Phòng tránh ngộ độc khi đi du lịch

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Khi đi du lịch đến những vùng đất mới, chúng ta thường thưởng thức món ăn mới. Nhưng do không hợp nên nhiều người dễ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Hơn nữa, việc chế biến các món ăn nếu không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm cũng dễ gây ra ngộ độc. Vậy, cần làm gì để phòng tránh ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Phòng tránh ngộ độc khi đi du lịch - 1

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn, vệ sinh thực phẩm của thành phố Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm nhanh bát ăn tại một nhà hàng trên địa bàn huyện Phú Xuyên. Ảnh: Trang Thu

Ăn ngon nhưng phải an toàn

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm có khoảng 600 triệu ca bệnh được ghi nhận và 420.000 người tử vong vì ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm là do vi sinh vật gây bệnh có trong thức ăn như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng (hoặc độc tố có trong thực phẩm). Theo thống kê sơ bộ, nguyên nhân gây ngộ độc chủ yếu do vi sinh vật (chiếm tỷ lệ 38,7%), tiếp đến là độc tố tự nhiên (28,4%), hóa chất (4,2%) và các nguyên nhân khác.

Ngoài độc tố tự nhiên, vào mùa nắng nóng, thực phẩm còn dễ ôi thiu, biến chất cũng là nguy cơ dễ gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Thêm vào đó, nếu quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, khi đi biển, nhiều người thích ăn các món hải sản, thậm chí ăn ngay trên bờ biển. Cách chế biến hải sản ngay trên bờ biển có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn. Mặt khác, các món ăn hải sản có giá trị dinh dưỡng cao, như: Tôm, cua, ghẹ, mực, sò, hàu… dễ gây dị ứng với người mẫn cảm và không tốt với người bị bệnh gout. Thực tế đã có nhiều trường hợp thuộc nhóm trên gặp vấn đề sức khỏe khi ăn quá nhiều hải sản trong chuyến đi.

Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng (Trường Đại học Y Hà Nội), ăn bất kỳ thực phẩm nào nhiều một lúc cũng đều không tốt đối với sức khỏe, nhất là hải sản. Hải sản có hàm lượng protein, đạm và khoáng cao nên nếu ăn nhiều, bộ máy tiêu hóa không hấp thu được, không chuyển hóa hết sẽ dẫn đến rối loạn tiêu hóa.

“Ngoài ăn gỏi cá sống, nhiều người còn ăn cả bạch tuộc, hàu, sò… sống. Khi ăn các loại hải sản sống, mối nguy hiểm nhiều nhất chính là ăn phải thực phẩm chứa vi khuẩn, mà độc tố của vi khuẩn gây ngộ độc rất kinh khủng. Tiếp đến, khi ăn những thực phẩm sống dễ bị nhiễm sán, ký sinh trùng hoặc dễ dị ứng với protein trong các con nhuyễn thể đó”, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hương nói.

Thậm chí, nhiều người ham rẻ mà ăn những loại hải sản không còn tươi mới và yên tâm là nấu chín rồi, thì không lo bị ngộ độc thực phẩm. Đây cũng là quan điểm sai lầm vì theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hương, có những loại vi khuẩn tồn tại trong hải sản dù đã được nấu chín, chế biến kỹ thì độc tố vẫn còn và có thể gây ngộ độc nếu ăn phải.

Ưu tiên ăn chín, uống sôi

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến cho rằng, khi đi du lịch, việc ăn chín, uống sôi luôn là sự lựa chọn hàng đầu. Do đó, nên tránh xa những món dù được giới thiệu là ngon, bổ hay hấp dẫn như các món gỏi, món sống đều là loại thức ăn không an toàn, tiềm ẩn nguy cơ chứa mầm bệnh cao. Ngoài ra, không nên ăn uống tùy tiện như trên bờ biển hay quán vỉa hè ven đường, mà nên chọn những nhà hàng hợp vệ sinh, có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, có nguồn nước sạch, thiết bị khử trùng, thực phẩm tươi sống, không có ruồi, muỗi, có dụng cụ chống bụi, bảo quản sạch sẽ. Riêng đối với các loại hoa quả khi ăn phải chú ý rửa sạch, gọt vỏ để tránh bị nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản.

Không chỉ vấn đề thực phẩm, để phòng tránh ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch, du khách cũng cần lưu ý đến vấn đề nước uống. Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến đưa ra lưu ý, khi lựa chọn nước uống ngay cả khi nguồn nước đã được khử trùng, thì dứt khoát vẫn phải uống nước đun sôi. Tốt nhất, luôn chuẩn bị những chai nước đóng sẵn trước lúc khởi hành, có thể là nước khoáng đóng chai, nước đun sôi, nước chè, nước vối… Điều này vừa bảo đảm vệ sinh, an toàn, vừa giúp cung cấp đủ nước cho cơ thể, chống được mệt mỏi. Đặc biệt, khi đi du lịch vào mùa hè phải cẩn thận với việc sử dụng nước đá, không nên ăn kem hay uống nước giải khát ướp lạnh dọc đường đề phòng không bảo đảm vệ sinh.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hương cũng đưa ra khuyến cáo, khi đi du lịch không nên ăn quá nhiều, ăn quá no vì không có điều kiện vận động, nên thức ăn tiêu hóa chậm, dễ gây ra sự mệt mỏi cho cơ thể. Ngoài ra, không nên ăn hoặc hạn chế sử dụng thức ăn chưa nấu chín như tiết canh, nem chua, nem chạo, gỏi... Nước uống và chế biến thực phẩm phải là nước sạch. Không nên ăn hoặc uống các loại thực phẩm nghi ngờ không bảo đảm vệ sinh như rau sống, nước đá cây, đồ ăn bán dạo ngoài bãi biển, đường phố, khu vui chơi… Không chọn mua và sử dụng những loại thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn chín được bày bán tại nơi không bảo đảm vệ sinh. Riêng với thực phẩm thừa trong các bữa ăn, du khách muốn giữ lại, thì chỉ để ở nhiệt độ của phòng không quá 2 giờ, sau đó cần cho vào tủ lạnh.

Theo các chuyên gia y tế, nếu du khách có dấu hiệu bị ngộ độc, biện pháp sơ cứu ngay lập tức là gây nôn, nhằm hạn chế các loại độc tố ngấm vào cơ thể, sau đó bù nước bằng orezol. Nếu người bệnh bị sốt, tiêu chảy kéo dài hơn 72 giờ và hoặc nôn mửa nhiều lần, có dấu hiệu mất nước nặng, nên đưa tới cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi đi du lịch vào mùa hè, cần cẩn trọng khi sử dụng nước đá, không nên ăn kem hay uống nước giải khát ướp lạnh dọc đường, đề phòng không bảo đảm vệ sinh.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

XUÂN LỘC (Báo Hà Nội mới)