Chưa có tiêu chí chung, doanh nghiệp du lịch lo gặp cảnh "dở khóc, dở cười"
Việc từng bước phục hồi du lịch, sống chung với Covid là điều tất yếu nhưng vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn cho các doanh nghiệp, lữ hành du lịch khi tổ chức tour.
Sau thời gian dài tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, nhiều doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành bắt đầu trở lại thị trường với chiến lược mới, trong đó ưu tiên hàng đầu là an toàn và chất lượng của sản phẩm du lịch.
Đưa nhiều sản phẩm mới, đa dạng
Ông Lê Phong Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch lữ hành Thiên Phú, cho rằng đây là thời điểm thuận lợi để công ty thiết kế và xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới đa dạng, phù hợp với cả khách trong nước và quốc tế. "Cần phải triển khai nhanh gọn và ráo riết nhiều phương án để ngành du lịch sớm được phục hồi, đảm bảo mục tiêu kép mà Chính phủ đưa ra", ông Phú nhấn mạnh.
Hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, nhu cầu đi du lịch đang bị dồn nén rất mạnh sau thời gian dài nên chắc chắn sẽ hồi phục mạnh mẽ ngay khi đạt được các điều kiện cho phép.
Ông Nguyễn Ngọc Hoài Nguyên - Tổng Giám đốc BenThanh Tourist (BTT),doanh nghiệp đã nỗ lực thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn và duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh đại dịch gây ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch.
Ông Nguyễn Ngọc Hoài Nguyên - Tổng Giám đốc BenThanh Tourist
Ông chia sẻ, tận dụng thời gian giãn cách xã hội đồng thời nhằm “giữ lửa” cho nhân viên, công ty đã giữ lại hầu hết người lao động, trích quỹ để hỗ trợ những nhân viên không may bị nhiễm Covid-19. Bên cạnh đó, BTT còn gửi đến người lao động nhiều phần quà và gói hỗ trợ an sinh, tổ chức các cuộc thi truyền tải thông điệp tích cực như “Ở nhà an toàn”, “Vẫn khỏe khi ở nhà”...
Lữ hành Saigontourist cũng cho hay sẽ linh hoạt theo tình hình dịch bệnh, bước đầu tổ chức những tour khép kín đến các vùng xanh của TP.HCM như Cần Giờ, Củ Chi bằng đường bộ và đường sông hoặc liên tuyến Củ Chi - Tây Ninh và liên tuyến các tỉnh thành đã đủ điều kiện đón khách và tổ chức tour khép kín. Đặc biệt, doanh nghiệp này triển khai tặng bảo hiểm du lịch và bảo hiểm Covid-19 cho mọi du khách để nâng cao mức độ an toàn.
Saigontourist mở tour đường sông tới Cần Giờ
Riêng với lưu trú, các doanh nghiệp đầu ngành như Sungroup, Vingroup đã chuẩn bị sẵn sàng để đón khách trong và ngoài nước. Bên cạnh việc xây dựng sản phẩm dịch vụ mới, các đơn vị đặt mục tiêu chuyển đổi số để vừa nâng cao trải nghiệm vừa đảm bảo an toàn cho khách hàng.
Đáng chú ý, bà Nguyễn Vũ Quỳnh Anh, Tổng giám đốc khối Sun Hospitality Group nhấn mạnh đang khởi động lại trao đổi với đối tác quốc tế ở những thị trường tiềm năng để đưa khách bay charter đến Phú Quốc thông qua hộ chiếu vaccine.
"Từ Phú Quốc sẽ mở cửa ra các địa phương khác, để không chỉ là bay charter mà còn những chuyến bay thương mại khác. Để làm được điều này, doanh nghiệp kiến nghị đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, nhất là những địa phương đón khách du lịch, đồng thời thống nhất quy trình đón khách để có trải nghiệm tốt nhất cho du khách", bà Quỳnh Anh nói.
Ngành du lịch chờ tiêu chí an toàn chung
Sớm khởi động các sản phẩm du lịch vùng xanh nội tuyến như: Cần Giờ, Củ Chi…, Vietravel Holdings đang rất kỳ được mở rộng các tuyến liên tỉnh vào đầu tháng 11 tới đây. Tuy nhiên, đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa được các địa phương hướng dẫn, chấp thuận cho triển khai, mỗi địa phương còn quy định một kiểu, khiến doanh nghiệp lúng túng.
"Để cởi trói cho du lịch, trước hết phải cởi trói cho các tỉnh, thành về các điểm đến và việc liên kết giao lưu giữa các tỉnh, thành phải được khôi phục trở lại", ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Holdings, cho hay.
