Dân làng nghề du lịch bị ảnh hưởng dịch Covid vui mừng khi nghe được hỗ trợ
Hơn một năm "ngắc ngoải" vì dịch Covid-19, những hộ kinh doanh du lịch và người lao động trên cù lao Cồn Sơn (Cần Thơ) nay vui mừng khi nghe thông tin về gói an sinh 26.000 tỷ đồng.
Làng du lịch "chết lâm sàng" do dịch Covid, dân vui khi nghe được hỗ trợ
Từ nhiều năm nay, Cù lao Cồn Sơn (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) được biết như một điểm đến du lịch không thể bỏ qua của xứ Tây Đô. Trên cù lao có những sản phẩm du lịch như tham quan cá lóc bay, vườn trái cây, làm bánh dân gian, tát đìa bắt cá…
Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hơn một năm qua hoạt động kinh doanh du lịch trên cù lao trở nên ảm đạm.
Đã lâu không đón khách, bến đò ngập đầy rác.
Khốn khó vì dịch Covid
Trên cù lao, những quán cà phê, những hàng ăn trở nên hoang tàn, những con đường vắng lặng, những vườn cây im lìm. Dọc con đường chính của cù lao, những điểm bán đồ lưu niệm đã nằm im phủ bụi lâu ngày, những bàn ghế nghỉ chân cho du khách cũng đã sập sệ vì mưa gió.
Theo ông Mai Hồng Sử, Trưởng khu dân cư Cồn Sơn, cù lao có 12 hộ gia đình kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, 22 hộ có dịch vụ tham quan vườn cây và rất nhiều hộ làm nhiều dịch vụ ăn theo du lịch không thống kê được, bên cạnh đó là rất nhiều lao động tự do tham gia vào lĩnh vực du lịch.
Cá lóc bay là sản phẩm du lịch nổi tiếng của cù lao Cồn Sơn nay do dịch Covid nên chỉ bay... cho chủ ngắm.
"Nhờ du lịch mà đời sống bà con đi lên, nhưng hơn một năm nay do dịch bệnh nên ít khách, hoạt động kinh doanh trở nên khó khăn. Các hộ đầu tư làm du lịch chủ yếu là dùng vốn vay ngân hàng, nên khó khăn lại càng khó khăn, không có khách nên cũng chẳng ai dám vay thêm để đầu tư hay sửa sang cả, cơ sở vật chất cũng vì thế mà xuống cấp", ông Mai Hồng Sử cho biết.
Ông Lê Trung Tín là chủ của một trong những cơ sở du lịch sinh thái lớn nhất ở Cồn Sơn. Cơ sở của ông rộng hơn 10.000 m2, những năm trước sử dụng đều đặn hơn 10 lao động tự do trên cù lao, tiền công mỗi lao động gần 5 triệu đồng/ tháng.
Dù không được phép đón khách nhưng chủ các cơ sở kinh doanh du lịch vẫn phải duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất để luôn sẵn sàng hoạt động trở lại.
Thế nhưng từ năm ngoái đến nay vì vắng khách nên ông Lê Trung Tín đã phải cắt giảm, chỉ dùng 4 lao động. Không có khách, cơ sở cũng chỉ hoạt động cầm chừng để hạn chế hư hao tài sản. Dù không có thu nhập nhưng ông vẫn phải chi tiền sửa sang cơ sở vật chất để sẵn sàng khi được đón khách trở lại.
"Từ năm ngoái đến nay lượng khách chỉ đạt chừng 30% các năm trước, có những thời điểm thu không đủ bù chi. Hai tháng nay là cấm đón khách nên mất hẳn nguồn thu, nhưng mình vẫn phải chi cả trăm triệu cho nhân công và để bảo trì tài sản", ông Lê Trung Tín chia sẻ.
Theo chủ cơ sở du lịch sinh thái này, việc kinh doanh hết sức khó khăn, chỉ hoạt động cầm chừng thế nhưng thuế thì vẫn cứ tăng lũy tiến theo từng năm mà không có giảm. Rất khó để những hộ kinh doanh cá thể như ông có thể cầm cự trong tình hình này.
