Biển "Xin chào" bằng tiếng Việt tràn ngập Hàn Quốc, khách cũng rất chịu chi

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trên những con phố mua sắm sầm uất nhất ở Seoul, Hàn Quốc, du khách thấy rất nhiều tấm biển với dòng chữ "Xin chào" bằng tiếng Việt dành cho du khách đến từ Việt Nam.

Những tấm biển "Xin chào" bằng tiếng Việt ngập đường phố Hàn

Vào thời điểm năm 2019, nếu khách du lịch đi dạo dọc theo con phố ở Myeong-dong - thánh địa mua sắm đặc trưng của Seoul (Hàn Quốc) sẽ dễ dàng được các nhân viên cửa hàng tiếp cận, chào hỏi bằng những câu cửa miệng quen thuộc như "Ni hao" (lời chào bằng tiếng Trung Quốc) hay "Konnichiwa" (chào bằng tiếng Nhật).

Nhưng đến năm 2023, mọi thứ đã khác.

Biển "Xin chào" bằng tiếng Việt tràn ngập Hàn Quốc, khách cũng rất chịu chi - 1

Biển chào bằng cả tiếng Việt xuất hiện trên nhiều cửa hàng ở khu mua sắm tại Seoul (Ảnh: Koreajoongangdaily).

Vẫn trên con phố mua bán sầm uất ấy, những tấm biển như "Xin chào", "Halo" hay "Sawatdee Khrap" đã xuất hiện để thu hút nhóm khách du lịch từ Việt Nam, Indonesia và Thái Lan.

"Tiếng Anh là bắt buộc. Thời trước Covid-19 thì có thêm tiếng Trung hoặc tiếng Nhật. Nhưng giờ đây các cửa hàng lại tìm kiếm nhân viên có thể nói được một trong các ngôn ngữ Đông Nam Á", anh Kim Sun-ah, 38 tuổi, nhân viên làm việc tại một cửa hàng mỹ phẩm ở phố Myeong-dong, cho biết.

Thật vậy, khách từ Nhật Bản hay Trung Quốc từng tràn ngập trên những tuyến phố du lịch ở Seoul, nhưng trong thời đại dịch đã giảm mạnh.

Cụ thể, theo số liệu từ Viện Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc (KCTI), năm 2019, khoảng 4,89 triệu lượt khách Trung Quốc đã tới nước này.

Biển "Xin chào" bằng tiếng Việt tràn ngập Hàn Quốc, khách cũng rất chịu chi - 2

Khách đến từ Đông Nam Á đang tăng trưởng với số lượng lớn ở Hàn Quốc (Ảnh: News).

Con số này giảm 90,8% xuống còn 451.000 lượt khách vào năm 2020 do các quy định phòng chống Covid-19 và giảm 96,7% xuống còn 15.000 lượt khách trong năm 2021. Tới năm 2022, chỉ khoảng 66.000 khách Trung Quốc tới Hàn.

Ở chiều ngược lại, lượng du khách từ các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore và Indonesia lại "tăng trưởng trở lại với tốc độ hấp dẫn".

Năm 2019, gần 2 triệu lượt khách tại 6 quốc gia kể trên tới Hàn Quốc. Nhưng năm 2021 chỉ còn 60.000 lượt. Một năm sau, con số tăng lên gấp 10 lần - tương đương với 600.000 lượt khách. Và chỉ riêng quý I năm nay đã thu hút hơn 278.000 lượt khách.

Số liệu được KCTI bắt đầu tổng hợp từ năm 2005 cho thấy, lượng khách du lịch từ Đông Nam Á lần đầu vượt qua khách Trung Quốc vào năm 2021.

Biển "Xin chào" bằng tiếng Việt tràn ngập Hàn Quốc, khách cũng rất chịu chi - 3

Nhóm khách Trung Quốc vui chơi ở bãi biển (Ảnh: Trip).

"Trước đây thường các nhóm khách Trung Quốc là chủ đạo. Nhưng giờ chúng tôi gặp rất nhiều khách đến từ Đông Nam Á. Họ đi theo nhóm gia đình hoặc cùng vài người bạn", nhân viên của trung tâm du lịch Myeong-dong, nhận xét.

