ĐỌC BÁO NGÀY 29.8.2011

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nâng tầm điểm đến 4 quốc gia

Một điểm đến Việt Nam đã hấp dẫn, nay có thêm sự vào cuộc của Lào, Campuchia và Myanmar càng thu hút du khách đến với khu vực này.

ĐỌC BÁO NGÀY 29.8.2011 - 1

Du khách Việt săn khoảnh khắc hoàng hôn tuyệt đẹp tại cố đô Bagan (Myanmar), nơi còn tồn tại hàng ngàn ngôi tháp, chùa cổ - Ảnh: Tiến Đạt

Để phát huy lợi thế điểm đến chung này, ngày 13- 9 tại TP.HCM, bốn bộ trưởng du lịch Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar sẽ tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch bốn quốc gia nhằm giới thiệu tiềm năng đầu tư vào du lịch, đồng thời hợp tác, xúc tiến, quảng bá bốn quốc gia như một điểm đến duy nhất.

Hấp dẫn vì điểm đến đa dạng

Lượng khách quốc tế ngoài ASEAN đến du lịch ở bốn quốc gia đang có xu hướng tăng mạnh trong nhiều năm qua. Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA), dù chưa vào mùa cao điểm của du lịch quốc tế nhưng tăng trưởng của bốn quốc gia luôn ở mức hai con số.

Bà Bùi Viết Thủy Tiên, giám đốc Công ty du lịch Asian Trails chuyên phục vụ du khách châu Âu, cho biết so với cùng kỳ năm 2010 doanh thu công ty đã tăng 30%, lượng khách đã đặt chỗ cho các tour du lịch đến Việt Nam và nối tuyến sang Lào, Campuchia, Myanmar trong mùa cao điểm sắp tới (bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau) cũng tăng hơn hai con số so với năm ngoái. Các hãng lữ hành quốc tế lớn như Exotissimo, Destination Asia, Diethelm, Saigontourist... cũng cho biết lượng khách quốc tế đặt mua tour đến khu vực này tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Hoàng Hữu Lộc, phó giám đốc Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho biết chỉ riêng điểm đến Việt Nam đã thu hút khách quốc tế vì sự đa dạng của phong cảnh, văn hóa, di sản, nghỉ biển..., nếu cộng thêm 3-4 ngày du lịch Lào, Campuchia, gói tour này rất dễ dàng bán cho du khách. Bà Thủy Tiên cho biết một tour Việt Nam - Lào - Campuchia thường kéo dài 14-15 ngày, trong đó ba ngày ở Lào, bảy ngày ở Việt Nam và bốn ngày ở Campuchia, kết hợp cả đường bộ và hàng không.

Nhu cầu di chuyển bằng đường sông Việt Nam sang Campuchia (Phnom Penh và Siem Reap) và ngược lại tăng rất nhanh. Hiện có chừng 10 công ty đầu tư tàu vận chuyển nhưng vẫn không đủ. Bà Võ Hải Thiên Hương, phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Du Hành Xanh (Blue Cruiser), cho biết công ty vừa đầu tư đóng mới thêm ba tàu cao tốc, nâng tổng số tàu phục vụ du khách quốc tế chặng Châu Đốc - Phnom Penh của công ty lên 10 tàu. “So với năm 2010, lượng khách và doanh thu của công ty tăng gần 30%”, bà Hương cho hay.

Bà Thủy Tiên cho biết với các tàu Jayavarman, La Marguerite, Pandaw, Toum Tiou... có phòng nghỉ đêm, chạy ngược xuôi từ Châu Đốc sang Phnom Penh rồi thẳng lên Siem Reap trong tám ngày có giá trung bình 3.000 USD/khách nhưng rất khó đặt chỗ, vì những con tàu này đã được các hãng du lịch nước ngoài đặt chỗ nguyên chiếc (theo kiểu charter) cho cả mùa du lịch. Muốn đặt chỗ cho khách, bà Thủy Tiên buộc phải mua lại của các hãng này nhưng không nhanh tay là hết chỗ.

Đầu tư thêm cho tour đường bộ, hàng không

Theo các hãng lữ hành quốc tế, tour nối tuyến chào bán cho du khách thường là một quốc gia hoặc nối tuyến hai quốc gia (Việt Nam - Campuchia hoặc Việt Nam - Lào), tour ba quốc gia trở lên cũng giới thiệu cho khách nhưng không nhiều khách mua.

Ông Hoàng Hữu Lộc cho biết thời gian thông thường để khách đi hai nước đã có ít nhất 9-11 đêm nghỉ tại khách sạn 4-5 sao, chưa kể thời gian di chuyển bằng máy bay. Nếu cộng thêm bốn đêm ở nước thứ ba và vé máy bay sẽ làm giá tour tăng lên cùng với thời gian kéo dài nên rất ít khách mua tour nối ba hay bốn quốc gia. “Cả năm cũng chỉ có 1-2 yêu cầu tổ chức tour ba quốc gia nhưng di chuyển nhiều, tour dài ngày nên cuối tour khách không thoải mái” - ông Lộc nói.

