Cần có chiến lược cụ thể trong 3 năm tới để du lịch Việt Nam phục hồi nhanh

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trong khi ngành du lịch Việt Nam đang chật vật phục hồi với bài toán làm sao đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023 thì Thái Lan vừa điều chỉnh mục tiêu đón từ 20 triệu lên 30 triệu lượt.

Chính sách về du lịch hiện nay "đang dập tắt tất cả"

"Doanh nghiệp Việt Nam không thiếu động lực, khát vọng hay quyết tâm nhưng chính sách hiện nay đang dập tắt tất cả", ông Nguyễn Quốc Kỳ - chủ tịch Vietravel Holdings - nói về nút thắt của ngành du lịch tại buổi gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp trên địa bàn TP, do UBND TP.HCM tổ chức ngày 17/2. 

Kết thúc năm 2022, ngành du lịch TP đạt doanh thu 120.000 tỷ đồng, quay về mức của năm 2017. Trong khi đó, lượng khách quốc tế về bằng mức của năm 2012. Dịch bệnh đẩy du lịch TP đi lùi nhưng đến nay quá trình hồi phục vẫn rất chật vật do thiếu mục tiêu cụ thể cho tầm nhìn 2025.

"Cần phải có chiến lược cụ thể trong 3 năm tới với nhiều giải pháp đồng bộ để đưa ngành du lịch về trước dịch vào năm 2025. Về mặt cơ chế chính sách, để du lịch TP có thể phục hồi thì cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn", ông Kỳ nêu vấn đề.  

Cần có chiến lược cụ thể trong 3 năm tới để du lịch Việt Nam phục hồi nhanh - 1

Du khách quốc tế đến Việt Nam chưa như kỳ vọng. Ảnh: Quang Định 

Một bất cập lớn là chính sách thị thực (visa). Ông Kỳ khẳng định, với chính sách visa hiện nay du lịch Việt Nam không thể phục hồi nhanh được. Mục tiêu 8 triệu khách ngày càng khó khi mới đây Trung Quốc vẫn chưa đưa Việt Nam là một trong 20 điểm đến để đưa du khách tham quan. Trong khi đó, Thái Lan mới điều chỉnh mục tiêu từ 20 đến 30 triệu khách khi nhìn thấy Trung Quốc nới lỏng các biện pháp đi lại. 

Hiện trung bình mỗi ngày cơ quan chức năng của Việt Nam chỉ xử lý gần 2.000 hồ sơ visa điện tử, như vậy trung bình một năm có khoảng 740.000 khách quốc tế được cấp visa điện tử vào Việt Nam, chưa bằng 10% của mục tiêu 8 triệu lượt, vậy số khách 7 triệu còn lại vào bằng những cách thức nào? Chính vì không đưa khách vào được, du lịch đã bỏ lỡ các mùa đón khách cao điểm. 

Việc thiếu chiến lược toàn diện và bền vững, thiếu sự phối hợp giữa các sở, ban ngành cũng dẫn đến việc quảng bá xúc tiến chưa được đầu tư đúng mức. Điểm đến TP thường xuyên vắng mặt trên các bảng xếp hạng điểm đến trong khu vực, không tạo được sự chú ý với du khách để họ quay lại. 

"Có bao giờ TP đặt mục tiêu vào top 15 điểm đến châu Á? Top 10 khu vực về nơi đáng đến...? Chỉ khi có tầm nhìn, chiến lược thì mới có sự phân bổ đầu tư, nguồn lực hợp lý cho sự phát triển ngành", ông Kỳ đặt vấn đề. 

Thiếu định vị, thiếu quy hoạch 

Một băn khoăn khác là sản phẩm du lịch. TP.HCM không thiếu tài nguyên du lịch, mà chỉ thiếu định hình, định vị, thiếu quy hoạch để nâng cấp điểm đến. 

Đến nay, kinh tế đêm vẫn là bài toán đối với TP dù nhu cầu chi tiêu của du khách vào ban đêm chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong toàn bộ hành trình. Các sản phẩm dịch vụ - du lịch hiện chủ yếu tập trung vào nhóm vui chơi giải trí ban đêm, yếu tố văn hóa, nghệ thuật, được xem để giữ chân và mang du khách trở lại vẫn chưa được khai thác. 

TP cần xác định đâu là sản phẩm đặc thù, thể hiện nét riêng của du lịch mình và cần có sự đầu tư đúng mức để đưa trải nghiệm sản phẩm đến du khách. 

"Với sự phân mảnh hiện nay, chúng tôi đề xuất TP xem xét thành lập Ban chỉ đạo về du lịch với sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan", ông Kỳ nói. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, để hỗ trợ du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, TP cũng cần coi trọng xây dựng, chỉnh trang công viên, khuôn viên, xây mới nhiều nhà vệ sinh công cộng để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của du khách và người dân vãng lai.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

N. Bình - Tiến Long (Tuổi Trẻ Online)

CLIP HOT