Bình Định cần xác lập "chân dung" du lịch đẳng cấp cao
Theo các chuyên gia, để du lịch thành công, Bình Định cần định hướng rõ sản phẩm "độc đáo và đẳng cấp".
Sáng 29/4, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Tổng Cục Du lịch Việt Nam tổ chức hội thảo “Giải pháp khôi phục và phát triển du lịch Bình Định trong tình hình mới”.
Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết sau đại dịch Covid-19, đến nay, các hoạt động kinh tế- xã hội của địa phương hoàn toàn được khôi phục. Ngành Du lịch Bình Định có nhiều bước phát triển đột phá, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Ba tháng đầu năm nay, địa phương này đón gần 1 triệu lượt du khách, tăng 27%; doanh thu đạt 1.312 tỷ đồng.
Biển Quy Nhơn
Bình Định có lợi thế biển, đảo mang nét tương đồng với 28 tỉnh, thành ven biển trong cả nước. Do vậy, Tỉnh mong muốn ngoài phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo thì có sản phẩm khác biệt, mang nét đặc trưng riêng đó là du lịch kết hợp với nghiên cứu khám phá khoa học ở Tổ hợp không gian khoa học, Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), TP Quy Nhơn.
"Du lịch Quy Nhơn - Bình Định còn rất non trẻ. Chúng tôi luôn trăn trở phải làm sao để thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Do vậy, chúng tôi đang mời gọi các doanh nghiệp có tâm, đủ tầm đầu tư vào dịch vụ du lịch, hạ tầng du lịch; tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao nhằm tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển nhanh và bền vững", ông Long nói.
Từ nay đến năm 2025, Bình Định đặt mục tiêu đón 8 triệu du khách, trong đó có 1,5 triệu lượt du khách quốc tế.
Trong khi đó, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch, cho hay Bình Định là một trong những địa phương năng động, sớm có giải pháp khôi phục và phát triển du lịch trong tình hình mới.
Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đón 8 triệu du khách
Vị chuyên gia này mong rằng Bình Định phát triển du lịch gắn kết bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, môi trường du lịch xanh gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, tổ chức lại quy trình đón tiếp khách du lịch, liên kết phát triển du lịch với khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Hà Nội, TP.HCM, tăng cường thu hút đầu tư dịch vụ du lịch, hạ tầng du lịch...
Còn PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nêu quan điểm để ngành Du lịch thành công, Bình Định cần định hướng rõ sản phẩm "độc đáo và đẳng cấp". Chẳng hạn như: Tổ hợp không gian khoa học, Quần thể du lịch Marry Land Hải Giang... Theo ông Thiên, đại dịch Covid-19 qua đi, các ngành, địa phương cần ưu tiên các giải pháp trước mắt gồm: Kích hoạt du lịch nội địa, mạnh dạn mở rộng cửa du ịch trên tất cả các tuyến, tạo hình ảnh một đất nước an toàn và hiếu khách, đột phá "visa thị thực" có ý nghĩa chiến lược, hỗ trợ phục hồi các doanh nghiệp trong khối ngành liên kết du lịch...
Về lâu dài, Bình Định cần xác lập chân dung du lịch đẳng cấp cao (điểm đến toàn cầu hoặc hàng đầu châu Á). Địa phương cần liên kết phát triển du lịch duyên hải miền Trung- Tây Nguyên, trọng tâm là tiểu vùng Quảng Ngãi- Bình Định- Phú Yên-Gia Lai- Kon Tum, Bình Định; xác định rõ tầm vóc du lịch Bình Định bằng tầm vươn xa của sân bay Phù Cát.
Tại hội thảo, lãnh đạo tỉnh Bình Định ký kết hợp tác với các hãng hàng không gồm: Viet Nam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Air Ways, Vietravel Airlines giai đoạn 2022-2026.
Nhiều khu resort, khách sạn ven biển đã chật kín phòng sau khi du khách nghe thông tin địa phương tổ chức nhiều sự kiện,...