Ông Lê Trung Tín - chủ một cơ sở kinh doanh du lịch trên cù lao Cồn Sơn mong ngóng được hỗ trợ.
Câu lạc bộ du lịch Cồn Sơn do bà Phan Kim Ngân làm Chủ tịch hiện có 40 hộ dân trên cù lao tham gia, mỗi hộ có một sản phẩm du lịch khác nhau. Câu lạc bộ hiện cũng đang là nơi hoạt động của 33 hướng dẫn viên du lịch.
"Dịch bệnh nên khách không đến được, trước khi thành phố chỉ đạo dừng đón khách thì chúng tôi đã tự thông báo với chính quyền xin dừng nghỉ để phòng chống dịch rồi. Chúng tôi là hộ kinh doanh kết hợp làm vườn, mình không đón khách được thì quay sang làm vườn, không giàu được nhưng cũng không đến nỗi khó khăn. Chỉ có những nhà vay ngân hàng để đầu tư thì mới khổ, kế đến là mấy em hướng dẫn viên, mất khách là mất việc", bà Phan Kim Ngân nói.
Trông chờ một sự hỗ trợ từ chính sách
Vợ chồng chị Huỳnh Thị Muôn (34 tuổi, ngụ trên cù lao Cồn Sơn) cùng làm việc cho các cơ sở kinh doanh du lịch ở trên cồn. Tổng tiền công 9 triệu đồng mỗi tháng gần như là thu nhập duy nhất để nuôi sống cả nhà 4 người gồm 2 vợ chồng và 2 đứa con. Tuy nhiên nhiều tháng nay, vợ chồng chị không có việc làm, cuộc sống trở nên rất khăn.
Chị Huỳnh Thị Muôn - một người lao động trong ngành du lịch đã bị thất nghiệp do đại dịch mong ngóng được hỗ trợ.
Mới đây khi nghe tin có gói hỗ trợ của Chính phủ, vợ chồng chị rất vui. "Trong lúc đang khó khăn, không có việc làm, thành phố Cần Thơ đang giãn cách xã hội, nếu được nhận tiền hỗ trợ đó sẽ từ Nhà nước, chính quyền địa phương, người dân chúng tôi sẽ thấy rất ấm lòng", chị Huỳnh Kim Muôn bày tỏ.
Hồi đầu tháng 7, bà Phan Kim Ngân đã được nhận thông tin từ Sở Văn hóa thể thao và du lịch TP Cần Thơ về gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP mà Chính phủ vừa thông qua.
Làng du lịch Cồn Sơn đang "chết lâm sàng" do dịch Covid-19.
"Chúng tôi chỉ mới được nghe phổ biến chứ chưa được nhận hỗ trợ, nhưng mừng lắm. Tất cả các hộ kinh doanh trong câu lạc bộ chúng tôi chắc chắn là bị ảnh hưởng do dịch bệnh, theo các tiêu chí thì chúng tôi sẽ được hỗ trợ", bà Phan Kim Ngân chia sẻ.
Cũng theo bà Phan Kim Ngân, mừng nhất là những người làm hướng dẫn viên vì đã mấy tháng nay không có thu nhập. Theo bảng tiêu chí thì đối tượng này sẽ được nhận hỗ trợ hơn 3,7 triệu đồng/người, như thế cuộc sống sẽ đỡ cực đi rất nhiều.
Ông Lê Trung Tín lại có nỗi niềm riêng bởi ông cũng là hộ kinh doanh cá thể, tuy nhiên mô hình kinh doanh du lịch sinh thái của ông 100% phụ thuộc khách du lịch. Không có khách là mất hẳn nguồn thu, đời sống người lao động của ông cũng trở nên vất vả. Vì vậy, chủ cơ sở kinh doanh du lịch này rất mong ngóng có một chính sách hỗ trợ hiệu quả từ chính quyền.
Từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều tạp chí, diễn đàn du lịch nổi tiếng, uy tín hàng đầu thế giới liên tục bình chọn,...