Chống “chặt chém", trách nhiệm của toàn xã hội

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trong thời gian gần đây, tại một số điểm du lịch, trong đó có TP Hà Nôi, xảy ra một số hiện tượng lái xe xích lô dù, taxi, khách sạn trong khu vực phố cổ đã có hành vi lừa đảo, đe dọa, ép giá khách du lịch quốc tế. Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, các cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, bồi hoàn lại tiền và xin lỗi du khách, được dư luận hết sức đồng tình. Tuy nhiên, về lâu dài cần có những giải pháp đồng bộ. Báo Du lịch ghi nhận một số ý kiến dưới đây

Chống “chặt chém", trách nhiệm của toàn xã hội - 1

Đại diện Công an phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội:

“Cần xử lý dứt điểm!”

Chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch của người Thủ đô, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho những người lái xe taxi, xích lô, khách sạn, bảo vệ, lễ tân, hướng dẫn viên… luôn là người có văn hóa trong giao tiếp, ứng xử. Cần có sự phối hợp giữa TCDL, ngành Văn hóa với các hãng taxi, hàng không, để tuyên truyền về Du lịch Việt Nam, nét đẹp văn hóa Việt Nam. Cần có sự phối hợp giữa công an, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội… Cần phát huy vai trò, lợi thế của sinh viên các trường có đào tạo chuyên ngành về ngoại ngữ tham gia công tác hướng dẫn viên, nhà hàng, khách sạn hỗ trợ cho công tác tuyên truyền, quảng bá, giúp cho khách rất nhiều. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đề nghị TP Hà Nội có chế tài xử lý taxi dù, những vi phạm đeo bám, ép giá, lừa khách du lịch.

Về lâu dài, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, bằng nhiều hình thức khác nhau, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành: Văn hóa, Du lịch, Giao thông, Công Thương, Thanh niên, Phụ nữ, Mặt trận, Cựu chiến binh từ Trung ương đến cơ sở, nâng cao trình độ, năng lực đối với người cán bộ quản lý, cần kiên quyết xử lý các vụ việc, cá nhân vi phạm.

Ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội:

“Thiết lập cơ chế phối hợp đồng bộ”

Ở Hà Nội có nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng hấp dẫn du khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập. Gần đây, ở Hà Nội và một số địa phương đã xảy ra tình trạng “chặt chem.”, ép khách du lịch mà báo chí đã phản ánh, gây bất bình trong xã hội là do người chịu trách nhiệm tại các điểm du lịch, chính quyền, công an sở tại chưa quyết liệt trong việc kiểm tra, xử lý.

Theo tôi, ngành Du lịch có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan trong công tác quản lý Nhà nước, đề ra các giải pháp chấn chỉnh, xử lý. Mặt khác, chỉ đạo các công ty lữ hành, khách sạn đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo cho du khách khi mua bán, giới thiệu các địa chỉ bán hàng tin cậy.

Về lâu dài, cần thiết lập cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý với chính quyền cơ sở, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, Hiệp hội Du lịch, khách sạn, phải tuyên truyền sâu rộng đến quần chúng nhân dân để toàn dân cùng vào cuộc, phát huy hơn nữa vai trò của ngành Công Thương trong việc niêm yết giá, khi bắt được các đối tượng vi phạm, phải lập hồ sơ, kiên quyết xử lý nghiêm. Trong quá trình triển khai, các công ty lữ hành, khách sạn, cơ sở lưu trú phải luôn nêu cao trách nhiệm, thành lập các địa điểm hỗ trợ du khách, thông tin cho khách khi cần giúp đỡ. Cần sự quyết liệt, xử lý kịp thời để tạo nên sự yên tâm, tin tưởng và thoải mái cho du khách.

Ông Bùi Minh Hoàng - Chủ tịch UBND phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội:

“Phải linh hoạt, nhanh nhạy”

Ở Hà Nội cũng không nằm ngoại lệ, hằng ngày có khá đông khách du lịch đến thăm Hà Nội, tôi đã chứng kiến nhiều hình ảnh không đẹp đối với du khách khi các đối tượng bán hàng rong, đồ lưu niệm mời chào, ép khách phải mua đồ, không ít khách tỏ thái độ phản ứng, xua tay hoặc bỏ đi ngay, để tái diễn những hình ảnh không đẹp như trên, có trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở.

Theo tôi, mặc dù chúng ta đã tuyên truyền nhiều nhưng ở nhiều điểm vẫn diễn ra tình trạng “chặt chém”, ép khách, do vậy, trước hết phải kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm. Đã có nhiều địa phương làm tốt như TP Đà Nẵng, Vũng Tàu, chúng ta cần học tập để áp dụng vào thực tế ở mỗi địa bàn. Cần phải làm sao để mỗi người dân phải ý thức được việc mình làm, nếu không tốt sẽ ảnh hưởng đến ngành Du lịch, đến hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam, ảnh hưởng tới lòng tự hào dân tộc, đó là điều không thể chấp nhận được. Qua thực tế cho thấy, hiện nay việc phân công, giao việc chưa thực sự rõ ràng, nếu chỉ giao cho cảnh sát trật tự thì hơi quá sức, cần tăng cường, phối hợp phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể. Bên cạnh đó, du khách cũng cần phải có thái độ tẩy chay, không mua hàng không được niêm yết giá.

Chúng ta cần tăng cường vai trò quản lý Nhà nước , trách nhiệm không chỉ riêng của ngành Du lịch mà cần sự phối hợp liên ngành để xử lý, giải quyết kịp thời những hành vi, đối tượng vi phạm, giống như lực lượng Công an Hà Nội đang triển khai lực lượng 141 đạt hiệu quả cao trong phòng chống tội phạm, được nhân dân hoàn toàn ủng hộ.

Tuấn Sơn (ghi)

(Báo Du lịch Việt Nam, số 19, từ ngày 9/5-15/5/2013)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT