Biển Đông đang hứng cơn bão mạnh nhất lịch sử, sóng biển cao 11m

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Với sức gió cấp 15, giật trên cấp 17, Rai trở thành cơn bão mạnh nhất từng đo được trên mạng lưới quan trắc khí tượng của Việt Nam. Miền Trung bắt đầu mưa lớn do bão.

Thông tin trên được Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết vào khuya 18/12. Lúc 23h, trạm khí tượng Song Tử Tây đã bị mất kết nối do 2 cột đo gió bị đổ.

Số liệu gió mạnh nhất ghi nhận được trước khi trạm mất tín hiệu là 45,61 m/s, tương đương cấp 14, giật cấp 17. Cường độ này chưa từng được ghi nhận ở những cơn bão trên Biển Đông trong lịch sử quan trắc của ngành khí tượng.

Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, cấu trúc phân bố đối xứng rõ ràng như bão Rai cũng là một trong những trường hợp hiếm. Đồng thời, đường đi tương tự cơn bão được cho là chưa từng xuất hiện vào mùa bão trên Biển Đông kể từ năm 1951.

Biển Đông đang hứng cơn bão mạnh nhất lịch sử, sóng biển cao 11m - 1

Hình ảnh vệ tinh ghi lại thời điểm bão mạnh cấp 14-15, mắt bão mở to, cấu trúc mây đối xứng khi quét qua vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa khuya 18/12. Ảnh: NICT.

Lúc 4h sáng nay (19/12), tâm bão số 9 cách Bình Định - Phú Yên khoảng 270 km về phía đông, sức gió duy trì mạnh nhất cấp 15, giật trên cấp 17 trong nhiều giờ qua.

Ngày và đêm nay, bão đi theo bắc tây bắc, vận tốc 15 km/h. Rạng sáng 20/12, tâm bão cách Quảng Nam - Bình Định khoảng 230 km về phía đông với sức gió giảm xuống còn cấp 13-14, giật cấp 16.

Sau thời điểm này, bão giữ vận tốc và đi thẳng theo hướng bắc đông bắc rồi suy yếu nhanh. Sáng 21/12, tâm bão cách Hong Kong (Trung Quốc) 340 km về phía nam tây nam. Sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 11.

Theo cơ quan khí tượng Nhật Bản, bão sẽ duy trì sức gió mạnh 165 km/h, tương đương cấp 14, giật cấp 17 trong ít nhất 12 giờ tới. Thời điểm tâm bão gần đất liền nhất là vào chiều nay (19/12). Lúc này, vùng nguy hiểm do bão bao trùm một phần đất liền phía đông khu vực từ Quảng Nam đến Phú Yên.

Biển Đông đang hứng cơn bão mạnh nhất lịch sử, sóng biển cao 11m - 2

Dự báo đường đi của bão số 9 trên Biển Đông. Ảnh: VNDMS.

Vùng nguy hiểm trên biển, ven biển trong 24 đến 48 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) được xác định là phía bắc vĩ tuyến 13 độ vĩ bắc; từ kinh tuyến 108 đến 115,5 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10; khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) gió cấp 8-11, vùng gần tâm bão cấp 12-15, giật trên cấp 17; sóng biển cao 9 đến 11 m, biển động dữ dội.

Vùng biển ngoài khơi từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có gió mạnh dần lên cấp 7-8, sau tăng lên cấp 9-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 14; sóng biển cao 6-8 m; vùng biển ven bờ (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 13; sóng biển cao 4-6m.

Từ đêm 18 đến ngày 20/12, bão gây gió mạnh cấp 5-6 trên đất liền các tỉnh, thành phố Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa có gió mạnh cấp 5-6. Riêng Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên có thể xuất hiện gió mạnh cấp 6-7.

Cơ quan khí tượng đưa ra cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai với vùng biển phía tây khu vực giữa Biển Đông là cấp 4; vùng biển ven bờ từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên ở cấp 3.

Hoàn lưu bão dự kiến gây ra đợt mưa lớn cho khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên trong hôm nay (19/12). Trọng tâm mưa nằm ở 4 địa phương là Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi với lượng phổ biến 50-100 mm, có nơi trên 150 mm. Mưa lớn trong thời gian ngắn gây nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở khu vực này.

Trước đó, vùng tâm bão số 9 đi qua khu vực đảo Song Tử Tây vào chiều 18/12 với cường độ rất mạnh đã gây thiệt hại lớn. Ở ngay thời điểm vừa ảnh hưởng, bão đã làm đổ cột đo gió thủ công và sau khi bão đi qua với sức gió cuồng phong, cột đo gió tự động cũng bị gãy đổ.

“Gió mạnh, trời mưa to, sóng biển cao gây khó khăn trong công tác quan trắc. Lượng mưa từ 13h đến 14h lên đến 120 mm, gió giật chưa từng thấy”, ông Bùi Phương Nam, cán bộ đang thực nhiệm vụ tại trạm khí tượng hải văn Trường Sa, cho biết.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Mỹ Hà (Zing News)

CLIP HOT