Cục Hàng không Việt Nam: Không có lý do gì để xảy ra ùn tắc ở Tân Sơn Nhất

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Những năm trước, dịp cao điểm lên đến 110.000 lượt khách/ngày, nhưng năm 2022 chỉ dự kiến 70.000 - 75.000 lượt khách/ngày thì không có lý gì phải để xảy ra ùn tắc, theo phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam.

Cục Hàng không Việt Nam: Không có lý do gì để xảy ra ùn tắc ở Tân Sơn Nhất - 1

Sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đông nghẹt người dân làm thủ tục về quê đón Tết sáng 24/1 - Ảnh: Q.ĐỊNH

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đã trực tiếp thị sát tình hình phục vụ hành khách tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, và yêu cầu các đơn vị liên quan không có lý do gì để xảy ra ùn ứ tại sân bay khi lượng khách Tết này dự báo không đông hơn những năm trước.

Ngày 24/1, liên tiếp hai đoàn công tác trực tiếp giám sát của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Cục Hàng không Việt Nam làm việc với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chấn chỉnh tình trạng xảy ra ùn ứ tại nhà ga trong 2 ngày vừa qua.

Ùn nhưng không tắc, lỗi do... thời tiết!

Tại cuộc làm việc với Cục Hàng không Việt Nam chiều 24/1, ông Nguyễn Nam Tiến - phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - xác nhận tần suất khai thác bay nhiều hơn so với năm ngoái nhưng không đáng kể so với những năm trước, tuy vậy đã có tình trạng chậm chuyến, sảnh nhà ga đông đúc khách trong hai ngày qua. 

Trung bình mỗi ngày có 20 chuyến bay bị chậm, riêng ngày 23/1 có đến 99 chuyến bị chậm. Thậm chí sang ngày 24/1 vẫn có chuyến bay chậm nhưng số lượng ít hơn. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng thời tiết xấu tại Nội Bài, Vân Đồn, Vinh... và một phần do hãng thay đổi kế hoạch.

Sân bay ghi nhận khách đến làm thủ tục sớm chuyến bay đầu ngày nhưng bị kẹt tới 9h30 sáng mới ra cửa máy bay. Mỗi giờ có hơn 3.000 khách ngồi chờ ở nhà ga. Ngoài ra, có hãng thay đổi kế hoạch khai thác ở một số khung giờ nên bị dồn chuyến. Chưa kể, Vietjet khai thác máy bay thân rộng A330, số lượng ghế tối đa nên khách ở khu vực hãng này đông hơn. 

"Các hãng khi xảy ra delay thông báo với khách và cảng để hợp chung. Các hãng sợ mất khách nên thông báo sớm quá, mất chỗ cho người đi đến chuyến bay dù chưa tới chuyến của mình", ông Tiến phát biểu.

Ông Nguyễn Quốc Phương - phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - cho hay các sân bay đã có kế hoạch phục vụ khách đi lại dịp Tết an toàn. Sân bay Tân Sơn Nhất đã có chuẩn bị phương án nên sẽ không quá căng thẳng về dịch vụ và hạ tầng trong dịp cao điểm Tết năm nay.

Hãng bay vẫn kêu khó

Tại cuộc họp, các hãng như Vietnam Airlines, Vietjet và Bamboo Airways đều khẳng định đã chuẩn bị phương án phục vụ tốt, phối hợp với cảng nhuần nhuyễn, chưa ghi nhận tình trạng phản ánh về dịch vụ từ khách hàng. 

Đại diện Vietjet cho rằng sảnh B có ùn nhưng ùn cục bộ, giải tỏa khoảng 30 phút là xong. Đáng chú ý, Vietjet khẳng định không có chuyện dồn khách. Vấn đề hiện nay là quy định khai báo PC-COVID, thay vì chủ động thì khách hay nhờ nhân viên, hỏi đi hỏi lại nhiều lần. 

Công ty dịch vụ mặt đất đã điều động lực lượng hùng hậu với hơn 100 nhân viên từ Cam Ranh, Đà Nẵng vào hỗ trợ Tân Sơn Nhất. Đối với quy định phục vụ chuyến bay quốc tế, Vietjet và Bamboo Airways than việc xét nghiệm khách nhập cảnh vẫn còn quá chậm, thậm chí 2 tiếng mới giải quyết xong. 

Ông Trần Huy Thắng - đại diện Vietnam Airlines tại Tân Sơn Nhất - cho biết lượng khách hiện nay mới đạt 80 - 90% so với 2019. 

"Ngày hôm qua vì tình hình thời tiết, bị delay nên có tình trạng ùn ứ ở sảnh chờ do các chuyến bay chưa bay được. Các ngày khác còn lại, tỉ lệ đúng giờ là 90% trở lên. Nếu không có ảnh hưởng khách quan, các hãng sẽ đạt tỉ lệ đúng giờ cao, không gây khó khăn gì nhiều cho hành khách", ông Thắng cam kết.

"Không có lý do gì để xảy ra ùn tắc"

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn - phó giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam, mấy ngày qua lượng khách tăng nhờ quy định điều kiện đi lại thông thoáng hơn, đặc biệt là trẻ em dưới 12 tuổi không cần giấy xét nghiệm âm tính COVID-19. Tuy nhiên, khách vẫn có tâm lý lo ngại vướng thủ tục nên ra sớm 3-4 tiếng dẫn đến tình trạng đông đúc trong một số khung giờ cao điểm. 

Theo ông Tuấn, dự kiến cao điểm ngày 27 và 28/1 (25 và 26 tháng chạp) sẽ có khoảng 700 chuyến bay và 75.000 lượt hành khách qua Tân Sơn Nhất.

Ông Phạm Văn Hảo - phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết ông đã đi thị sát sảnh A và B tại Tân Sơn Nhất chiều 24/1. Tại thời điểm kiểm tra soi chiếu an ninh không có gì bất ổn. Tuy nhiên từ nay đến 29 Tết chắc chắn lượng khách tăng, phải có phương án từng thời điểm xảy ra tình huống đông.

Theo ông Hảo, số lượng 99 chuyến chậm thời điểm cận Tết là đáng ngại, cần sự vào cuộc xử lý tình huống tức thời ngay của sân bay để giải tỏa khách. Sự việc ùn ứ là điều không nên xảy ra đối với sân bay quốc tế như Tân Sơn Nhất. 

Những năm trước, dịp cao điểm lên đến 110.000 lượt khách/ngày, nhưng năm 2022 chỉ dự kiến 70.000 - 75.000 lượt khách/ngày thì không có lý gì phải để xảy ra ùn tắc. Do đó, cần có phương án xử lý tình huống xảy ra ngay với sự phối hợp nhanh chóng của cảng vụ, sân bay và hãng bay. 

"Chúng ta hỗ trợ phục vụ hành khách, từ nay đến cao điểm phải tăng người hỗ trợ khách khai báo. Tôi xuống kiểm tra thấy nhiều người không biết làm. Trách nhiệm của chúng ta là hỗ trợ khách. Ngay vào cửa nhà ga, phải có phương án hỗ trợ khách ngay", ông Hảo nói.

Ông Hảo đề nghị không riêng Tân Sơn Nhất mà các sân bay khác cũng tăng cường nhân sự, chủ động lên phương án xử lý từng thời điểm để giải quyết nhanh vấn đề xảy ra, kịp thời hỗ trợ hành khách đi lại dịp Tết.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Công Trung - Châu Tấn (Tuổi Trẻ Online)

CLIP HOT