Sự thay đổi về quốc tịch của khách du lịch cũng dẫn tới việc nhiều nhà hàng phải đổi mới bảng thực đơn nhằm hút khách hơn.

Biển "Xin chào" bằng tiếng Việt tràn ngập Hàn Quốc, khách cũng rất chịu chi - 4

Con phố mang tên Quy Nhơn giữa lòng thủ đô Seoul (Ảnh: e-newsp).

"Thánh địa" mua sắm hồi sinh, khách rất "chịu chi"

Sự trở lại với tốc độ chóng mặt của nhóm khách du lịch đến từ Đông Nam Á đang giúp "thánh địa" mua sắm Myeong-dong hồi sinh.

Các chi nhánh của cửa hàng bán lẻ chuyên chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp CJ Olive Young ở Myeong-dong ghi nhận mức tăng kỷ lục doanh thu trong các tháng đầu năm. Con số này cao gấp 2 lần so với năm 2019, trong đó phần lớn là khách nước ngoài tới mua sắm.

Biển "Xin chào" bằng tiếng Việt tràn ngập Hàn Quốc, khách cũng rất chịu chi - 5

Nhóm khách từ Đông Nam Á có mức độ chi tiêu không kém gì khách Trung Quốc (Ảnh minh họa: Food).

Tương tự, các cửa hàng bách hóa cho biết "tình hình kinh doanh khởi sắc hơn". Doanh số bán hàng của Lotte Department Store tăng 780% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi nhánh cửa tiệm bách hóa Shinsegae ghi nhận mức doanh thu bán cho du khách nước ngoài tăng hơn 365%.

"Nhìn các quầy ăn uống đông ngập khách, còn đường phố chỉ nghe thấy tiếng người nước ngoài, tôi nghĩ khu Myeong-dong đã lấy lại sự sống", một người dân địa phương nhận xét.

Và nhóm khách Đông Nam Á được nhận xét "rất chịu chi" với sức mua không kém gì khách Trung Quốc. Dù chỉ đi theo nhóm nhỏ, nhưng nhờ số lượng khách tăng vọt giúp bù đắp sự sụt giảm của khách ở "quốc gia tỷ dân".

Khảo sát do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc công bố vào tháng 7/2022 cho thấy, nhóm khách từ 6 quốc gia Đông Nam Á kể trên (trong đó có Việt Nam) đã chi trung bình 3.978 USD/người (93 triệu đồng). Trong khi đó, khách Trung Quốc chi trung bình 4.170 USD (98 triệu đồng) trong thời gian lưu trú ở Hàn Quốc.  

Trước đó, theo kết quả phân tích từ Công ty xử lý thanh toán Hàn Quốc (BC Card) về tình trạng chi tiêu tại các điểm bán hàng ở Hàn Quốc của du khách quốc tế trong năm 2022, du khách Việt Nam đứng đầu danh sách chi tiêu mạnh tay nhất tại quốc gia này.

Kết quả được BC Card đưa ra cho thấy, giao dịch thẻ bình quân đầu người của du khách Việt Nam chi tiêu tại Hàn Quốc vào khoảng 197.000 won (hơn 3,5 triệu đồng) cho một lần quẹt thẻ tín dụng, tăng 89% so với năm 2021.

Với con số này, trung bình chi tiêu của du khách Việt đã vượt qua khách Nhật Bản (188.000 won - khoảng 3,3 triệu đồng), khách Trung Quốc (171.000 won - khoảng 3 triệu đồng), khách Đài Loan (126.000 won - khoảng 2,2 triệu đồng) và khách Mỹ (109.000 won - khoảng 1,9 triệu đồng).

Trong một cuộc khảo sát do Tổng cục Du lịch Hàn Quốc thực hiện năm 2022 cho thấy, hầu hết du khách Việt cho biết, lý do họ muốn đến Hàn Quốc du lịch chủ yếu để mua sắm, du lịch ẩm thực, chăm sóc sắc đẹp và du lịch kết hợp chữa bệnh.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Huy Hoàng (Báo Dân Trí)

CLIP HOT