Đại dịch kéo lùi 30 năm, đề xuất mở sàn thương mại điện tử du lịch Việt Nam

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tổ chức du lịch thế giới cho biết, năm 2020, tổng thiệt hại của ngành du lịch thế giới là 2,4 nghìn tỉ USD. Ngành du lịch đã lùi sự phát triển 30 năm trở về mốc năm 1990. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho rằng đại dịch buộc ngành du lịch phải chuyển đổi số nhanh và mạnh hơn, đồng thời đưa ra đề xuất thành lập một sàn thương mại điện tử về du lịch của Việt Nam.

Đại dịch kéo lùi 30 năm, đề xuất mở sàn thương mại điện tử du lịch Việt Nam - 1

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc phát biểu tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ 3. Ảnh: Hữu Chánh.

Tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ 3, ngày hôm qua (11.12), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc đã có bài tham luận về thực trạng Chuyển đổi số trong ngành du lịch của Việt Nam.

Ông Phúc dẫn chứng báo cáo của Tổ chức du lịch thế giới cho biết, năm 2020, tổng lượng khách du lịch quốc tế chỉ đạt 390 triệu lượt, đạt 73% so với 2019. Tổng thiệt hại của ngành du lịch là 2,4 nghìn tỉ USD. Ngành du lịch đã lùi sự phát triển 30 năm trở về mốc năm 1990.

"Đại dịch buộc ngành du lịch phải chuyển đổi số nhanh và mạnh hơn nữa", ông Phúc nói.

Về tình hình chuyển đổi số, ông Phúc cho biết, ngành du lịch đã triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu với 14.000 khách sạn, hệ thống kết nối liên thông cơ sở dữ liệu từ các Sở Du lịch đến Tổng cục Du lịch. Tuy vậy, bước đầu chỉ thông qua các báo cáo.

Thời gian qua, ngành du lịch đã cùng Mobifone ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường, số hóa một số điểm đến tại Hà Giang và Thanh Hóa. Thời gian tới, sẽ mở rộng tại 20 tỉnh thành. Bước đầu mỗi tỉnh một điểm sau đó, từ ngân sách địa phương sẽ mở rộng ra trở thành các chuỗi điểm du lịch ứng dụng công nghệ số.

"Đây chỉ là bước đầu trong triển khai ứng dụng về du lịch thông minh", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định.

Đại dịch kéo lùi 30 năm, đề xuất mở sàn thương mại điện tử du lịch Việt Nam - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành tham dự Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp phát triển công nghệ số lần thứ 3. Ảnh: Bộ TTTT.

Ông Phúc thông tin thêm, một số địa phương cũng rất chủ động trong việc triển khai các ứng dụng riêng của mình. Như hệ thống thuyết minh tự động tại Văn miếu Quốc tử giám, phần mềm hướng dẫn tham quan Hoàng thành Thăng Long tại Hà Nội, TP.HCM ra mắt 2 trạm thông tin hỗ trợ du khách, một số phần mềm tiện ích.

Đà Nẵng cũng có rất nhiều chương trình, ứng dụng số phục vụ du khách như Đà Nẵng Tourism, Go! Đà Nẵng, Đà Nẵng Bus, đặc biệt là ứng dụng Chatbot "Đà Nẵng Fantasic city". Thừa Thiên Huế ra mắt chương trình tham quan Hoàng thành bằng Công nghệ Thực tế ảo. Hà Giang, Ninh Bình, Quảng Bình cũng triển khai các phần mềm riêng rẽ để phục vụ du lịch.

"Tuy vậy, các phần liên kết các ứng dụng du lịch này đang rất thiếu", ông Phúc nhận định.

Các doanh nghiệp du lịch như Sài Gòn Tourism, Flamingo, Hà Nội Tourism cũng đều ứng dụng chuyển đổi số. Tuy vậy, một số doanh nghiệp chỉ coi chuyển đổi số là nơi đầu tư hạ tầng, đầu tư ứng dụng, chưa có sự kết nối chặt chẽ trên nền tảng số giữa các chủ thể liên quan như khách du lịch, bên cung cấp dịch vụ.

Từ thực trạng trên của chuyển đổi số trong ngành du lịch, ông Phúc đề xuất cần thành lập sàn thương mại điện tử về du lịch, được sự bảo trợ của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Trên đó có thủ tục thanh toán, các dịch vụ liên quan đến tour du lịch, làm sao kết nối trực tiếp du khách với đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch.

"Thái Lan cũng mới ra mắt sàn theo hình thức này và rất khác với sàn thương mại điện tử”, ông Phúc nói.

Bên cạnh đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch muốn chuyển đổi số du lịch thực sự có hiệu quả thì cần có sự liên kết, hợp tác trong ngành du lịch tạo thành các trục liên thông trong du lịch. Các quy định pháp lý cần theo sát sự phát triển của công nghệ số và du lịch. Đồng thời cần phát động phong trào ứng dụng công nghệ số trong du lịch, tăng cường đào tạo nhân lực chuyển đổi số du lịch và hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm.

Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức là sự kiện lớn nhất trong năm dành cho các doanh nghiệp công nghệ số, cộng đồng nghiên cứu phát triển công nghệ, các nhà quản lý và đầu tư công nghệ.

Đây cũng là nơi chia sẻ, truyền cảm hứng, đề xuất các giải pháp sáng tạo, ý tưởng để huy động nguồn lực nhằm phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trần Tuấn (Báo Lao Động)

CLIP HOT