Buộc mọi người phải theo ý mình mới đúng, còn ngược lại là sai?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Buộc mọi người phải theo ý mình mới đúng, còn ngược lại là sai? - 1

“100 điều thú vị” có thú vị thật, chứ không có “nhiều điều… tào lao” đâu. Vả lại, trong tiếng Việt chỉ có “lời nói tào lao”, “câu chuyện tào lao”, chứ không có “nhiều điều… tào lao”. Không tin việc sai ngữ, nghĩa tiếng Việt của Báo Pháp luật TPHCM, in trang nhất số ngày chủ nhật 26.08.2012 bài báo có tít “100 Điều thú vị… có nhiều điều tào lao”, thì mời tra từ điển.

Mới rồi, Sở VH-TT-DL TPHCM đã công bố danh sách “TPHCM - 100 điều thú vị” tại Khách sạn Rex (đêm 21.08.2012), nhằm quảng bá và thu hút khách du lịch, thì gặp phải một số ý kiến… ngược chiều, thậm chí còn cho rằng “100 điều thú vị có nhiều điều… tào lao”. Đọc đi đọc lại những ý kiến góp ý, tôi thấy cũng lạ! Tại sao cứ bắt buộc mọi người phải làm theo ý mình mới đúng, còn ngược lại là sai?

Buộc mọi người phải theo ý mình mới đúng, còn ngược lại là sai? - 2

Thú vị hay không thú vị?

Đây chỉ là “100 điều thú vị” của một địa phương, thôi mà. Từ điển Tiếng Việt cho biết “Thú vị: Có tác dụng làm cho người ta hào hứng, vui thích”. Và đã là “người ta” thì “bá nhơn bá tánh”, nói nôm na là “chín người mười ý”, do vậy không nên lấy ý kiến chủ quan của mình áp đặt bắt người khác phải giống mình. Việc chọn “100 điều thú vị” của Sở VH-TT-DL TPHCM là việc làm của một tập thể và cũng là việc làm cần thiết với mục đích “quảng bá và thu hút khách du lịch”. Không thể nói rằng: “Tôi không cần 100 điều thú vị, chỉ mong mọi người trả lời cho tôi: Buổi tối, Sài Gòn có gì chơi? Sài Gòn có món gì ngon? Sài Gòn có quà lưu niệm là gì? Không nhất thiết lúc nào phải 100 điều”. Trong cuộc sống, có lúc vài điều đã thừa, nhưng lắm lúc 100 điều vẫn thiếu. Với tư cách là du khách đến TPHCM, tôi muốn thưởng thức không khí uống cà phê trong đĩa vào mỗi buổi sáng hồi thập niên 50, chứ tôi không cần biết “Buổi tối, Sài Gòn có gì chơi? Sài Gòn có món gì ngon? Sài Gòn có quà lưu niệm gì?”… thì sao? Và đó cũng là điều thú vị chứ?

Một góp ý khác: “Tôi nghĩ việc bầu chọn ra năm cơ sở từ thiện tiêu biểu, năm phòng tranh tiêu biểu… thật sự cần cho du khách hơn. Hiện có rất nhiều khách quốc tế giàu có tiêu tiền bằng cách mua tranh. Cũng có rất nhiều du khách quốc tế kết hợp du lịch với làm từ thiện”... Một ý kiến đóng góp rất tốt, không có gì sai, nhưng Sở VH-TT-DL TPHCM chỉ đóng khung trong “100 điều” chứ chẳng phải “101 điều”, hay nhiều điều hơn. Vả lại, trong thực tế có bao nhiêu du khách “kết hợp du lịch với làm từ thiện”? Phòng tranh tiêu biểu ư? Thế nào là tiêu biểu? Ngay những người mua bán tranh chuyên nghiệp còn chưa phân biệt được tranh nào thật, tranh nào giả, thì làm sao bắt Nhà nước bảo kê? Giá cả của tranh là thuận mua vừa bán, chứ chính quyền địa phương đâu thể can thiệp phải bán giá này không được bán giá kia.

Buộc mọi người phải theo ý mình mới đúng, còn ngược lại là sai? - 3

Tại sao không cần nhắc dịch vụ vận chuyển?

