Bạc Liêu kết nối cung cầu sản phẩm OCOP với nhiều tỉnh, thành
Bạc Liêu giới thiệu hình ảnh quê hương và con người tỉnh này với bạn bè khắp nơi nhằm thúc đẩy thương mại nội địa, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị, doanh nghiệp tăng cường sự giao lưu, quảng bá, giới thiệu văn hóa, tiềm năng thế mạnh, tôn vinh các sản phẩm OCOP.
Ngày 29/11, Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP giữa tỉnh này với các tỉnh, thành trong nước. Trên 130 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, siêu thị, đơn vị tham dự hội nghị và trưng bày, giới thiệu sản phẩm.
Các đại biểu tham dự hội nghị đã chia sẻ những giải pháp tổ chức hiệu quả các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP của các địa phương tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Việc định hướng hoạt động xúc tiến thương mại trong năm 2025 cũng được các đại biểu nêu ra để cùng nhau thảo luận.Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Duy Khang.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thảo, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu cho biết muối Bạc Liêu không chỉ là nguyên liệu thiết yếu trong đời sống mà còn là một phần của văn hóa, tinh thần lao động bền bỉ của con người tỉnh này. Với chiến lược nâng cao hệ thống quản lý chất lượng, cải tiến công nghệ sản xuất và đóng gói, công ty đã đưa ra những sản phẩm từ muối như muối hạt truyền thống, muối tinh khiết, muối gia vị, muối quà tặng… vào danh sách sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn cao. Những sản phẩm của muối Bạc Liêu không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu, góp phần quảng bá hình ảnh Bạc Liêu ra thế giới.
Còn đại diện HTX Rau sạch Đoàn Kết (TP Bạc Liêu) thì nói rằng trong sản xuất rau màu nói chung và sản phẩm bông hẹ của HTX nói riêng, sản phẩm làm ra tiêu thụ còn nhiều bấp bênh. Sản phẩm hẹ bông của HTX Rau sạch Đoàn kết đã liên kết với một số đơn vị như Nam Nhiên Food, Siêu thị G Bạc Liêu để cung cấp sản phẩm nhưng số lượng không nhiều. HTX đang có như cầu mở rộng thị trường liên kết cung cấp sản phẩm, không những sản phẩm OCOP hẹ bông mà thêm nhiều sản phẩm khác.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nhấn mạnh: Chương trình OCOP – Mỗi xã phường một sản phẩm là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện ”Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”. Việc phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về của địa phương, phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với phát triển dịch vụ, ngành nghề và lao động ở nông thôn. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững theo Quyết định số 919 ngày 1/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ.Sản phẩm OCOP của huyện Đông Hải,Bạc Liêu. Ảnh: Duy Khang.
Hiện, Chương trình OCOP đã lan rộng tới nhiều tỉnh, thành trong cả nước, tạo ra hàng trăm nghìn sản phẩm hàng hóa. Đối với Bạc Liêu, tỉnh đã có 145 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó 31 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 114 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao cho 69 chủ thể OCOP. Hai sản phẩm muối tinh và muối hạt Bạc Liêu đang hoàn thành thủ tục đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận sản phẩm OCOP 5 sao.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nói rằng việc triển khai Chương trình OCOP của địa phương này còn nhiều khó khăn, bất cập, nhiều sản phẩm OCOP chưa thể thâm nhập sâu vào thị trường, trong khi nhu cầu của người dân và du khách là rất lớn. Theo ông Phạm Văn Thiều, nguyên nhân một phần là do chúng ta chưa làm tốt công tác xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm.
“Thông qua hội nghị lần này nhằm giới thiệu về hình ảnh quê hương đất nước và con người Bạc Liêu; thúc đẩy thương mại nội địa, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị, doanh nghiệp tăng cường sự giao lưu, quảng bá, giới thiệu văn hóa, tiềm năng thế mạnh, tôn vinh các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và một số sản phẩm đặc sản vùng miền để tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại và mời gọi đầu tư”, ông Phạm Văn Thiều nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu chính quyền tỉnh Bạc Liêu, các sở, ngành, địa phương và các chủ thể OCOP cần tập trung thực hiện tốt việc đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình OCOP, thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý chương trình OCOP cấp tỉnh, huyện và các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; xây dựng website để tuyên truyền chương trình và quảng bá các sản phẩm OCOP. Tiếp theo đó là tăng cường công tác hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến để hoàn thiện quy trình sản xuất và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu, thiết kế thiết kế logo, bao bì sản phẩm, nhãn mác hàng hóa phù hợp với nhu cầu, thị hiếu thị trường; đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP, định hướng phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP, sử dụng mã số mã vạch theo quy định.
Những việc còn lại mà Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu muốn gửi gắm đến các sở, ngành, địa phương và chủ thể OCOP là đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP thông qua công tác tổ chức hội chợ cấp tỉnh; tham gia các hội chợ cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế (Thái Lan, Châu Âu, Nhật Bản...)... để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh; đa dạng hóa các hình thức thương mại, đặc biệt là năng lực tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; kết nối và quảng bá, thương mại sản phẩm OCOP trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử,... nhằm góp phần tạo sức lan tỏa, nâng cao hình ảnh sản phẩm và thương hiệu OCOP trên thị trường.Bánh tét đặc sản của Trà Vinh. Ảnh: Duy Khang.
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cũng muốn các đơn vị liên quan xây dựng và hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm OCOP riêng biệt, đặc sắc để tạo điểm nhấn, thúc đẩy tiêu dùng đối với sản phẩm OCOP; đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu, đặc biệt là kết nối ngay từ giai đoạn sản xuất, tạo sự kết nối giữa sản xuất - thị trường. Việc hỗ trợ chủ thể kinh tế tham gia Chương trình OCOP xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh; đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm, xây dựng và đăng ký bản tự công bố chất lượng sản phẩm theo quy định cũng cần được quan tâm.
“Chúng ta phải xác định sản phẩm tiềm năng, lợi thế của địa phương tham gia Chương trình OCOP; kêu gọi, vận động thanh niên tham gia các mô hình khởi nghiệp với các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm từ kinh tế nông thôn liên quan đến Chương trình OCOP; hỗ trợ các chủ thể phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn các xã, nhất là các xã vùng sâu để người dân có điều kiện tiếp cận và tham gia Chương trình OCOP”, ông Phạm Văn Thiều chia sẻ.