CỦ CHI ĐẤT LỬA HOA HỒNG

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo


CỦ CHI ĐẤT LỬA HOA HỒNG - 1  

Ảnh: Thành Đoàn giao lưu gặp gỡ với Nhân dân Củ Chi nhân

kỷ niệm 26.3.2011

Mỗi năm tôi đều có dịp cùng các sinh viên của trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist đến tham quan Khu Di tích Lịch sử địa đạo Củ Chi - Bến Dược. Mùa xuân Tân Mão – 2011, Thành Đoàn đã tổ chức họp mặt giao lưu truyền thống nhân kỷ niệm 80 năm thành lập Đoàn (26/3/1931-26/3/2011) tại vùng đất thép này, bao nhiêu ký ức về mảnh đất anh hùng như sống dậy trong tôi... Tôi đã kể cho các sinh viên của tôi nghe những câu chuyện của vùng đất Củ Chi thần kỳ này...

 

 

 

Củ Chi - Tọa độ hủy diệt

Từ năm 1965, khi Mỹ ồ ạt đổ quân vào Việt Nam, Củ Chi còn được gọi bằng một tên khác nữa: “Tọa độ hủy diệt”. Tại đây đã diễn ra cuộc chiến khốc liệt với mật độ bom đạn và quân số tham chiến chưa từng có trong lịch sử loài người trên mảnh đất không đầy 40 km2.

Quân và dân Củ Chi xây dựng địa đạo thành công trình kiến trúc độc đáo, nằm sâu trong lòng đất, có nhiều tầng, nhiều ngõ ngách như màng nhện, có nơi ăn ở, hội họp và chiến đấu với tổng chiều dài hơn 200 km. Giặc Mỹ dùng bom tấn, bom khoan, chất nổ… rồi dùng máy bơm nước làm ngập địa đạo rồi châm điện... nhưng không hiệu quả. Chúng thành lập “đội chuột cống”, trang bị mặt nạ phòng độc, đèn pin, máy thổi thuốc độc, thuốc chống sâu bọ cùng các vũ khí chuyên dùng đánh dưới địa đạo như súng ngắn hãm thanh, lưỡi lê, dụng cụ đào hầm… Ngoài xe tăng hạng nặng, chúng huy động xe cạp, ủi đất hòng “bóc vỏ trái đất”. Chúng muốn diệt Quân Chủ lực, và lãnh đạo đầu não Sài Gòn Gia Định, chúng còn muốn hủy diệt mọi sự sống, hủy diệt môi sinh hòng làm cho Củ Chi trở thành “Vùng đất chết”.

Dựa vào hệ thống đường hầm, công sự, chiến hào, chiến sĩ và đồng bào Củ Chi đã chiến đấu vô cùng anh dũng, lập nên những chiến công thần kỳ.

CỦ CHI ĐẤT LỬA HOA HỒNG - 2

Ảnh: Căn cứ thành Đoàn tại Củ Chi năm 1963

Căn cứ Thành Đoàn ở Củ Chi

Những năm 1960 -1967, Thành Đoàn đóng căn cứ tại Củ Chi - Bến Cát, vùng đất mà báo chí Mỹ gọi là Khu Tam Giác Sắt (Iron Triangle). Hơn 40 cán bộ chiến sĩ của Thành Đoàn đã gởi xương máu tại vùng đất này như Nguyễn Điền, Bùi Minh Trực...

Thành Đoàn trở lại Củ Chi vào tháng 3/1973, dấu tích của những trận càn “Lột vỏ trái đất” của các cuộc hành quân mùa khô năm 1966-1977 như Jonction City, Manhattan, Cedar Falls… vẫn còn đó. Ngày trước, đây là vùng đồng bằng một thời xum xuê cây ăn trái và cao su, vậy mà giờ đây như hình ảnh trên mặt trăng, hố bom chi chít loang lổ như những vết thương phơi trần. Nơi đây chỉ có hai thứ cây mọc được là tre tầm vông và cỏ Mỹ. Tầm vông do thiên nhiên còn sót lại một ít, nhưng phần lớn là do ta trồng để tạo địa hình che khuất, loại cây này dễ sống, cứ chặt từng đoạn cắm xuống là đâm rễ, mọc nhánh. Còn cỏ Mỹ là do… Mỹ trồng. Những năm ác liệt, giặc Mỹ muốn biến vùng này thành “vùng trắng”, không có sự sống nào trên mặt đất, chúng cho xe ủi đất, xe tăng nối nhau bằng dây xích kéo đổ cây cối, rồi rải chất khai hoang. Chưa yên tâm, chúng cho rải một loại hạt cỏ nghe nói nguồn gốc ở tận Texas, mọc rất nhanh, cao quá đầu người, không có loại cây cỏ nào mọc lại nó. Mùa mưa thì tươi tốt, mùa nắng thì khô như rơm rạ, chỉ cần một mồi lửa là cháy cả cánh đồng, đây là chiến thuật hỏa công “đốt cỏ bắt chuột”.