Có người bảo rằng, “điều mà nhiều người còn băn khoăn đó là Sài Gòn 100 điều thú vị lần này lại ôm cả các dịch vụ vận chuyển vào như Taxi Mai Linh, Vinasun, Phương Trang, Viettravel, Công ty Du lịch Hòa Bình. Chưa hết, các khu hội nghị, triển lãm như Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn, Nhà Thi đấu TDTT Phú Thọ… cũng là một trong số 100 điều thú vị mà TP cho rằng du khách nên đến”, hoặc “dịch vụ vận chuyển đưa vào làm điều thú vị là không cần thiết”. Tại sao không cho đây là “điều thú vị”, tại sao lại “không cần thiết”? Quý vị là dân Sài Gòn, thậm chí là ở ngay tại nội thành, đi xe nhà mới cho đó là không phải “điều thú vị”, chứ dân ngoại thành và các tỉnh thấy thú vị lắm lắm. Mỗi lần có việc đón xe taxi đi đâu là nơm nớp lo sợ, mắt cứ nhìn đồng hồ tính tiền trên xe mà hồi hộp và… xót cả bụng. Nếu biết các dịch vụ vận chuyển ấy có uy tín, được giới thiệu thì… rất yên tâm, tóc sẽ bớt đi một vài sợi bạc. Còn khách quốc tế ư? Đâu phải khách quốc tế nào đến TPHCM đều được “các công ty du lịch lo phương tiện vận chuyển”. Nếu các vị đã có một vài lần đến phố Tây Phạm Ngũ Lão, sẽ thấy dịch vụ vận chuyển cũng là điều thú vị và cần thiết. Họ cũng là du khách đấy! Các khu hội nghị, triển lãm ư? Dân nhà quê chúng tôi cần biết lắm, bởi không có gì được “mục sở thị” để có chuyện mà nói với bạn bè. Nói thật, tôi đã nhiều lần bỏ thời giờ dẫn bạn bè, bà con đi cầu thang máy, gần đây đi cầu thang cuốn cho biết với người ta. Trước đây, cầu thang máy chưa phổ biến, tôi phải dẫn họ vào… Bệnh viện Chợ Rẫy, giả làm người đi thăm bệnh, để được đi cầu thang máy cho biết. Gần đây, nghe anh em đồn thổi ở tòa nhà 64 tầng có nhiều điều hay lắm mà tôi chưa sắp xếp được và khi đi chắc phải dẫn vài ba người bạn “cùi bắp” như mình để khỏi… lạnh lưng. Dân ta, trong đó có tôi, còn nghèo và “quê một cục” chứ không phải thứ gì cũng biết việc chi cũng rành như quý vị đâu.

Buộc mọi người phải theo ý mình mới đúng, còn ngược lại là sai? - 4

Không dành riêng cho khách quốc tế

Có ý kiến cho rằng, “thực tế 100 điều mà Sở đưa ra thì chỉ có rất ít trong số đó hiện các công ty du lịch hay đưa khách quốc tế đến. “Ví như trong hạng mục điểm giải trí về đêm, không có du khách quốc tế nào đến TPHCM lại để chui vào rạp chiếu phim như Sở công bố. Trong khi đó, 90% du khách Nhật đến TPHCM qua APEC đều rất thích đi coi múa rối nước. Nhưng điều này lại không thấy được chương trình đưa vào””.

Ô hay, “100 điều thú vị” mà Sở VH-TT-DL TPHCM công bố lần này dành cho khách du lịch trong và ngoài nước, chứ có dành riêng cho khách quốc tế đâu. Mà chắc gì khách quốc tế không thích. Ăn thịt cá nhiều rồi, bây giờ ăn rau củ luộc chấm mắm kho quẹt cũng ngon lắm chứ. Đâu phải khách du lịch quốc tế nào cũng được thường xuyên ngồi rạp xem phim hay với giá rẻ đâu. Với người Việt Nam, ngay ở tại TPHCM, không ít người cũng muốn đến rạp xem phim màn ảnh rộng, không thiếu người muốn đến ngồi để nhớ lại một thời tuổi trẻ… Khách du lịch trong nước thì tôi không rành vì tôi không làm du lịch, nhưng bạn bè tôi ở các tỉnh đến TPHCM đều muốn vào rạp xem phim, và lần nào cũng như lần nào, về đến nhà bình phẩm suốt đêm. Đó cũng là “điều thú vị” chứ! “90% du khách Nhật đến TPHCM qua APEC đều thích đi coi múa rối nước”. Vâng, họ thích thì chiều, chứ ta “làm bạn với các nước” chứ có riêng nước nào đâu.

Một ý kiến khác, cho rằng “con số 100 điều là quá nhiều và rất khó để du khách có thể nhớ. “Giờ tôi chỉ muốn mọi người làm một cuộc phỏng vấn bỏ túi và hỏi những người Hướng dẫn viên xem họ có nhớ được 100 điều thú vị là gì không? Không cần nói đợt mới đây mà chỉ cần đợt cũ, quảng bá rộng rồi xem họ có nhớ không? Đa số đều nói là có nghe nhưng khi được đề nghị kể ra thì không kể được. Nếu thực sự hấp dẫn thì tôi cho rằng không cần phải liệt kê ra nhưng du khách, người dân vẫn có thể nhớ. Phải chăng chúng ta cứ cố gán cho các điểm đó thú vị? Nó đang bị chín ép chăng?!”. Việc học, việc thi quyết định tương lai của đời người, ấy mà kỳ thi tốt nghiệp THPT mỗi năm, báo chí cũng phản ánh không ít thí sinh lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia. Vậy mà đòi hỏi Hướng dẫn viên du lịch phải nhớ thuộc lòng cả “100 điều thú vị” quả là… thú vị thật!

Thấy và ghi… “TPHCM - 100 điều thú vị” có thú vị thật, chứ không có “nhiều điều… tào lao” đâu. Vả lại, trong Tiếng Việt chỉ có lời nói tào lao, câu chuyện tào lao, chứ không có “nhiều điều… tào lao”. Không tin thì mời tra từ điển.

Buộc mọi người phải theo ý mình mới đúng, còn ngược lại là sai? - 5

Buộc mọi người phải theo ý mình mới đúng, còn ngược lại là sai? - 6

V.G

(Ảnh: Ban Tổ chức)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo