Chính sách visa khó, khách nước ngoài ngại đến Việt Nam
Từ khi mở cửa du lịch, tình hình đón khách quốc tế của các công ty lữ hành ở Việt Nam không mấy khả quan.
"Công ty tôi mở hơn một tháng nay nhưng đón được vỏn vẹn có 5 khách từ Italy. Có tới 10 đoàn khách hỏi thăm nhưng nghe đến chính sách visa của mình, họ bỏ luôn", ông Ngô Thạch Lâm, Giám đốc Amo Travel, công ty chuyên đón khách quốc tế, trả lời Zing.
Đó là thực tế các công ty inbound khác cũng đang gặp phải ngay lúc này. Dù mở cửa, họ vẫn chỉ ngồi đếm số khách quốc tế nhỏ giọt.
Chính sách visa còn khó
Theo khảo sát của phóng viên, điều duy nhất khiến các công ty lữ hành chuyên khách quốc tế khó chịu lúc này là chính sách visa. Dù đã được nhắc tới rất nhiều lần từ khi mở cửa du lịch vào 15/3, Việt Nam vẫn chưa có động thái nới lỏng thêm chính sách visa.
Cụ thể, trong 3 năm kể từ 15/3, công dân 13 nước được miễn thị thực khi đến Việt Nam, không phân biệt loại hộ chiếu và mục đích nhập cảnh. Công dân các nước được miễn thị thực gồm: Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Belarus. Tuy nhiên, thời gian miễn thị thực lại chỉ tới 15 ngày.
"Chính sách rõ ràng có vấn đề. Visa quá ngắn ngày. Tháng 3 muốn mở cửa lẽ ra phải làm từ tháng 1. Tôi nghĩ với vấn đề kẹt visa thế này, phải đến tháng 9, Việt Nam mới hết cảnh ngồi đếm khách quốc tế", ông Lâm nói thêm.
Chính sách visa vẫn là câu chuyện khiến các công ty du lịch chán nản. Ảnh: Heritage Cruise.
Nhiều công ty lữ hành nhận định sau khi mở cửa, các quốc gia như Thái Lan, Việt Nam, Malaysia hay Singapore đều xuất phát từ con số 0. Những lợi thế trước đó không thực sự đáng kể. Vấn đề là các nước phải nắm được thứ vũ khí mạnh nhất để thu hút khách - chính sách visa thân thiện.
Đa số nước trong khu vực đều áp dụng chính sách miễn thị thực cho khách quốc tế nhập cảnh từ 30 ngày. Ví dụ Thái Lan miễn tới 60 ngày với visa du lịch, cho phép nhập cảnh một lần hoặc nhiều lần (có thể gia hạn thêm 30 ngày). Hay Indonesia là 30 ngày (cho một lần nhập cảnh) và có thể gia hạn trước khi hết hạn. Nhìn chung, so với các nước cạnh tranh du lịch trong khu vực, chính sách visa của Việt Nam bị đánh giá thiếu thân thiện khi chỉ bằng 15-50% so với họ.
Đại diện Amo Travel chia sẻ: "Chúng tôi đón được có 5 khách từ Italy nhưng thực tế có tới 10 đoàn hỏi. Các thủ tục visa của Việt Nam không ổn. Kể cả e-visa, khách bên tôi phàn nàn việc không thể gọi điện, liên lạc được. Họ có thể chọn các nước khác đang làm tốt hơn".
Cạnh tranh được với Thái Lan?
Năm 2019, ngành du lịch đóng góp tới 9,2% GDP cả nước. Tuy nhiên, nhiều người làm du lịch nhận xét Việt Nam không thực sự coi trọng ngành này. Dù nói coi ngành du lịch như một ngành kinh tế mũi nhọn, những hành động thực tế lại không tương xứng.
Theo ông Phạm Hà, CEO Lux Group, việc mở cửa du lịch của Việt Nam nhìn chung là tốt, nhanh nhẹn. Dù vậy, các hành động thực tế lại khiến việc đón khách quốc tế khó khăn. Ông Hà cho biết nhiều khách của công ty phàn nàn việc tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam rất khó, quảng bá chưa mạnh. Từ đó, dẫn đến việc du khách cũng cân nhắc khi chọn Việt Nam hay các nước khác trong khu vực.
Những thứ Thái Lan có, Việt Nam không thiếu. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là Việt Nam đang coi trọng ngành du lịch đến mức nào? Ảnh: Time Out.
"10 năm qua, Thái Lan đã trở thành điểm đến hàng đầu của khách du lịch quốc tế. Họ làm rất tốt nhưng sau dịch, du khách muốn những điểm đến mới. Thái Lan đã quá cũ rồi. Lẽ ra, Việt Nam nên nhân cơ hội để định vị thương hiệu quốc gia, trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực. Tôi nghĩ nếu không sớm thay đổi, chúng ta sẽ rơi vào cảnh cạnh tranh với chính mình", ông Hà nói.
Đại diện Lux Group nhận xét có 4 nút thắt Việt Nam cần tháo bỏ lúc này, gồm chính sách, chất lượng nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch hấp dẫn và xúc tiến du lịch hiệu quả.
Nếu giải quyết được những vấn đề trên, Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực. Mặt khác, Việt Nam cũng cần có những chính sách tốt để hỗ trợ ngành du lịch như Thái Lan. Trước kia, các tour đi Thái Lan rất rẻ vì có những chính sách trợ giá.
Các trung tâm mua sắm sẽ hỗ trợ chi phí cho công ty tour. Đổi lại, công ty tour đưa ra chương trình để khách vào trung tâm mua sắm. Quá trình hỗ trợ giá này khiến chi phí đi Thái Lan trước dịch luôn ở mức mềm.
Về sự so sánh với Thái Lan, đại diện Amo Travel thừa nhận tiềm năng của Việt Nam rất lớn. Cảnh quan, văn hóa, lịch sử chúng ta đều có đủ. Điểm đến đẹp, cơ sở hạ tầng tốt, di chuyển nội địa thông thoáng.
Ông Lâm kết luận: "Bao năm nay, chúng ta cứ mãi thua Thái Lan về chuyện visa. Các khu vui chơi của Việt Nam cũng không đa dạng bằng. Ngành du lịch chưa được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, nếu có cũng chỉ là lời nói. Hành động thực sự chưa tương xứng chút nào", ông Lâm nói.
Một số tour xuất ngoại du lịch tại các quốc gia châu Á, châu Âu trong dịp lễ 30/4 đã được khách đặt trước hết.