Đi Singapore, Ấn Độ dịp nghỉ lễ 30/4 để tránh cảnh chen chúc
Vé máy bay rẻ hơn, quy định nhập cảnh dễ dàng và tránh được cảnh chen chúc là lý do nhiều người chọn du lịch quốc tế thay vì trong nước dịp 30/4-1/5 tới.
Sau 2,5 năm tạm dừng du lịch quốc tế vì dịch Covid-19, Cao Tường Vy (28 tuổi, TP.HCM), chuyên viên sáng tạo nội dung, quyết định cùng bạn trai đến Singapore trong dịp nghỉ lễ sắp tới.
“Giá vé máy bay rẻ, chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/người khứ hồi. Thủ tục xét nghiệm Covid-19 cũng đơn giản, chỉ cần test nhanh”, cô nói với Zing.
Đây là lần thứ hai Vy ghé thăm đảo quốc sư tử. Chuyến này cô chủ yếu muốn tìm lại cảm giác đi nước ngoài sau thời gian dài và chỉ chơi quanh các địa điểm nổi tiếng.
Ban đầu, Vy và người yêu dự định kết hợp tham quan đảo Tioman ở Malaysia nhưng hủy kế hoạch vì thủ tục nhập cảnh phức tạp. Họ xin nghỉ phép thêm 2 ngày để phù hợp lịch trình và đặt ngân sách khoảng 8 triệu đồng/người chưa tính mua sắm.
Tường Vy hy vọng trở lại các chuyến đi nước ngoài sau hơn 2 năm ngành du lịch đóng băng vì dịch.
Sợ đông đúc
Trước dịch, Vy thường du lịch nước ngoài vào dịp nghỉ lễ vì không đông đúc như trong nước và chi phí tương đương đối với các quốc gia gần. Vy từng đi Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc, UAE, Singapore, Malaysia, Campuchia và Đài Loan.
“Vốn đam mê văn hóa các dân tộc trên thế giới, tôi rất thích đi du lịch, chủ yếu để tìm hiểu các nét truyền thống. Vì Covid-19, tôi đành gác lại hành trình khám phá hơn 2 năm qua. Lần này, dù chỉ đi gần, tôi cũng rất háo hức. Giờ mọi thủ tục đơn giản hơn vì mỗi quốc gia đều có chính sách nhập cảnh riêng. Mọi người cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định đến đâu đó”, cô nói.
Dịp lễ 30/4-1/5 sắp tới, người quen và bạn bè của Vy thường chọn đi các địa điểm trong nước như Đà Lạt, Vũng Tàu vì gần. Cô hy vọng mọi người sớm được quay lại với niềm đam mê du lịch.
Từ ngày 29/4 đến 9/5 tới, chị Nguyễn Thu Trang (Hà Nội) có chuyến du lịch Kashmir và Ladakh (Ấn Độ).
Chị Thu Trang chọn trở lại Ấn Độ sau vài năm không ra nước ngoài vì dịch.
Từng ghé thăm Ladakh vài năm trước nên lần này, chị Trang muốn dành nhiều thời gian hơn ở khu vực Srinagar (thuộc bang Jammu và Kashmir). Chị háo hức muốn trải nghiệm từ lời kể của đồng nghiệp Ấn Độ ở công ty.
“Về thủ tục, tôi chỉ cần xin visa online và mua vé máy bay. Do không có thời gian, tôi sẽ đặt xe riêng hoặc private tour cho chặng này. Tôi chỉ cần liệt kê các điểm muốn đi và đưa cho đơn vị tổ chức tour để họ bố trí xe, khách sạn cho mình. Tôi dự tính ngân sách dưới 50 triệu đồng”, chị nói.
Trong các dịp nghỉ lễ, chị Trang không đi du lịch nội địa để tránh cảnh đông đúc. Bạn bè chị cũng chọn đi nước ngoài với lý do tương tự.
“Mỗi dịp lễ, tôi thường nghỉ 2 tuần để đi chơi. Cứ 10 năm làm việc, tôi lại nghỉ một năm đi du lịch. Tôi từng đặt chân tới khoảng 40-50 quốc gia. Dịch bệnh khiến đường bay đóng cửa, tôi không thể ra nước ngoài. Còn khi mở lại, tôi không gặp khó khăn gì. Quốc gia nào chưa đi thì lên đường và thường không có kế hoạch trước”, chị cho hay.
Giá vé hạ nhiệt
Ngày 28/4, Lê Thanh Sơn, giáo viên tại Đắk Nông, cùng hai người bạn sẽ bay từ TP.HCM tới Malaysia để tận hưởng kỳ nghỉ lễ.
Anh từng đi hết các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Từ khi đóng cửa đường bay quốc tế đến giờ, đây là chuyến đi đầu tiên của anh sau dịch.
Giống nhiều người, lý do Sơn chọn du lịch quốc tế thay vì trong nước là chi phí không chênh lệch và tránh được cảnh chen chúc.
“Mọi năm, vé máy bay ra nước ngoài dịp nghỉ lễ cũng cao. Năm nay, dịch bệnh nên hạ nhiệt nhiều. Trong khi đó, vé đi Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Đà Lạt, Vũng Tàu… còn đắt đỏ hơn. Làm việc cả năm mới có vài ngày nghỉ đi du lịch, tôi sẽ không tới những địa điểm trong nước vì luôn chật kín người”, anh nói.
Anh Thanh Sơn trong chuyến du lịch Malaysia và Hàn Quốc trước đây.
Theo Sơn, Thái Lan hiện vẫn khó khăn về giấy tờ. Anh phải hủy chuyến đi vào dịp lễ Songkran hôm 12-15/4 do chính sách cách ly một ngày. Nếu xét nghiệm dương tính, việc cách ly tại khách sạn sẽ rất tốn kém.
Trong khi đó, Singapore đắt đỏ nên anh chọn Malaysia, với các điểm đến là Penang và Langkawi.
Về thủ tục, Sơn đăng ký trên ứng dụng của Malaysia, chuẩn bị chứng nhận tiêm chủng bằng tiếng Anh trên PC-Covid và bảo hiểm du lịch. Anh sẽ test PCR trước chuyến đi do hãng bay đang miễn phí. Tới Malaysia, nam giáo viên sẽ xét nghiệm lại theo quy định với thủ tục khá đơn giản.
Sơn dự tính ngân sách cho chuyến đi khoảng 5 triệu đồng, chưa tính 2 triệu đồng vé máy bay quốc tế và 1 triệu đồng vé nội địa Malaysia.
“Dịch bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến hành trình du lịch quốc tế của tôi trong hơn 2 năm qua. Tôi thích đi Đài Loan do được miễn visa theo chính sách có visa Hàn và Nhật nhưng nơi này chưa mở cửa du lịch. Tôi hy vọng chuyến đi tới tốt đẹp để nghỉ hè có thể thuận lợi ghé thăm Cebu ở Philippines”, anh nói.
Nhìn Việt Hương như đang ngập tràn sự hạnh phúc khi được đi “hâm nóng“ tình cảm cùng ông xã của mình.