 
CỦ CHI ĐẤT LỬA HOA HỒNG - 3
Ảnh: Du kích Củ Chi đào địa đạo

Sống dưới địa đạo

Đào địa đạo là một kỳ công mà sống được trong địa đạo quả là một kỳ tích. Chui xuống và sống ở địa đạo để tồn tại được cũng phải có kinh nghiệm. Trong địa đạo bao giờ cũng phải có đèn cầy, gạo rang hay cơm khô và những can nước to dành để uống. Địa đạo xương sống còn có nhà vệ sinh, giếng nước, khu cứu thương, phẫu thuật dã chiến, giường nằm cho thương bệnh binh, cuốc, xẻng phòng khi sập địa đạo, xuống địa đạo mỗi người phải ở cách nhau độ 10m, nằm im, ít vận động, bên cạnh đặt cây đèn cầy, mới đủ không khí để thở. Xuống địa đạo tạo cảm giác cho chúng ta như xuống âm ty, địa ngục, cách ly hoàn toàn với thế gian… Nếu ai chưa quen cảm thấy ớn ớn.

Không có đèn pin thì chịu chết, khi mọi người nằm im đâu đó thì một sự im ắng lạ thường, lúc bấy giờ chỉ nghe tiếng thở của nhau mà thôi. Sống ở địa đạo cũng cần có những người có kinh nghiệm biết đường đi lối lại, tìm ra được nắp trầm, nắp thượng. Nhất là địa đạo xương sống, có nhiều người, nhiều ngõ, nhiều ngả, đường đi dài từ xã này qua xã khác.

 

Củ Chi đất lửa hoa hồng

Củ Chi không chỉ có tiếng đạn bom, còn có tiếng hát: “Là dân Củ Chi diệt thù ta cứ đi/băng qua lửa đạn hiểm nguy ta ngại gì/Là quê hương Thành Đồng chống Mỹ/Đất lửa hoa hồng là đất anh hùng Củ Chi”.. Nghe bài hát này ai cũng tưởng “hoa hồng” là hình ảnh hư cấu. Sự thật là sau vài cơn mưa đầu mùa, những hoa lan dại màu hồng rực rỡ mọc lên khắp nơi : trên miệng hố bom, bên xác xe tăng, chung quanh mộ liệt sĩ… Rồi những hoa bằng lăng cũng “chiều chiều rơi tím đất” lãng mạn như thách thức cuộc chiến hủy diệt của Mỹ…

Từ Củ Chi, những chiến sĩ Thành Đoàn tựa lưng vào địa đạo luôn hướng về Sài Gòn vì đó là quyết chiến điểm của cuộc chiến tranh:

Cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ ấy

Cứ đêm đêm thao thức gọi ta về

Có nhà văn ví Sài Gòn là một thành La Mã, mà những người kỵ sĩ cách mạng muốn đến, muốn thắng - phải bám chắc lấy bàn đạp của con ngựa gian khổ ác liệt là mảnh đất Củ Chi này.

 CỦ CHI ĐẤT LỬA HOA HỒNG - 4

Ảnh: Tác giả Hoàng Đôn Nhật Tân (thứ 2 từ phải sang) cùng các sinh viên S.T.H.C

Các em tiếp bước...

Chiến đấu anh dũng nhưng hy sinh cũng không kể xiết. Tại Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược có 44.209 Liệt sĩ được ghi tên trong đền, gồm Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng, Liệt sĩ, trong đó có 9.119 Liệt sĩ là con em của 40 tỉnh, thành phố khác.  

Trong khói hương của phút tưởng niệm, “Bài văn bia tưởng niệm liệt sĩ đền Bến Dược” của nhà thơ Viễn Phương đã được tuyên đọc vang lên như khúc tráng ca của quân và dân Củ Chi, của nhân dân Sài Gòn - Gia Định:

...Chiến thắng lớn từ hy sinh to lớn.

Ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường?

Con của mẹ ra đi không bao giờ trở lại, mẹ khóc mỗi hoàng hôn...chim bay về núi tối rồi.

Máu hồng toả hương chính khí

Nhân kiệt làm nên địa linh.

Đất nước lớn vì nhân dân anh hùng,

Nhân dân lớn vì tấm lòng yêu nước.

Người đang sống nhớ thương người đã khuất,

Khắc đá làm bia dựng giữa đất trời.

Những anh liệt như ngàn sao tỏa sáng,

Đời đời sau chiếu mãi giữa tim người. 