Các tour nối tuyến sang Campuchia nhiều và dễ bán hơn các tour nối từ Việt Nam sang Lào hay Myanmar vì ngoài đường bay hiện chỉ có Vietnam Airlines (VNA) khai thác, các loại hình di chuyển bằng đường bộ, đường thủy gần như không thể thực hiện được.

Ông Lộc kể trong một lần khảo sát tour đường bộ từ miền Trung sang Lào chỉ có đoạn từ Savannakhet đến Vientiane hơn 400km nhưng phải di chuyển từ sáng đến chiều. Bà Thủy Tiên cho biết năm ngoái công ty mở tour mới từ miền Trung sang Lào với điểm dừng Sầm Nưa (Lào), nơi từng là địa danh trong kháng chiến chống Pháp, nhưng cả năm chỉ có hơn 30 khách mua tour này vì di chuyển từ Thanh Hóa sang Lào khó khăn, mất nhiều thời gian.

Chính vì vậy, theo nhiều doanh nghiệp lữ hành, sắp tới để phát triển thêm các tour đường bộ kết nối với Lào, Myanmar, Campuchia..., hệ thống đường sá kết nối giữa các nước phải được đầu tư mạnh mẽ hơn nữa.

Với đường hàng không, theo Tổng cục Du lịch VN, hiện có đến 55% lượng khách đến Siem Reap (Campuchia) do VNA khai thác và VNA cũng mang một lượng khách khá lớn đến Myanmar sau khi hãng này mở đường bay trực tiếp đến Yangon.

Do đó, nếu xét ở góc độ này có thể khẳng định Việt Nam đang giữ vai trò là cửa ngõ của bốn quốc gia, đặc biệt năm 2011 hãng này đã có thêm năm máy bay mới, nâng tổng số máy bay khai thác lên 75 chiếc, hi vọng tần suất khai thác các đường bay nối liền bốn quốc gia sẽ tăng thêm để đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách.

Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Du lịch bốn nước

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch VN Nguyễn Văn Tuấn cho biết với chủ đề “Bốn quốc gia - một điểm đến”, Hội chợ du lịch quốc tế TP.HCM 2011 (ITE-HCMC 2011) diễn ra từ ngày 14 đến 17-9 nhằm triển khai Tuyên bố chung hợp tác du lịch bốn nước, đã được bộ trưởng du lịch bốn nước ký kết bên lề ITE-HCMC 2010.

Một trong những sự kiện trọng tâm của ITE-HCMC 2011 là Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch bốn quốc gia, tổ chức ngày 13-9, do Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch), báo Tuổi Trẻ, Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Ngân hàng Phát triển châu Á phối hợp tổ chức với sự hiện diện của bốn vị bộ trưởng du lịch của các quốc gia. Theo ông Tuấn, đây là cơ hội tốt để các nhà đầu tư trong khu vực kết nối nhằm khai thác tiềm năng, phát triển các thế mạnh sản phẩm du lịch của mỗi nước Tiểu vùng sông Mekong, đồng thời mở rộng quá trình hội nhập khu vực của ngành du lịch ASEAN vào năm 2015.

LÊ NAM

(Báo Tuổi Trẻ, ngày 29.8.25011)


Khách thuê nguyên chuyến bay đến VN tăng

Theo các công ty du lịch lữ hành quốc tế, mùa cao điểm năm nay lượng khách đến VN sẽ đông hơn năm trước ít nhất 15%, trong đó có nhiều đoàn đến bằng máy bay thuê chuyến (charter flight) từ các thị trường du lịch trọng điểm của du lịch VN.

Bà Hoàng Thị Phong Thu, chủ tịch kiêm giám đốc Công ty du lịch Ánh Dương, cho biết vừa ký hợp đồng đưa khách Nga đến VN trong mùa cao điểm sắp tới với Công ty Pegas Touristik (Nga). Theo kế hoạch hợp tác với công ty này trong thời gian từ tháng 10-2011 đến tháng 5-2012, mỗi ngày Pegas Touristik sẽ đưa trung bình 180 khách Nga đến sân bay Cam Ranh (Nha Trang) bằng máy bay thuê chuyến. Các đoàn du khách Nga sẽ nghỉ lại Nha Trang, Mũi Né (Phan Thiết) trong thời gian trung bình 12-14 ngày.

Bà Bùi Viết Thủy Tiên, giám đốc Công ty du lịch Asian Trails, cũng cho biết đã hoàn tất hợp đồng với đối tác Thụy Điển đưa du khách vùng Bắc Âu đến VN bằng máy bay thuê chuyến trong mùa cao điểm năm nay. Theo kế hoạch, thời gian đầu ít nhất đối tác sẽ bay 2 tuần/chuyến đến TP.HCM.

Tính đến hết tháng 8-2011 đã có gần 4 triệu lượt du khách nước ngoài đến VN, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2010.

LÊ NAM

(Báo Tuổi Trẻ, ngày 29.8.25011)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT