Các tuyến, điểm du lịch sinh thái và tham quan di tích Côn Đảo

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Cách Vũng Tàu 185km, cách TP. Hồ Chí Minh 230km, Côn Đảo là một quần đảo gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ quây quần bên nhau giống như một hạm đội tiền tiêu canh giữ vùng biển, vùng trời Tổ quốc nằm giữa đại dương. Côn Đảo là đơn vị hành chính cấp huyện, thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Hơn một thế kỷ trước Côn Đảo nổi tiếng là “Địa ngục trần gian” ở xứ Đông dương, song những ai đã một lần đặt chân đến đây đều không sao quên được vẻ đẹp say mê lòng người, những cảnh sắc kỳ thú của biển trời, đồi núi, rừng cây, bờ bãi mà thiên nhiên ban tặng cho Côn Đảo. Một rặng vông đỏ rực soi bóng trên bãi Đầm Trầu, một bầy rùa biển con bò lổm ngổm trên bãi cát trước thung lũng Hòn Cau, một đợt sóng trào sôi ập vào cửa Đầm Tre giữa mùa gió chướng đều có thể đưa con người đắm chìm vào thiên nhiên với những cảm giác hùng vỹ, mênh mang và sâu lắng

Với những thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp cùng tiềm năng giàu có của biển, của rừng, những ngọn núi mọc lên từ biển khơi, những bãi cát trắng mịn viền quanh chói lòa ánh nắng. Côn Đảo là một trong những di tích lớn nhất, lâu đời nhất và đặc biệt quan trọng của quốc gia. Hiện nay Côn Đảo là 1 trong 21 Khu Du lịch quốc gia Việt Nam được đánh giá là thiên đường của nghỉ dưỡng và khám phá thiên nhiên với rừng nguyên sinh, hệ sinh thái biển rất đa dạng… Năm 2011 Côn Đảo được Tạp chí Du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet (Anh) bầu chọn là 1 trong 10 hòn đảo bí ẩn và đẹp nhất thế giới. Năm 2012 Nhà tù Côn Đảo được công nhận kỷ lục Guiness Châu Á “Hệ thống di tích lịch sử nhà tù trên đảo lớn nhất” .

Các tuyến, điểm du lịch sinh thái và tham quan di tích Côn Đảo - 1

Các điểm tham quan di tích

Các tuyến, điểm du lịch sinh thái và tham quan di tích Côn Đảo - 2

 

Các tuyến, điểm du lịch sinh thái và tham quan di tích Côn Đảo - 3

 

Hệ thống Nhà tù Côn Đảo là nơi Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ đã giam cầm Chiến sĩ Cách mạng qua 113 năm, đồng thời là nơi lưu dấu lịch sử đấu tranh kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam. Hệ thống Nhà tù Côn Đảo thời Pháp, Mỹ xây dựng 127 phòng, 42 xà lim, 504 phòng “biệt lập chuồng cọp” và 18 sở tù.

Nghĩa trang Hàng Dương là nơi yên nghỉ của hàng vạn Chiến sĩ Cách mạng và đồng bào yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị địch bắt, tù đày, hy sinh trên mảnh đất Côn Đảo qua 113 năm, trong đó có mộ Liệt sĩ Anh hùng Võ Thị Sáu.

Cầu Tàu 914 nằm tại khu trung tâm bãi biển chính của thị trấn Côn Đảo, được khởi công xây dựng từ năm 1873 bằng sức lao động khổ sai của tù nhân, đây là nơi chứng kiến nỗi cực nhục đầu tiên của những người bị đưa ra đảo tù đày, nhiều người chỉ qua cầu một lần rồi vĩnh viễn yên nghỉ tại Côn đảo. Cầu tàu cũng là nơi chứng kiến những giờ phút vinh quang, xúc động khi Côn Đảo được giải phóng. Trong quá trình xây dựng có khoảng 914  người tù đã ngã xuống vì lao dịch, tai nạn trong quá trình khổ sai xây cầu, cho nên con số 914 được đặt tên cho cầu tàu này.

Cầu Ma Thiên Lãnh nằm dưới chân núi Chúa, năm 1930-1945, Thực dân Pháp dự định mở nhánh đường chạy thẳng lên đèo Ông Đụng qua rặng núi đến sở Ông Câu bên bờ Tây của Đảo, để tiện kiểm soát tù vượt ngục. Khi mở đường, bọn chúa ngục bắt tù nhân khiêng đá xây trên đèo Ông Đụng một cây cầu. Do địa thế núi cheo leo, hiểm chở, lao dịch nặng nhọc quá sức, nhẩm tính có 356 người tù chết tại đây mà cầu chỉ mới xây được 2 mố cầu, mỗi mố cao khoảng 8m. Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, công trình này bỏ dở dang.

Miếu Bà Phi Yến là nơi thờ vị Thứ Phi Hoàng Phi Yến của Chúa Nguyễn Ánh. Miếu Bà Phi Yến còn được gọi là An Sơn Miếu, được xây dựng 1785 tại làng An Hải, nằm cách thị trấn Côn Đảo 2km, đường vào miếu nằm giữa chiếc hồ lớn hoa Sen nở quanh năm.

Các điểm du lịch sinh thái

Đến với Côn Đảo, có lẽ không gì thích thú hơn nếu được thực hiện một chuyến lặn biển ngắm những rạn san hô trải dài hàng cây số, gồm hàng chục loại đủ màu sắc, đủ hình dáng, với những đàn cá lớn sặc sỡ bơi lội tung tăng trong làn nước biển xanh trong vắt. Vườn Quốc gia Côn Đảo có 5 tuyến du lịch sinh thái đưa khách đi tham quan, hệ bảo tồn động thực vật rừng và biển, đáp ứng nhu cầu thám hiểm, nghiên cứu của du khách trong và ngoài nước.  

Các tuyến, điểm du lịch sinh thái và tham quan di tích Côn Đảo - 4

Bãi Ông Đụng nằm ở phía Tây đảo Côn Sơn, thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo. Đến Bãi Ông Đụng phải đi xuyên qua rừng nhiệt đới (khoảng 15 phút đi bộ); bãi biển sạch sẽ có nhiều sỏi lớn, nhỏ xen lẫn với cát vàng, nước biển trong xanh; nhiều cây bàng cổ thụ nghiêng mình soi bóng trên bãi biển.

Hòn Cau (còn gọi là hòn Phú Lệ) là nơi giam giữ người tù chính trị, đến hòn Cau phải đi bằng tàu hoặc canô. Bãi biển sạch đẹp có bãi cát lớn trãi dài là 1 trong 6 bãi đẻ của rùa biển tại Côn Đảo, trên đảo có vườn dừa, chuối; dưới biển có san hô đa dạng, đủ màu sắc.

Các tuyến, điểm du lịch sinh thái và tham quan di tích Côn Đảo - 5

Hòn Tài (gọi là hòn Phú An) là  một hòn đảo đẹp và gần nhất, cách trung tâm Côn Đảo 7km. Phong cảnh nơi đây đẹp là nơi có trạm bảo tồn rùa biển, có khu rừng nguyên sinh, trên đảo có loài chim rừng quí hiếm như chim Gầm Ghì trắng là loài chim quý hiếm thuộc họ Bồ Câu rừng,… nhiều cây bàng vuông- một loài bàng hiếm thấy nằm trong sách Đỏ Việt Nam. Hòn Tài cũng là nơi duy nhất có khoanh nuôi bán hoang dã Khỉ mặt đỏ - một loài Khỉ quý hiếm. Bãi biển hòn Tài cũng là một trong những bãi đẻ quan trọng của rùa biển Côn Đảo, các rạn san hô xung quanh hòn đảo này cũng rất đa dạng và đẹp mắt... Đến hòn Tài du khách đi bằng đường thủy (phương tiện vận chuyển tàu hoặc canô). Hòn Tài  còn được gọi là hòn Thỏ vì nhìn từ vịnh Côn Sơn, nó giống như hình dạng một chú thỏ nằm quay đầu về hướng Đông Nam.

Hòn Bảy Cạnh (hay hòn Bãi Cạnh, hòn Phú Hòa), là hòn đảo lớn thứ 2 trong số 16 hòn đảo thuộc quần đảo Côn Sơn, được gọi là Bảy Cạnh vì hòn đảo này có 07 bãi cát xung quanh như một hình đa giác gồm: bãi Cát lớn, bãi Cát nhỏ, bãi Bờ đập, bãi Nhà kho, bãi Xi măng, bãi Vong, bãi Dương. Hòn Bảy cạnh là nơi bảo tồn rùa biển lớn nhất Việt Nam, toàn bộ hòn được che phủ bởi rừng nhiệt đới nguyên sinh, nơi có trạm bảo tồn rùa biển. Bãi biển sạch, nước trong xanh có bãi cát trải dài là bãi rùa đẻ lớn nhất Việt Nam. Mỗi năm, có trung bình 350 rùa mẹ lên bãi đẻ trứng và trên 50.000 rùa con nở và trở về biển. Từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm, vào ban đêm, du khách có dịp xem rùa mẹ lên bãi đẻ trứng và xem quy trình ấp trứng rùa biển của các Cán bộ Cứu hộ rùa biển thuộc vườn Quốc gia Côn Đảo. Đến với Hòn Bảy Cạnh lúc thuỷ triều lên, du khách sẽ có cơ hội lặn biển ngắm những rạn san hô đủ màu sắc, chủng loại trong danh sách đỏ của Việt Nam và các loại cá cùng nhiều loài sinh vật biển khác sống trên các rạn san hô. Khi thuỷ triều rút là dịp để khám phá khu rừng ngập mặn ở phía sau trạm kiểm lâm. Ngoài ra còn có tài nguyên sinh vật biển với cá heo, rùa xanh, dugong, ốc đá, trai tai tượng vảy, hải sâm, cá bướm, san hô não…du khách cũng có thể tự bách bộ trong rừng để lên đến đỉnh Bảy Cạnh chiêm ngưỡng ngọn Hải đăng được Pháp xây dựng từ năm 1883 ở độ cao 352m, có tầm bán kính hoạt động 72km. Đến đảo này du khách còn bắt gặp những loại trái cây rất hiếm có ở đất liền như mướp khía, dứa rừng… 

Hòn Bà (còn gọi là hòn Côn Lôn nhỏ, hòn Phú Sơn) là nơi chúa Nguyễn Ánh giam giữ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến trong trận bôn tẩu ra Côn Đảo, để tránh sự truy đuổi của nghĩa quân Tây Sơn, hòn nằm cách trung tâm huyện 15km đi bằng đường biển. Hòn đảo đẹp giống như một chú chim biển đang đắm mình dưới nước, trên đỉnh hòn Bà có một tảng đá lớn trong giống như hòn Vọng phu. Trên đảo có nhiều khỉ đuôi dài sinh sống; có rừng ngập mặn, một hệ sinh thái quan trọng cùng với rạn san hô và thảm cỏ biển …

Hòn Tre Nhỏ (còn gọi là hòn Phú Hội), nằm ở phía tây bắc đảo Côn Sơn, không có dân cư; không có cây to và toàn là tre biển cùng nhiều hang, hốc đá  là nơi  chim yến làm tổ, với những tổ yến màu trắng vắt theo vách đá cheo leo, ngoài ra còn có các loại chim như bồ câu Nicoba, chim gầm gì trắng…

Hòn Tre lớn (còn gọi là hòn Phú Hòa) là nơi  xem san hô lý tưởng nhất, vì san hô ở đây rất đẹp và phong phú về chủng loại, có bãi cát trắng xóa, ngay giữa bãi cát là những cây phong ba vững chãi đứng trước gió, bãi biển xanh và sạch đến vô cùng. Hai bãi cát dài hàng năm có hàng trăm lượt rùa biển, đồi mồi lên sinh sản. 

Hòn Trứng (còn gọi là hòn Đá Bạc, hòn đá trắng, hòn Phú Thọ) ở  đây không có dân cư; không có cây cối lớn, chỉ có cây nhỏ, cây bụi và cỏ dại mọc thưa thớt. Hòn Trứng nằm trên luồng di cư hàng năm của các loài chim từ phương Bắc xuống phương Nam và ngược lại, là một sân chim nổi giữa biển đông, nơi xây tổ của nhiều loài chim biển, hơn 80% số loài chim ở Côn Đảo tập trung tại hòn này, đặc biệt có chim điên mặt xanh, gầm gì trắng, đại bàng là loài chim quí hiếm.

Côn Đảo là một điểm đến du lịch mới, giàu tiềm năng phát triển, sẽ trở thành một hòn đảo thu hút đông du khách quốc tế và trong nước với hai loại hình du lịch chính: Tham quan di tích lịch sử kết hợp hành hương, tâm linh và du lịch sinh thái.

K.L

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT