Bão số 6 đang ở thời điểm mạnh nhất, giật cấp 15
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, bão số 6 sẽ duy trì cường độ mạnh cấp 12 - 13, giật cấp 15 trong khoảng 12 giờ tới.
Lúc 7 giờ sáng ngày 18/10, vị trí tâm bão số 6 với cường độ mạnh cấp 12 - 13, giật cấp 15 đang ở vào khoảng 18,4 độ Vĩ Bắc, 113,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 310 km về phía Đông Bắc. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 15 km/giờ.
Trung tâm cũng dự báo nhiều khả năng bão sẽ giảm dần cường độ khi di chuyển về phía vùng biển Trung Bộ do ảnh hưởng của không khí lạnh.
Khác với cơn bão trước đây, khi vượt qua khu vực phía Bắc của đảo Luzon (Philippines), do đi qua vùng biển thoáng, không bị ảnh hưởng của ma sát địa hình nên bão số 6 không bị mất năng lượng, cường độ gần như giữ nguyên khi vào Biển Đông (mạnh cấp 11).
"Hiện nay không khí lạnh đang hoạt động mạnh và liên tục được tăng cường nên sự tương tác của không khí lạnh này với hoàn lưu bão trên Biển Đông sẽ quyết định đến quỹ đạo và cường độ của cơn bão số 6", Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết.
Dự báo quỹ đạo của bão số 6. Ảnh: VNDMS.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, phần lớn các cơn bão trong quá khứ đi vào Biển Đông mà gặp không khí lạnh và khô đã tồn tại phía trước thì cường độ bão sẽ suy yếu. Tuy nhiên, trong quá khứ vẫn có trường hợp không khí lạnh không đủ mạnh thì bão sẽ yếu đi nhưng không nhiều và cường độ ảnh hưởng tới đất liền vẫn còn mạnh.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, trước mắt, cần đặc biệt lưu ý ảnh hưởng của gió mạnh trong 24 - 48 giờ tới ở khu vực Bắc Biển Đông, nhất là khu vực biển vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam, bởi sự tương tác của không khí lạnh và hoàn lưu bão số 6.
Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 9 - 10, sau tăng lên cấp 11 - 12, giật cấp 14, sóng biển cao 6 - 8 m, vùng gần tâm bão 8 - 10 m. Biển động dữ dội.
Vùng biển phía Tây Bắc khu vực giữa Biển Đông có mưa rào và dông mạnh; gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, giật cấp 9 sóng cao 4 - 6 m. Biển động mạnh.
Ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9, sóng biển cao từ 3 - 5 m. Biển động mạnh.
Trên đất liền, do tương tác với không khí lạnh nên phạm vi và mức độ ảnh hưởng của bão số 6 đến vùng biển ven bờ và đất liền có thể xảy ra theo hai kịch bản.
Kịch bản 1 (với xác suất xảy ra khoảng 60 - 69%): Xảy ra trong trường hợp bão tương tác với không khí lạnh, suy yếu trước khi đi vào vùng biển Trung Bộ và yếu thành vùng áp thấp hoặc áp thấp nhiệt đới trước khi vào đất liền.
Kịch bản 2 (xác suất xảy ra khoảng 30 - 40%): Khi bão di chuyển tới khu vực phía Nam của đảo Hải Nam, tương tác mạnh với không khí lạnh rất mạnh, cường độ yếu đi nhanh sẽ tan trước khi đi vào đất liền, trên đất liền mưa và gió không đáng kể.
Để chủ động ứng phó với thiên tai, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện nghiêm Công điện số 964/CĐ-TTg ngày 17/10 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 34/CĐ-QG ngày 16/10 của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai.
Trong đó, khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, vệ sinh môi trường, sớm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân.
Các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm trên biển, đặc biệt là 3 tàu Quảng Ngãi đang ở khu vực đảo Đá Lồi (quần đảo Hoàng Sa)…