Cà Mau tổ chức Festival Tôm
Với chủ đề “Tôm Cà Mau – Tự hào thương hiệu Việt”, Festival Tôm Cà Mau và diễn đàn OCOP Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có hơn 10 chuỗi sự kiện kéo dài từ 10-13/12.
Clip: Thu hoạch tôm tại ĐBSCL.
Sáng 10/12, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2023. Hội nghị diễn ra tại hội trường UBND tỉnh Cà Mau với chủ đề “Nâng tầm liên kết - Phát triển bền vững”.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL năm 2023; trao đổi và lắng nghe ý kiến góp ý, đánh giá từ các địa phương về tính hiệu quả của chương trình liên kết hợp tác vùng và những giải pháp thực hiện trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Thông qua hội nghị, Cà Mau giới thiệu sản phẩm du lịch của địa phương đến các tỉnh, thành trong vùng liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ cùng phát triển.
Tôm là thế mạnh trong phát triển kinh tế của tỉnh Cà Mau. Ảnh: Duy Khang.
Chiều cùng ngày, tại khách sạn Phú Cường sẽ diễn ra phiên xúc tiến thương mại, nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm tôm; các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, sản phẩm OCOP Cà Mau. Tại đây, các doanh nghiệp sẽ có thông tin về tiềm năng phát triển ngành tôm Cà Mau, về thị trường, nhận định cơ hội, thách thức của các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, sản phẩm OCOP, đặc biệt là sản phẩm thủy sản của tỉnh; chia sẻ của các tổ chức, chuyên gia, doanh nghiệp phân phối, nhà mua về những khó khăn, vướng mắc của việc tiêu thụ sản phẩm Cà Mau và tình hình xuất khẩu tôm hiện nay, đề xuất các giải pháp tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa và xuất khẩu hướng tới phát triển bền vững trong công tác tiêu thụ sản phẩm; kết nối nhu cầu tiêu thụ sản phẩm.
Những hoạt động trên nằm trong hơn 10 chuỗi sự kiện của Festival Tôm Cà Mau và diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL năm 2023 với chủ đề Festival Tôm Cà Mau 2023 - Tự hào thương hiệu Việt. Đây là sự kiện có quy mô cấp khu vực được khai mạc vào tối 10/12, tại quảng trường Phan Ngọc Hiển, TP Cà Mau.
Trong ngày khai mạc Festival Tôm, tại Cà Mau còn diễn ra không gian trưng bày triển lãm, thương mại ngành tôm và sản phẩm OCOP với gần 400 gian hàng tham gia, kéo dài đến 13/12 tại quảng trường Phan Ngọc Hiển. Với hình thức trưng bày triển lãm, thương mại gian hàng ẩm thực, thiết bị, dây chuyền, quy trình, công nghệ chế biến tôm; sản phẩm tôm chế biến công nghiệp, sản phẩm chế biến từ phụ phẩm tôm; thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường dùng trong thủy sản; mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, sinh thái; thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản; sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao, sạch bệnh; gian hàng đặc sản, hải sản (tươi sống) phục vụ bếp trung tâm; không gian triển lãm, thương mại sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch, ẩm thực... gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu sản phẩm, liên kết hợp tác.
Ngày hội “Ẩm thực thủy sản Cà Mau” cũng diễn ra từ ngày 10, kéo dài đến 13/12 tại quảng trường Phan Ngọc Hiển. Với hình thức bố trí, tổ chức các gian hàng ẩm thực, các sản phẩm thuỷ hải sản tươi sống và bếp tập thể đón tiếp và phục vụ khách tham quan sự kiện. Bố trí không gian ẩm thực: mời các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực nhà hàng, ẩm thực tham gia (không gian có trang trí hình ảnh liên quan đến tôm và các đối tượng thủy sản khác).
Đối với lễ hội “Diễu hành đường phố” sẽ bắt đầu từ 16h ngày 10/12, với hình thức đoàn xe diễu hành được trang trí thiết kế tôn vinh những sản vật của Cà Mau; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, múa lân sư rồng, trống khai hội, xiếc đường phố,… các tiết mục sôi động...
Thu hoạch tôm tại ĐBSCL. Ảnh: Duy Khang.
Trong suốt thời gian diễn ra Festival Tôm Cà Mau và diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL năm 2023, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức tham quan du lịch, tham quan mô hình, diễn ra xuyên suốt thời gian tổ chức sự kiện. Hoạt đồng này diễn ra với hình thức bố trí các tour du lịch tham quan, trải nghiệm, tour du lịch cộng đồng văn hóa vùng sông nước Cà Mau gắn với tham quan các vùng nuôi tôm, các mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh; vùng nuôi tôm có chứng nhận quốc tế, mô hình nuôi tôm thân thiện với môi trường như nuôi tôm sinh thái (tôm lúa, tôm rừng...), các cơ sở sản xuất có sản phẩm OCOP và các làng nghề ven biển.
Trong ngày bế mạc Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL 2023 diễn ra tối 13/12, ban tổ chức sẽ lồng ghéo các hoạt động biểu diễn văn nghệ với trao giải thưởng cho các cuộc thi và vinh danh các tổ chức, cá nhân đã góp phần cho ngành tôm của tỉnh như: Những người nuôi tôm giỏi, chế biến thủy sản, sáng chế các mô hình công nghệ trong nuôi tôm,… phục vụ cho ngành tôm Cà Mau.
Tại đây còn có tiết mục trao bằng khen cho các tác phẩm độc đáo được trưng bày trong khuôn khổ Festival; trao các giải “Bình chọn sản phẩm tiêu biểu Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023”; trao chứng nhận/kỷ niệm chương cho các nghệ nhân ẩm thực, gian hàng tham gia Festival; trao cờ luân lưu cho tỉnh bạn đăng cai chủ trì tổ chức Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL năm 2024.