Có thể dự báo chính xác 75% về vùng mưa tại TP.HCM

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Điểm nổi bật của công tác dự báo hiện nay tại TP.HCM là sử dụng công nghệ AI. Kết hợp chạy ảnh radar thời tiết, ảnh mây vệ tinh, số liệu từ các trạm mặt đất để dự báo mưa và chương trình dự báo triều để đưa ra bản đồ cảnh báo ngập sớm.

Khu vực Nam Bộ xưa nay vốn mưa thuận gió hòa. Tuy nhiên cùng với biến đổi khí hậu toàn cầu, Nam Bộ dần xuất hiện các hình thái thời tiết cực đoan với tần suất dày hơn. 

Trước thực trạng này đòi hỏi công tác dự báo phải nhanh, chính xác để người dân có hướng phòng tránh. Trao đổi với ông Lê Đình Quyết - phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - về vấn đề này.

Có thể dự báo chính xác 75% về vùng mưa tại TP.HCM - 1

Hệ thống cảnh báo sớm ngập lụt đô thị dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo đang được sử dụng tại TP Thủ Đức.

- Hiện nay việc dự báo mưa chính xác ở mức bao nhiêu % và thời gian dự báo trước khi xảy ra mưa là bao lâu, thưa ông?

- Dự báo mưa là một thử thách khó khăn nhất mà ngành khí tượng thủy văn chúng tôi gặp phải. Những năm gần đây, nhờ tiến bộ khoa học công nghệ nên dự báo mưa đã có những bước tiến lớn, đã chi tiết hơn, có thể chi tiết tới cấp huyện, dự báo điểm, và dần tiến tới dự báo định lượng.

Đối với các bản tin thời tiết bình thường, chúng tôi có thể dự báo mưa trước 24 giờ, cảnh báo mưa trước 48 giờ đến 10 ngày. 

Các bản tin dự báo khí hậu dự báo xu thế mưa cho địa điểm, khu vực có thể thực hiện trước 1 tháng, 6 tháng, 1 năm. Đây là những bản tin phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, bố trí mùa vụ cây trồng, tích trữ nước thủy lợi, điều tiết hồ chứa… 

Hiện nay, dự báo mưa đối với vùng xảy ra mưa có độ tin cậy trên 75%, về lượng mưa có thể chính xác trên 65%.

Chúng tôi đang tiến hành đề tài Nghiên cứu, xây dựng và triển khai thử nghiệm hệ thống cảnh báo sớm ngập lụt đô thị dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM. Công nghệ AI sẽ được áp dụng trong dự báo khí tượng thủy văn. Hiện tại, các sản phẩm của đề tài đang được thử nghiệm cho khu vực TP Thủ Đức.

Nguyên lý của mô hình này là sử dụng ảnh radar thời tiết, kết hợp phương pháp đồng hóa dữ liệu cao không, ảnh mây vệ tinh, số liệu từ các trạm mặt đất để dự báo mưa. Sau đó chạy chương trình dự báo triều. Từ những kết quả dự báo trên hệ thống tự động sẽ đưa ra bản đồ cảnh báo ngập, lụt. 

Bản đồ ngập sẽ mô tả chi tiết vùng ngập trên ứng dụng cài trong điện thoại thông minh.

Bước đầu việc thử nghiệm cho kết quả tương đối tốt. Đề tài này sẽ được cơ quan chức năng nghiệm thu cuối năm nay.

- Ông có thể nhận định chung về xu thế thời tiết Nam Bộ những năm gần đây? Các hình thái thời tiết cực đoan có diễn biến dày hơn, bất thường hơn hay không? Bão vào miền Nam so với trước đây tần suất như thế nào?

- Những hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc gần đây xuất hiện với tần suất nhiều hơn, thường xuyên hơn, gây ra nhiều hậu quả xấu. Những năm gần đây, hầu như mỗi năm cũng có sét đánh chết người ở các tỉnh Nam Bộ.

Riêng tại TP.HCM có thể liệt kê vài vụ việc điển hình như dông lốc làm gãy đổ cây đè lên ôtô, xe máy, thậm chí rơi trúng người làm bị thương, tử vong, tốc mái tôn, biển quảng cáo...

TP còn có nhiều ngày xuất hiện hiện tượng trời mịt mù giống sương mù từ sáng đến trưa (hiện tượng này hiếm xảy ra trước đây). Nhiệt độ không khí cũng có xu hướng tăng khi có từng đợt kéo dài nhiệt độ không khí trong ngày đạt trên 35 độ C.

Về bão, áp thấp nhiệt đới cũng xuất hiện nhiều hơn ở vùng biển phía Nam, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Nam Bộ. Thống kê cho thấy từ năm 1951 đến năm 1997 chỉ có 1 cơn bão xuất hiện ở Nam Bộ (Linda). Nhưng những năm gần đây, trung bình 4-5 năm xuất hiện một cơn (năm 2006 là Durian, 2012 là Pakhar, 2017 là Tembin, 2018 là Usagi).

- Trang thiết bị của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ có đảm bảo để công tác dự báo chính xác, ít sai số nhất giúp người dân phòng tránh, giảm thiệt hại?

- Thời gian gần đây, ngành chúng tôi được đầu tư nhiều trang thiết bị, máy móc hiện đại, các thiết bị quan trắc thủ công dần được thay thế bằng thiết bị quan trắc tự động, như thiết bị đo mưa, mực nước, trạm tự động.

Hiện nay, chúng tôi có 154 trạm thủy văn tự động, 308 trạm đo mưa tự động trên hầu hết các tỉnh thành Nam Bộ. Ngoài ra còn rất nhiều trang thiết bị phục vụ cho công tác dự báo nhanh nhất có thể.

- Việc phổ biến thông tin dự báo đến người dân hiện nay được cơ quan thực hiện trên những kênh nào?

- Chúng tôi đưa các bản tin dự báo lên trang web của mình, chuyển tới kênh phát thanh VOH (Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM), VTV (Trung tâm truyền hình cảnh báo thiên tai, Ban thời sự Đài truyền hình Việt Nam), gửi Ban chỉ huy phòng chống thiên tai TP. 

Trước đây, chúng tôi phát triển ứng dụng News thời tiết, tuy nhiên ứng dụng còn một số lỗi cần khắc phục. Chúng tôi đang xây dựng lại ứng dụng mới thay thế, sẽ sớm đưa vào sử dụng trong tháng 10 năm nay.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Lê Phan (Báo Tuổi Trẻ)

CLIP HOT