Trong ngày tham quan Khu Di tích địa đạo Củ Chi các em sinh viên dễ thương của tôi luôn rộn rã tiếng cười hồn nhiên như những du kích trẻ của Củ Chi năm xưa trước khi ra trận. Những gì sinh viên của tôi cảm nhận được nơi đây chắc là không thể nào quên. Rồi mai kia, những bạn trẻ này sẽ trở thành những Hướng dẫn viên Du lịch chuyên nghiệp, các em phải giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam, tôi tin rằng qua chuyến đi này, những điều cảm nhận tại “Củ Chi đất lửa hoa hồng” cùng những gì tôi chia sẻ với các em sẽ giúp ích nhiều cho các em trên đường đời. Các em sẽ tin tưởng vững chắc những điều các em nói ra, nói với tất cả cảm xúc thật sự về quê hương đất nước của mình, đó là những gì mà ngôi trường này muốn đào tạo cho các em. Chính các em, chứ không ai khác, sẽ làm cho những điểm đến của Việt Nam, của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh trở thành những ấn tượng khó quên trong lòng du khách … Cũng như những dũng sĩ Củ Chi ra trận ngày ấy, giờ đã đến phiên của các em làm rạng rỡ hai tiếng: VIỆT NAM.

H.Đ.N.T

 

 

HƯỞNG ỨNG “NĂM THANH NIÊN - 2011”: PHÁT HIỆN, BỒI DƯỠNG VÀ ĐẶT THANH NIÊN VÀO VỊ TRÍ XỨNG ĐÁNG!

Đinh Phong

CỦ CHI ĐẤT LỬA HOA HỒNG - 5   

Ảnh: “Thanh niên tiên tiến làm theo lời bác” tại Lễ Tuyên dương

trước Tượng đài Bác. (Ảnh: Vệt Dũng)

Tháng 3 năm nay, tuổi trẻ cả nước chào đón 80 năm Ngày Thành lập và hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2011).

Năm 2011, Đảng đã phát động “Năm Thanh niên” nhằm tôn vinh, bồi dưỡng và giao nhiệm vụ xứng đáng cho tuổi trẻ Việt Nam.

Đó là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của những người đi trước đối với lớp trẻ hiện nay.

Một vấn đề đặt ra ở bất cứ đâu, bất kể năm tháng nào như một lời kêu gọi, đó là phải “trẻ hóa” đội ngũ Đảng, Chính quyền, các Ban, Ngành.

Song “trẻ hóa” có nội dung gì và phải làm gì để có thể “trẻ hóa”. “Trẻ hóa” không phải là việc lực chọn những người trẻ tuổi vào các công việc mà người lớn tuổi hơn đang làm. Một ngưởi trẻ tuồi hơn muốn đảm nhận được công việc của người đi trước cần phải là người có đạo đức tốt, có trình độ năng lực xấp xỉ người tiền nhiệm, và tất nhiên còn ở độ tuổi trẻ, năng nổ, có sức bật và dũng cảm, lao vào khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ.

Đảng phải làm tốt công việc phát hiện những nhân tố mới để bồi dưỡng về chính trị, trình độ quản lý, năng lực hiểu biết – tinh thần trách nhiệm. Nếu chỉ hô hào “trẻ hóa” mà chỉ chọn người có tuổi trẻ thì không thể gọi là “trẻ hóa” đội ngũ. Người trẻ tuổi phải được phát hiện, bồi dưỡng sao cho xấp xỉ người đi trước. Nếu đưa người trẻ tuổi mà các mặt có khoảng cách khác xa người đi trước, thì nó làm yếu đội ngũ, thiếu những người có năng lực gánh vác công việc chung.

Ngay cả việc Quốc hội dành cho thanh niên tỷ lệ 7% trong tổng số đại biểu cũng phải chuẩn bị thật tốt theo quĩ đạo của Đảng. Phải coi tiêu chuẩn là chính dù cơ cấu là cần thiết. 7% số Đại biểu là thanh niên thì họ phải tiêu biểu cho lớp trẻ hôm nay, được lựa chọn từ cơ sở. Đó là những thanh niên tuyệt đối trung thành với sự nghiệp Cách mạng; là những người có năng lực, trình độ cao; là những người sống trung thực, trong sáng, không tham ô, hối lộ; là những người: gần dân, hiểu dân, dám đứng về phía nhân dân chống lại các thế lực xấu xa, bao che kẻ làm sai trái…

Nếu 7% Đại biểu Quốc hội là những người tiêu biểu trong giới trẻ sẽ làm cho Quốc hội hoạt động sôi nổi, có chất lượng, gắn bó với nhân dân

Không chỉ nói suông, ở đâu lúc nào cũng kêu gọi “trẻ hóa” mà phải có một chiến lược rõ ràng để phát hiện nhân tố trẻ, để bồi dưỡng, đào tạo và đặt vào vị trí xứng đáng để họ có thể phục vụ nhân dân một cách tốt đẹp .

ĐP

 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT