Có nên lắp mái che nghệ thuật ở phố đi bộ Nguyễn Huệ?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Các chuyên gia cho rằng thay vì lắp mái che, TP.HCM nên tăng cường trồng cây ở những khu vực trung tâm như phố đi bộ Nguyễn Huệ, Công viên bến Bạch Đằng.

Có nên lắp mái che nghệ thuật ở phố đi bộ Nguyễn Huệ? - 1Giữa trưa tháng 5, Việt Hà (đến từ Hà Nội) đi dạo trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Vừa di chuyển từ Công viên bến Bạch Đằng sang, cô tỏ ra mệt mỏi trước giao thông quanh khu vực khi phải băng đường giữa cái nắng chói chang.

"Khu vực này nóng hơn vì cây xanh trên đường Nguyễn Huệ khá ít và tán cây cũng không rộng. Tôi đành tấp vào quán cà phê tránh nóng", Việt Hà nói, mắt hướng vào phố đi bộ Nguyễn Huệ thưa thớt người qua lại.

Thiếu bóng mát khiến cho nhiều người hạn chế đến phố Nguyễn Huệ những ngày trời nắng. Trước tình trạng này, lãnh đạo TP.HCM đã yêu cầu các đơn vị nghiên cứu đề xuất phương án tạo bóng mát vào ban ngày để phục vụ người dân và du khách tại phố đi bộ Nguyễn Huệ và Công viên bến Bạch Đằng. Trong đó có phương án thiết kế mái che căng bạt nghệ thuật kết hợp chiếu sáng mỹ thuật vào ban đêm.

Tăng diện tích xanh

Trao đổi với Zing, TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) cho biết nhiều người không ủng hộ việc lắp mái che. Bởi mái che không thông thoáng khí, bụi dễ đọng lại, việc sửa chữa cũng gây bất tiện. Ngoài ra, việc lắp mái che cũng gây nóng lên khi ánh sáng chiếu xuống mái làm hấp thụ nhiệt.

Vị chuyên gia ủng hộ việc trồng cây sẽ giúp tăng diện tích xanh trong khu vực. Ông Nguyên cho biết cách đơn giản nhất là bứng cây cao trên đầu người về trồng, chỉ vài ngày là có dàn cây. Ngoài ra, ông cũng gợi ý có thể làm giàn nhưng cho các loại cây dây gieo quấn lên, phủ thành tấm màn xanh.

"Tôi ủng hộ đi theo hướng cây xanh chứ không theo hướng nhà thép tôn. Các cơ quan chức năng nên khảo sát việc trồng cây ở đâu, kinh phí ra sao, có gây cản trở không", ông Nguyên nói, đồng thời cho biết địa phương nên tiến hành hỏi ý kiến của người dân trong khu vực và những nơi khác.

Có nên lắp mái che nghệ thuật ở phố đi bộ Nguyễn Huệ? - 2

Có diện tích rộng, tầm nhìn đẹp nhưng Công viên bến Bạch Đằng lại thiếu cây xanh. Ảnh: Duy Hiệu.

Đồng quan điểm, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết khu trung tâm TP.HCM rất cần cây xanh. Việc trồng cây không chỉ tạo bóng mát mà còn giúp cải thiện khí hậu, làm mát khu vực. Phương án trồng cây sẽ tốt hơn nhiều so với lắp mái che, bởi mái che dù bằng kim loại hay chất liệu nào cũng dễ hấp thụ nhiệt, gây nóng lên.

Theo ông Sơn, các nhà quản lý đô thị cũng có thể tính phương án làm giàn thép rồi cho dây leo bám vào. Đây là dạng mái xanh, thân thiện với môi trường. Mái xanh này cũng có ưu điểm dễ chăm sóc, mọc nhanh, chỉ trong vài tuần đã tạo hiệu ứng hàng cây xanh.

Vị KTS nhận định nên trồng lại cây ở những khu vực đã chặt trước đây, điển hình như đường Nguyễn Huệ, hàng cây xanh bị chặt để phục vụ thi công tuyến metro số 1; hay hàng cây bị chặt ở Công viên bến Bạch Đằng khi tiến hành nâng cấp công trình.

"Khu trung tâm là nơi sang trọng của thành phố, nên làm những thứ mang giá trị lâu dài hơn là tạm bợ. Chính quyền nên trồng những loại cây phù hợp với tầng đất phía dưới, không phá cấu trúc khu vực, có thể trồng bền vững và tránh được gió bão", ông Sơn nêu quan điểm.

Theo chuyên gia, mặt đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi đang bị bê tông hóa quá nhiều. Do đó, ông Sơn đề xuất nên giảm tình trạng bê tông hóa các con đường này, tăng bề mặt cỏ lên; đồng thời khi quy hoạch bề mặt lề đường nên chọn vật liệu phù hợp giúp giảm ngập, thoáng mát không gian, không gây nóng cho người đi đường.

Chọn mái che thế nào?

Trước đề xuất lắp mái che, ông Sơn nhận định không nên lắp mái che tạm thời. Bởi đây là loại mái thường lắp khi có sự kiện, không nên dùng lâu dài, chỉ nên lắp khi chờ những giải pháp tạo bóng mát khác.

Theo vị KTS, nên lắp những mái che dạng gắn với công trình hai bên đường. Cụ thể, những công trình này sẽ có mái vươn ra 3-4 m hoặc hơn, có gắn cáp treo. Việc làm mái che gắn với công trình sẽ giúp hài hòa trong việc chỉnh trang đô thị, đồng bộ thiết kế. Điều này đòi hỏi cần có sự quy hoạch, nghiên cứu chiều cao khác nhau của các tòa nhà.

Chuyên gia cho biết khi tạo bóng mát cho đô thị, cần quan tâm đến tổ hợp các nhà cao tầng. Bởi những cụm nhà cao tầng vừa tạo bóng mát, vừa dẫn dắt luồng gió nên cũng cần tính đến yếu tố này trong quy hoạch.

"Các quốc gia trên thế giới như Singapore, Pháp hay Mỹ đã làm mái che gắn với công trình. Tuy nhiên, ở khu vực quan trọng như trung tâm thành phố, họ không làm mái che tạm. Các quốc gia thiết kế mái che ở những khu không quan trọng, có đông dân cư sinh sống", ông Sơn chia sẻ.

Trong việc chỉnh trang phố đi bộ Nguyễn Huệ và Công viên bến Bạch Đằng, ông Sơn cho rằng chính quyền cần thêm các tiện ích khác như ghế ngồi, bảng biểu, mái che nhỏ để người dân có chỗ ngồi. Bên cạnh đó, cần có thêm đèn đường, điều chỉnh giao thông để thuận tiện cho việc đi lại.

Có nên lắp mái che nghệ thuật ở phố đi bộ Nguyễn Huệ? - 3

Các chuyên gia cho rằng thay vì làm mái che, nên tăng diện tích xanh ở khu vực đường Nguyễn Huệ và Công viên bến Bạch Đằng. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trước đó, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi đã yêu cầu các đơn vị nghiên cứu phương án chỉnh trang khu vực trung tâm trên địa bàn, bao gồm chỉnh trang cây xanh Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh; quy hoạch, kiến trúc sắp xếp lại khu vực Bến Bạch Đằng; tổ chức giao thông - đi bộ tại trục đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi và khu vực chợ Bến Thành.

Lãnh đạo TP.HCM cũng giao các đơn vị lựa chọn vị trí phù hợp để đề xuất làm cầu bộ hành kết nối thông qua trục đường Tôn Đức Thắng kết nối Công viên bến Bạch Đằng và phố Nguyễn Huệ. Việc thiết kế cầu đi bộ phải đảm bảo mỹ quan, hài hòa, thuận tiện, an toàn trong sử dụng và tôn tạo thêm cảnh quan cho khu vực.

Bên cạnh đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM đề xuất lắp mái che trên đường Lê Lợi để vừa che nắng, vừa che mưa và tạo tiện ích không gian đi bộ. Kinh phí dự kiến 20-30 tỷ đồng.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Vân Trang (Zing News)

CLIP HOT