Đề xuất mở bến du thuyền cho cá nhân
Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP đề xuất cho phép thí điểm lập điểm bến thủy nội địa cá nhân.
Hàng trăm du thuyền ngóng... chỗ đậu
Theo báo cáo của Sở GTVT TP.HCM, hiện nay trên địa bàn TP có 92 doanh nghiệp (DN) kinh doanh hoạt động vận tải đường thủy với 308 phương tiện chở khách. Trong đó, các loại hình phương tiện hoạt động chủ yếu là tàu cao tốc chở khách tuyến cố định (9 phương tiện), ca nô cao tốc chở khách du lịch theo hợp đồng chuyến (128 phương tiện), tàu nhà hàng, phương tiện thủy nội địa vận tải hành khách ngang sông (78 phương tiện), phà vận tải hành khách ngang sông (15 phương tiện).
Nhu cầu sở hữu du thuyền, ca nô cá nhân tại TP.HCM ngày càng tăng. Ảnh Độc Lập
Số lượng phương tiện thủy nội địa đăng ký mới phát sinh năm 2020 là 267, trong đó có 22 du thuyền, 28 ca nô (sức chở dưới 12 người). Từ đầu năm đến nay, Sở ghi nhận thêm 229 phương tiện đăng ký mới, trong đó có 3 du thuyền, 30 ca nô có sức chở dưới 12 người và 9 ca nô có sức chở trên 12 người.
Đáng chú ý, tổng số du thuyền của hộ gia đình, cá nhân được đăng ký đang hoạt động là 50 du thuyền, cộng thêm 390 ca nô của hộ gia đình, cá nhân (chưa tính của cơ quan, đơn vị). Lãnh đạo ngành giao thông TP đánh giá nhu cầu neo đậu phương tiện thủy của tổ chức, cá nhân (hộ gia đình) trên đường thủy nội địa tại TP.HCM là rất lớn, chủ yếu là các hộ gia đình sinh sống tại các khu dân cư ven sông hoặc có cơ sở kinh doanh gần sông.
Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và quy hoạch khác có liên quan nên chưa có cơ sở xem xét chấp thuận cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được phép neo đậu phương tiện thủy nội địa phục vụ nhu cầu đi lại, du lịch bằng đường thủy. Hiện hầu hết các phương tiện phải neo đậu ở các bến thủy đã được cấp phép nằm rất xa.
Trước nhu cầu tăng cao, từ đầu năm 2021, Sở GTVT TP có văn bản gửi Bộ GTVT xin ý kiến hướng dẫn chuyên ngành về chấp thuận vùng nước neo đậu phương tiện trên đường thủy nội địa phục vụ nhu cầu đi lại của tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP. Trong đó, đã đề xuất cụ thể quy mô, tiêu chí khu neo đậu, vùng nước neo đậu phương tiện thủy. Khoảng 1 tháng sau, Bộ GTVT có công văn giao Cục Đường thủy nội địa nghiên cứu các quy định tại các nghị định và quy định pháp luật liên quan để hướng dẫn, phối hợp với Sở GTVT TP.HCM thực hiện. Ngày 28.4, Sở GTVT TP tiếp tục gửi văn bản tới Cục Đường thủy nội địa xin ý kiến thống nhất chủ trương xây dựng, ban hành quy định các tiêu chí về kỹ thuật, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, thủ tục...; nhưng đến nay, vẫn chưa nhận được hướng dẫn của Cục Đường thủy nội địa.
Phải nằm trong quy hoạch tổng thể
Trước thực trạng tàu nhiều nhưng không có bến, Sở GTVT TP.HCM tham mưu UBND TP kiến nghị Bộ GTVT sớm rà soát trình Chính phủ sửa đổi các quy định hiện chưa phù hợp với thực tiễn địa phương. Trong thời gian chờ đợi, đề xuất cho phép TP.HCM được thí điểm bến thủy nội địa tại một số đoạn trên sông Sài Gòn và một số tuyến sông, kênh trong khu vực nội thành.
Cụ thể, phạm vi áp dụng thí điểm bắt buộc phải trên vùng nước nằm ngoài hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa, tiếp giáp bờ sông, đảm bảo an toàn đường thủy nội địa và đê điều, an toàn các công trình chính trị, bảo vệ bờ. Về kết cấu, bến neo đậu du thuyền, ca nô cá nhân, hộ gia đình làm thí điểm là dạng tương đối đơn giản, phao nổi bằng thép kết nối với bờ bằng cầu đi bộ. Các khu neo đậu được đề xuất thí điểm sẽ chỉ thiết lập để neo, giữ phương tiện thủy có sức chở đến 12 người hoặc phương tiện có động cơ, tổng công suất máy chính đến 15 sức ngựa. Thời gian thí điểm là năm 2022 - 2023.
Chuyên gia quy hoạch Ngô Viết Nam Sơn cho rằng đề xuất thí điểm của TP.HCM chỉ nên mang tính chất ngắn hạn, giải quyết tạm thời nhu cầu thực tiễn, kéo dài thời gian để TP hoàn thiện quy hoạch ven sông Sài Gòn. Nguyên nhân, các bến ven sông, dù là loại hình nào cũng cần nằm trong quy hoạch tổng thể, gắn với các phương tiện thủy, đường đi bộ, đường cho xe dọc ven sông… Nếu chỉ giải quyết cục bộ theo kiểu “ngứa đâu gãi đó” sẽ phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng tiêu cực đến bộ mặt đô thị TP.
Theo ông Sơn, tàu thuyền di chuyển giúp không gian trên sông, ven sông trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, dọc sông Sài Gòn khu vực Thanh Đa ở TP.HCM hiện nay cũng có một số nhà làm bến thuyền ven sông, nhưng khá tạm bợ. Nếu giờ cho trải khắp sông, mỗi nhà làm một kiểu thì vừa ảnh hưởng giao thông thủy vừa khiến con sông trở nên nhếch nhác. Do đó, bến ven sông phải nằm trong quy hoạch tổng thể.
“Quy hoạch ven sông phải lưu ý: Bến thuyền có nhiều loại, gồm bến vận chuyển hàng hóa, hành khách, sau đó mới tới những bến của tàu tư nhân hay du thuyền… Các loại bến gắn kết với quy hoạch đường, xe, đường đi bộ ven sông như thế nào; hành lang thông thủy, mật độ phương tiện… ra sao, phải có quy hoạch thì mới khống chế số lượng bến cấp phép. Sông Sài Gòn là vốn quý của TP.HCM. Việc quy hoạch khu vực ven sông rất quan trọng. Việc du thuyền thiếu bến càng cho thấy sức ép của việc tổ chức lại ven sông Sài Gòn là rất lớn. Chậm trễ sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy”, ông Sơn lưu ý.
“Ở những TP trên thế giới có đặc điểm đô thị sông nước giống TP.HCM, nhu cầu của người dân sở hữu du thuyền, ca nô cũng rất lớn. Tuy nhiên, rất ít nơi cho phép làm bến cá nhân dọc ven sông mà thường tập trung tại các bến chung, người dân gần đó đi xe tới rồi đi thuyền của mình”.
Ngày hội Du lịch trực tuyến TP.HCM bắt đầu từ 4/12 với nhiều sản phẩm du lịch, dịch vụ được mở bán với giá ưu...