Đầu tư mua quần áo, máy ảnh để chụp hình sống ảo khi du lịch
Nguyễn Phương Linh (22 tuổi, Hà Nội) tính chi 3 triệu đồng mua sắm cho chuyến đi TP.HCM và Vũng Tàu vào cuối tháng 4. Đây gần như là thói quen của Linh trước mỗi lần du lịch.
Trước đó không lâu, Linh mới dành 2 triệu đồng mua quần áo và giày dép cho chuyến đi Hạ Long cùng bạn bè.
“Tôi rất thích mua sắm cũng như chụp ảnh. Sau chuyến đi, nếu không được diện đồ đẹp và ảnh chưa xinh lắm, tôi sẽ hơi buồn chút”, cô chia sẻ.
Cô cho biết trang phục của mình sẽ thay đổi ở tùy điểm đến và người đồng hành.
Nếu đi cùng bố mẹ và gia đình, cô sẽ lựa chọn trang phục gọn gàng. Ngược lại, trang phục khi du lịch cùng bạn bè sẽ thoải mái hơn.
Dù có nhiều “cám dỗ” trong lúc mua sắm quần áo, cô cố gắng chỉ giới hạn trong ngân sách nhất định, tránh “vung tay quá trán”.
Phương Linh thừa nhận mình không phù hợp với du lịch bụi. Thay vào đó, cô chuộng hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám phá ẩm thực địa phương.
“Ở chuyến đi Hạ Long vừa qua, tôi và các bạn chủ yếu ngồi cà phê, chụp ảnh check-in và tìm kiếm đặc sản của vùng”, cô nói.
Giống như Phương Linh, nhiều bạn trẻ sẵn sàng chi thêm các khoản cho quần áo, máy móc hay mày mò những góc ảnh đẹp từ khi ở nhà để lên hình đẹp nhất và ảnh có chất lượng tốt nhất.
Người vì sở thích cá nhân, người vì tính chất công việc song đa số đều cho biết công sức bỏ ra xứng đáng do những bức hình sống ảo giúp chuyến đi đáng nhớ hơn.
Chi tiền mua sắm quần áo mới
Gần như trước mỗi chuyến đi, Nguyễn Đức Anh (26 tuổi, Hà Nội), nhân viên hành chính nhân sự kiêm blogger du lịch, dành khoảng 1,5 triệu đồng để mua sắm quần áo và phụ kiện.
Phương Linh thường mua quần áo mới khi đi du lịch. Ảnh: NVCC.
Nếu đi biển, anh sẽ để mắt tới các món đồ mang không khí mùa hè như quần bơi, dép, mũ. Còn khi lên núi, Đức Anh tìm mua các vật dụng giúp giữ ấm như quần áo, túi sưởi, găng tay.
“Tôi mua sắm không phải vì thiếu đồ, mà bởi yêu thích cảm giác háo hức chuẩn bị hành lý đi chơi”, anh chia sẻ.
Ngoài ra, Đức Anh thừa nhận từ ngày kiêm thêm nghề tay trái là blogger, anh chăm chút về mặt hình ảnh hơn, từ việc đi những đâu, tạo dáng thế nào hay phối đồ ra sao.
Theo anh, chỉ khi hình ảnh chỉn chu hơn người khác, anh mới có thể tạo cảm hứng “xách ba lô lên và đi” cho công chúng.
Đồng hành với Đức Anh ở mỗi chuyến du lịch là máy ảnh kèm theo bộ ống lens, chân máy tổng trị giá khoảng 30 triệu đồng.
Anh không quên đem theo điện thoại, sạc dự phòng hay đồng hồ. Theo anh, đó là những món đồ thiết yếu nhất trong mọi chuyến du lịch của mình.
Với tổng trọng lượng hành lý lớn, anh cho biết mình thường phải mua thêm cân hành lý mỗi khi ra sân bay, mất khoảng vài trăm nghìn đồng.
“Đương nhiên tôi hơi xót ví. Nhưng những vật dụng đem theo đều cần thiết cho cả mục đích cá nhân lẫn công việc blogger, tôi sẵn sàng chi trả”, anh nói.
Chiếc máy ảnh có giá trị khoảng 30 triệu đồng là vật không thể thiếu trong mỗi chuyến đi của Đức Anh. Ảnh: NVCC.
Chụp trăm ảnh, đăng 1-2 bức
Với Tạ Minh Sơn (26 tuổi, nhân viên văn phòng), việc muốn có những tấm ảnh đẹp để “khoe” lên mạng xã hội sau mỗi chuyến đi chơi là nhu cầu bình thường và dễ hiểu, hầu như ai cũng có.
Sơn thường dành khoảng 1 ngày để xem ảnh, video check-in tại nơi mình sắp đến từ những người đi trước. Từ đó, anh suy nghĩ xem phối đồ, chọn lựa màu sắc trang phục thế nào. Nếu thiếu đồ, Sơn sẽ mua thêm.
Về công cụ sống ảo, Sơn không phải chuẩn bị vì bạn đồng hành có sẵn máy ảnh kỹ thuật số.
Sau chuyến đi, Sơn tiếp tục dành thời gian chọn ảnh và mất vài tiếng chỉnh sửa, tùy thuộc vào ảnh đẹp sẵn hay phải căn chỉnh lại bố cục, ánh sáng, vật cản. Vì chỉ chọn đăng những tấm đẹp nhất, nên việc chụp rất nhiều nhưng đăng tải 1-2 bức là chuyện thường.
“Mình tự nhận bản thân rất thích chụp ảnh nên thú thực có những địa điểm mình dành trọn thời gian lấy hình sống ảo, còn việc thăm thú để dành tới cuối buổi hoặc hẹn lần sau. Đến nơi cảnh quá đẹp mà không có ảnh mang về, mình chắc chắn có buồn bực”, Sơn nói với Zing.
Vì mải chụp hình, Minh Sơn từng có lần lỡ kế hoạch đi chơi ban đầu. Ảnh: NVCC.
Một lần, vì mải chụp hình trên đường đi, Sơn lỡ mất cơ hội tham quan Sống lưng Khủng long ở Bình Liêu (Quảng Ninh).
“Đến lúc nhớ ra, trời đã tối, kế hoạch ngắm cảnh chiều tà trên thung lũng của mình đổ bể.
Hiện tại, mình vẫn cố cân bằng giữa trải nghiệm thực tế và chụp ảnh sống ảo. Những nơi xác định chỉ đến 1 lần, mình dành phần lớn thì giờ tham quan, còn những địa điểm nhất định phải có ảnh đẹp, mình chuyên tâm chụp hình”.
“Cũng nhờ chia sẻ ảnh đẹp lên mạng, mình nhiều lần được nói chuyện, gặp mặt ngoài đời với những người lạ khác có chung sở thích khám phá”, anh cho biết.
Ngoài ra, việc sống ảo cũng cần phù hợp với bối cảnh. Với các địa điểm lịch sử, tôn giáo như nhà tù, khu di tích hay đền chùa, Sơn hạn chế chụp ảnh quá nhiều.
Nghiên cứu góc ảnh đẹp từ trước
Vợ chồng Bùi Mỹ Phụng (sinh năm 1991, Cần Thơ) cùng cậu con trai nhỏ có sở thích diện quần áo cùng tông màu khi cả nhà đi cùng nhau, từ các gam màu cơ bản như đen, trắng cho đến những màu sắc kén người mặc như neon, hoa lá.
Từ món đồ của một thành viên, chị Phụng cho biết sẽ mua nốt 2 món còn lại với màu sắc tương tự. Trong mỗi chuyến đi, chị đảm nhận phối đồ cho cả nhà.
“Nhờ thói quen hay đi trung tâm thương mại mỗi tuần, tôi hay canh được quần áo giảm giá, nhặt nhạnh dần đến khi nào đủ màu. Khâu mua sắm quần áo trước mỗi lần đi chơi không tốn nhiều công sức bằng bước sắp đồ khi mỗi ngày diện một bộ khác nhau, nhân lên với 3 người đi. Hai vợ chồng chỉ có thể mang tối đa 4 vali vì còn phải dẫn theo con nhỏ”, chị Phụng cho hay.
Trung bình, vợ chồng Mỹ Phụng thường mang theo 3-4 vali cho mỗi chuyến. Ảnh: NVCC.
Theo chị Phụng, quần áo mua mới thường là những chiếc áo phông, chân váy đơn giản, dễ dàng sử dụng tiếp hàng ngày nên không lãng phí, chỉ phục vụ được lúc sống ảo.
“Với vợ chồng mình, việc ăn mặc ton-sur-ton không chỉ để làm điệu, có ảnh đẹp mà còn là cách gắn kết, tăng tình cảm giữa các thành viên”, chị Phụng nói.
Ngoài ra, chị Phụng cũng có thói quen tìm các góc ảnh đẹp tại nơi sắp đến từ trước và lưu lại, chụp theo.
“Vì cho con đi chơi, khám phá là chính, hai vợ chồng không thể chăm chăm sống ảo, bản thân trẻ nhỏ hiếu động cũng không chịu. Đến một nơi, cả gia đình chọn chụp ảnh đầu tiên, nhờ người qua đường hay nhân viên khách sạn bấm máy, xong xuôi tập trung vào nghỉ dưỡng, thư giãn”.
Với travel blogger Lỗ Hữu Đức Anh, việc tìm hiểu về điểm đến trước khi xuất phát quan trọng với cả khâu trải nghiệm và sống ảo. Tiết kiệm được thì giờ chụp hình giúp có thêm thời gian tận hưởng bằng mắt thường, kết nối đời thực với người xung quanh.
Tùy vào mục đích chuyến du lịch, nam blogger cân đối giữa thời gian đi chơi và chụp hình. Nếu ngắm cảnh là chủ yếu, Đức Anh ít chụp ảnh. Nếu muốn chia sẻ với người theo dõi, anh sẽ tìm hiểu kỹ để có những tấm hình đẹp.
Giống với nhiều bạn trẻ khác, Đức Anh thường lên sẵn kế hoạch về quần áo, phụ kiện và kiểm tra thời tiết trước khi lên đường.
Theo Lỗ Hữu Đức Anh, nhờ hình ảnh chỉn chu, blog du lịch của anh được nhiều người biết tới hơn. Ảnh: NVCC.
“Mọi người xem ảnh thường nghĩ mất nhiều thời gian chụp hình, nhưng thật sự thì không vì mình đã tham khảo các góc đẹp trước. Thời gian còn lại, mình và bạn đồng hành tự đi khám phá, thăm thú để viết thành trải nghiệm. Ngoài hình ảnh chỉn chu, con chữ cũng cần chú trọng”, nam blogger nói thêm.
Các món đồ mang theo như vật dụng cắm trại, máy ảnh được Đức Anh coi là cần thiết, “không phải để đầu tư sống ảo” vì chúng giúp trải nghiệm chuyến đi tốt hơn.
Lời khuyên của Đức Anh là tìm những nơi du lịch thích hợp với bản thân. “Đừng đi do thấy ảnh của người khác đẹp vì thời điểm đi của bạn với người chụp hình khác nhau”, anh nói.
Rời khỏi quán cà phê ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) trong tâm trạng thất vọng, Ánh Thư (24 tuổi) cho hay cô sẽ không đến nơi...