Từ 1/11, Kiên Giang chính thức mở cửa đón khách du lịch nội địa. Ảnh: Anton Shuvalov.
Ông Nguyễn Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội lữ hành TP.HCM, Phó chủ tịch Chi hội Du lịch Cộng đồng, Tổng giám đốc Saco Travel đã chia sẻ, đoàn của ông đi thực tế để xúc tiến liên kết với các tỉnh Như: Tây Ninh, Nha Trang, Phú Yên. Tuy nhiên khi đi thực tế mới thấy vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn cho các doanh nghiệp, lữ hành du lịch khi tổ chức tour.
"Nếu như ở Nha Trang chúng tôi không gặp trở ngại, Nha Trang chấp nhận giấy xét nghiệm test nhanh trước khi lên máy bay của cả đoàn, thì khi đến Phú Yên, họ đã không chấp nhận giấy test nhanh của TP.HCM, họ yêu cầu test lại. Điều này khiến doanh nghiệp, lữ hành gặp tình huống "dở khóc, dở cười", nếu chẳng may tổ chức đưa đoàn đến hay đi qua Phú Yên. Vì vậy với vai trò là doanh nghiệp du lịch tôi cũng như nhiều đồng nghiệp mong muốn các địa phương nên có giải pháp để làm sao không xảy ra những bất cập, những yêu cầu, quy định gây quá nhiều khó khăn cho du lịch", ông Tấn đề xuất.
Nhiều doanh nghiệp còn phản ánh dù khách du lịch, nhân viên vận chuyển… đã có thẻ xanh Covid-19 nhưng một số địa phương vẫn yêu cầu test nhanh hoặc test PCR. Điều này khiến du khách "ngại" nên quyết định không đi du lịch. Ngoài ra, nhiều trường hợp du lịch kết hợp công tác, đăng ký nghỉ dưỡng tự túc tại khu du lịch nhưng phải đi theo tour trọn gói… Do đó, doanh nghiệp mong muốn các bộ, ngành, cơ quan trung ương sớm ban hành quy định, hướng dẫn cụ thể, áp dụng cho toàn quốc.
Trải nghiệm câu cá sấu ở Cần Giờ
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cho biết dù muốn kích cầu, nhưng giai đoạn này rất khó hạ giá sản phẩm, bởi chi phí đầu vào đều tăng so với trước. Đây cũng là cái khó để hấp dẫn du khách.
"Giai đoạn hiện nay rất khó trong việc đưa ra một mức giá thấp, vì nhà cung cấp đã đưa cho mình mức giá khá cao bởi có những lý do khách quan mà họ phải tăng chi phí. Do vậy trong giai đoạn này, mặc dù có thể có những chiến dịch kích cầu, tuy nhiên chính sách giá không phải là giá bán rẻ, mà là làm sao tìm được sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu, đặc biệt là phải an toàn", ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông, Marketing TST Tourist, cho biết.
Trong thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch (VHTTDL) đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp dựa trên các cơ chế, chính sách. Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, Tổng cục đã tham mưu Bộ VHTTDL luôn bám sát, cập nhật đề xuất từ phía doanh nghiệp du lịch cho các hình thức hỗ trợ như: gói hỗ trợ tài chính, lãi suất ưu đãi cho vay, giãn, hoãn các khoản thuế, phí, quan tâm tới việc hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, hướng dẫn viên du lịch. “Trong 2 năm qua, chúng tôi liên tiếp có những đề xuất, đến nay đã đạt được kết quả bước đầu như giảm giá tiền điện đối với các cơ sở lưu trú, đưa về giá ngang bằng các cơ sở kinh doanh. Giảm tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp du lịch. Hay các loại thuế VAT, phí phải nộp là gánh nặng lớn, cần có thời hạn kéo dài hơn để hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Khánh nói. Điều lo lắng nhất của doanh nghiệp có lẽ là việc "mở ra không quản trị được lại đóng lại". Điều này không chỉ khiến doanh nghiệp hụt hơi, mà ảnh hưởng đến cả tâm lý du lịch của người dân. Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng doanh nghiệp cần xem xét việc nên chuyển đổi như thế nào để phù hợp với tình hình bình thường mới. Điều này cần có những chương trình, hành động cụ thể. |
(Mời quý độc giả theo dõi bài tiếp theo trong loạt bài "Ngành Du lịch chủ động phá băng" vào 11h ngày mai, 29/10/2021)
Du khách sẽ ưu tiên lựa chọn đến các địa điểm du lịch gần thay vì phải đi xa kết hợp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe....