri; báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện nghị quyết số 131; báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP về hoạt động tham gia xây dựng chính quyền TP năm 2022.

HĐND TP sẽ chất vấn Chủ tịch UBND TP, Sở Công Thương, Chủ tịch UBND quận 6 về các vấn đề kinh tế - xã hội. Dự kiến phiên chất vấn sẽ diễn ra vào chiều 8/12, được truyền hình và phát thanh trực tiếp.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ, những nghị quyết được thông qua tại kỳ họp lần này có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và nhiều năm tới, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân TP.

Vì vậy, bà đề nghị các vị đại biểu tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ để có những ý kiến đóng góp sâu sắc, chất lượng cho từng nội dung.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thảo Lê (Tuổi Trẻ Online)

CLIP HOT