Du khách thích thú xem "cuộc đại trùng tu" Chùa Cầu Hội An
Được tận mắt chứng kiến quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu, biểu tượng du lịch của phố cổ Hội An (Quảng Nam), nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, cảm thấy thú vị.
Trải qua hơn 400 năm lịch sử, Chùa Cầu đã trở thành biểu tượng của phố cổ, góp phần làm nên một Hội An xứng tầm Di sản Văn hóa thế giới. Chùa Cầu được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia năm 1990.
Hình ảnh Chùa Cầu được in trên tờ tiền polymer 20.000 đồng hiện hành của Việt Nam.
Chùa Cầu trước khi tu bổ (Ảnh: TP Hội An).
Chùa Cầu đang trong thời gian tu bổ, du khách có thể xem trực tiếp quá trình trùng tu (Ảnh: Ngô Linh).
Không chỉ vậy, công trình lịch sử này còn được người dân phố Hội xem là kết tinh linh hồn của đất và người Hội An. Đây còn là điểm hẹn quen thuộc của du khách trong và ngoài nước khi đến với phố cổ.
Dù đã qua 7 lần sửa chữa, nhưng trước sự bào mòn của thời gian cùng tác động của con người lẫn thiên tai, Chùa Cầu xuống cấp nghiêm trọng.
Để bảo vệ di tích quốc gia, UBND TP Hội An đã lập hồ sơ tu bổ. Dự án có tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh Quảng Nam và TP Hội An, thời gian thi công 360 ngày, do UBND TP Hội An làm chủ đầu tư, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An quản lý.
Dự án tu bổ Chùa Cầu đã triển khai một thời gian. Để thi công công trình đặc biệt này, thành phố Hội An đưa ra một phương án được xem là hiếm có, không chỉ với du khách trong nước, quốc tế mà còn đối với người dân Hội An khi họ có thể tiếp cận, chiêm ngưỡng các vị trí của Chùa Cầu ở cự ly gần và quan sát các hoạt động trùng tu di tích có tuổi đời hàng trăm năm.
Anh Bob (du khách Thái Lan) chia sẻ: "Được xem tận mắt, nghe hướng dẫn viên thuyết minh lại tôi đã rất ngỡ ngàng khi có thể chứng kiến quá trình tu bổ di tích đặc biệt này. Tôi đã rất tiếc khi không được chụp ảnh lưu niệm cùng Chùa Cầu. Thời gian tới, nhất định tôi sẽ quay lại khi di tích này trùng tu xong".
Để du khách dễ dàng tham quan, thành phố đã cho xây dựng hạng mục nhà bao che để tu bổ di tích Chùa Cầu. Tại đây, bố trí nhiều không gian chức năng khác nhau, trong đó có không gian thờ tự khi di tích Chùa Cầu tu bổ, tượng thần Bắc Đế Trấn Vũ, tấm biển gỗ Lai Viễn Kiều cùng một số hiện vật quý.
Các hạng mục chính cần tu bổ gồm: gia cố hệ móng, mố, trụ; tu bổ kết cấu gỗ, hệ sàn, khung và mái; chống mối mọt; lắp đặt hệ thống chiếu sáng trong di tích; tôn tạo cảnh quan chung, hạ tầng kỹ thuật bao gồm lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, chống sét, phòng cháy chữa cháy, camera an ninh…
Theo lãnh đạo TP Hội An, việc trùng tu chùa Cầu phải đảm bảo tính nguyên tắc của di sản. Bởi Chùa Cầu không chỉ là di tích quốc gia đặc biệt, có lịch sử lâu đời mà còn mang tính biểu tượng cho mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.
Dự kiến dự án tu bổ di tích Chùa Cầu sẽ được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 24 năm (năm 2025) Khu phố cổ Hội An được công nhận Di sản Văn hóa thế giới.
Du khách tìm hiểu quá trình tu bổ công trình mang tính biểu tượng ở phố cổ Hội An.
Ngày lễ nhưng bình quân mỗi ngày nơi đây chỉ bán gần 4.000 vé tham quan phố cổ, thấp hơn khoảng 1.000 vé so với ngày thường.