ĐỌC BÁO NGÀY 10.9.2011

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Cơ hội đầu tư du lịch bốn nước

TT - Tiềm năng đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ, cơ sở hạ tầng, giải trí, vận chuyển... du lịch ở bốn quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar còn rất lớn. Đặc biệt, tiềm năng này sẽ thật sự phát huy mạnh mẽ khi bốn quốc gia liên kết để thành một điểm đến chung cho du khách.

Hiện Vietnam Airlines (VNA) là hãng hàng không có nhiều đường bay tại bốn quốc gia với tổng cộng 78 chuyến bay mỗi tuần nối liền Phnom Penh, Siem Reap, Vientiane, Luang Prabang, Hà Nội, TP.HCM và Yangon. Trong đó chuyến bay từ Siem Reap đến TP.HCM và Hà Nội chiếm nhiều nhất với tổng cộng 5 chuyến/ngày bằng máy bay Airbus A321.

ĐỌC BÁO NGÀY 10.9.2011 - 1

Du khách nước ngoài mua vé xe khách tuyến thủ đô Vientiane đi Luang Prabang (Lào) và kết nối với Nghệ An - Ảnh: N.C.T.

Cần thêm khách sạn

Chỉ riêng tại Việt Nam, khách Thái Lan, Campuchia đi bằng đường bộ đến miền Trung đang có chiều hướng tăng nhanh. Theo Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Thừa Thiên - Huế, nếu như năm 2005 chỉ có hơn 17.000 lượt khách Thái Lan đến Huế thì năm 2010 đã có hơn 113.000 lượt khách. Trong các tháng đầu năm 2011, đã có hơn 77.000 lượt khách, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Patrick Basset - phó chủ tịch điều hành Tập đoàn quản lý khách sạn Accor phụ trách thị trường VN, Philippines, Hàn Quốc và Nhật Bản - nhận định với lượng khách đến bốn quốc gia Lào, Việt Nam, Campuchia, Myanmar như hiện nay vẫn đủ phòng khách sạn để phục vụ nhưng xét từng điểm đến thì thật sự chưa đủ. Ông Patrick Basset cho biết Accor hiện quản lý 15 khách sạn từ trung đến cao cấp, trong đó có bốn khách sạn ở Campuchia, một ở Lào và mười ở Việt Nam. "Ngay cả nơi nhiều khách sạn đạt chuẩn nhất như Việt Nam, nhu cầu đầu tư thêm nhiều khách sạn cao cấp vẫn còn rất lớn do lượng khách quốc tế đang tăng nhanh, chưa kể đáp ứng nhu cầu cho lượng khách nội địa" - ông Patrick Basset nhấn mạnh.

Đại diện Tập đoàn Vincom khẳng định nhằm đón đầu lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong những năm tới, tập đoàn này đang đầu tư thêm nhiều dự án khu nghỉ dưỡng dọc khu vực miền Trung, trong đó có hai dự án Vinpearl Luxury Nha Trang gồm 84 biệt thự ven biển và Vinpearl Luxury Đà Nẵng gồm một khách sạn quốc tế cao cấp có 200 phòng nghỉ tiện nghi, biệt thự. Đại diện Vincom cũng cho biết dự kiến đến cuối năm 2012 sẽ giới thiệu các khu nghỉ dưỡng cao cấp tại TP.HCM, Hội An, Đà Lạt, Bình Định, Phú Quốc...

Theo phòng khách sạn Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP.HCM, các nhà đầu tư trong nước đang quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp khách sạn hạng sang tại khu vực quận 1, 2 và 7 để đón khách quốc tế đến TP.HCM. Công suất phòng bình quân của các khách sạn 3-5 sao tại TP.HCM đạt 70%, đây là con số khả quan thu hút nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước tìm hiểu về khả năng đầu tư khách sạn tại TP trong thời gian tới.

Chưa kết nối hạ tầng

Hạ tầng thiếu kết nối đang là điểm yếu khiến nhiều nhà đầu tư chưa mặn mà trong thời gian qua. Theo các công ty lữ hành, đường bộ nối liền bốn quốc gia đã có nhưng không thuận lợi, đường hàng không chi phí cao nên lượng khách chọn hình thức di chuyển bằng đường sông ngày càng tăng nhưng cũng chưa thể đáp ứng được. Bà Võ Hải Thiên Hương, phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Du Hành Xanh (Blue Cruiser), cho biết chỉ trong năm 2010 công ty đã đầu tư hơn 3 tỉ đồng đóng mới thêm ba chiếc tàu, nâng tổng số tàu của công ty từ bảy chiếc lên mười chiếc phục vụ tuyến Châu Đốc - Phnom Penh nhưng cũng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách, đặc biệt vào mùa cao điểm. Cũng có thể vận chuyển khách bằng đường biển, tuy nhiên chưa có nhà đầu tư phương tiện vận chuyển.

Bà Trương Ngọc Hạnh Khuyên, giám đốc Công ty TNHH đầu tư và xây dựng cảng du thuyền Phú Quốc (Phú Quốc Marina), cho biết ngày 16-9-2011 sẽ khánh thành nhà ga và khu dịch vụ để tiếp nhận các du thuyền dài tối đa 25m, các tàu tăng bo chở khách từ các tàu du lịch lớn neo đậu bên ngoài khu vực thị trấn Dương Đông (Kiên Giang). Giai đoạn hai công ty sẽ đầu tư hệ thống cầu phao nổi tiếp nhận du thuyền lớn hơn và giai đoạn ba đầu tư xây dựng khách sạn nổi tại khu vực này. Đây là cảng du thuyền đầu tiên trên đảo Phú Quốc mở hướng khai thác du lịch đường biển.

Tuy nhiên, trước mắt lựa chọn tốt nhất hiện vẫn là khai thác bằng đường hàng không. Phó tổng giám đốc VNA Trịnh Hồng Quang khẳng định hãng đã xác định thị trường hàng không bốn quốc gia này là thị trường chiến lược và VNA sẽ đầu tư thêm máy bay, tăng tần suất, phối hợp với các hãng lữ hành tạo ra sản phẩm du lịch thuận lợi, đa dạng, giá cả cạnh tranh để phục vụ lượng khách quốc tế đến ngày càng nhiều.

Giới thiệu định hướng phát triển du lịch 4 quốc gia

Tiến sĩ Trần Văn Ngợi, giám đốc quốc gia dự án phát triển du lịch bền vững Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhận định Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch bốn quốc gia do Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch VN), báo Tuổi Trẻ, Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài (Đại học Quốc gia Hà Nội) và ADB phối hợp tổ chức ngày 13-9 tại khách sạn Rex (TP.HCM) là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm hiểu cơ hội để đầu tư vào các lĩnh vực du lịch, dịch vụ đầy tiềm năng của khu vực. Đặc biệt, hội nghị lần này hội tụ đủ các bộ trưởng, đại diện cơ quan quản lý du lịch của bốn quốc gia sẽ giới thiệu định hướng phát triển của du lịch từng quốc gia, những dự án ưu tiên đầu tư và các chính sách ưu đãi mà từng chính phủ, địa phương ở bốn quốc gia này đang mời gọi, hỗ trợ.

LÊ NAM

(Báo Tuổi trẻ, ngày 10.9.2011)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT