Khách Việt 'thăm dò', chưa sẵn sàng chi tiền du lịch Trung Quốc trở lại

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Lo ngại dịch bệnh Covid-19, e ngại thủ tục xét nghiệm hay mức chi phí tour tăng cao khiến du khách Việt chưa quay trở lại du lịch Trung Quốc ngay khi nước này mở cửa.

Mới đây, Trung Quốc thông báo gỡ bỏ chính sách "Zero Covid", chuyển sang giai đoạn "sống chung với virus", dỡ bỏ các yêu cầu kiểm dịch đối với khách quốc tế từ ngày 8/1/2023. Đây được coi là một bước quan trọng trong việc "quốc gia tỷ dân" hướng tới mở cửa trở lại với thế giới sau gần ba năm.

Nhiều doanh nghiệp lữ hành Việt Nam cũng rục rịch chuẩn bị cho việc "tái xuất" các tour du lịch Trung Quốc. Tuy nhiên, đại diện nhiều đơn vị dự đoán, phải mất ít nhất 2-3 tháng nữa, khách Việt mới sẵn sàng đến du lịch Trung Quốc trở lại.

Khách Việt 'thăm dò', chưa vội quay trở lại Trung Quốc

Đây là nhận định của nhiều đơn vị lữ hành Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Theo ông Lê Công Năng - Giám đốc Wondertour, hiện nay, khách hàng vẫn còn tâm lý e ngại khi du lịch Trung Quốc, kéo theo sự mất tự tin của các doanh nghiệp lữ hành trong việc gom khách.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel, dù không yêu cầu cách ly, khách nước ngoài nhập cảnh vào Trung Quốc vẫn phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành. Do đó, khách Việt có thể sẽ ưu tiên các quốc gia khác như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)... thay vì Trung Quốc.

"Du khách có tâm lý chờ đợi, thăm dò diễn biến tại Trung Quốc trước khi quay trở lại", ông Đạt cho biết.

Khách Việt 'thăm dò', chưa sẵn sàng chi tiền du lịch Trung Quốc trở lại - 1

Phượng Hoàng Cổ Trấn là điểm đến nhiều du khách Việt yêu thích. Ảnh: Phạm Thùy Dung

Theo ông Đạt, đối tác Trung Quốc đã sang đàm phán, làm việc với công ty ông. Tuy nhiên, hai bên đều xác định, phải mất thêm một vài tháng, hoạt động du lịch tại Trung Quốc mới có thể ổn định phần nào.

"Sau ba năm đóng cửa hoàn toàn, các điểm du lịch, cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống tại Trung Quốc không thể lập tức mở cửa trở lại, khó hoạt động bình thường như trước đây. Nhiều đối tác landtour (đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch nội địa) tại Trung Quốc của các công ty Việt Nam thậm chí đã đóng cửa, cắt giảm nhân sự, thay đổi mô hình hoạt động... Do vậy mạng lưới này cần thời gian khôi phục", ông Đạt thông tin.

Trung Quốc công bố mở cửa vào 8/1/2023 - thời điểm cận kề Tết Nguyên đán, do đó, nếu lựa chọn du lịch quốc tế dịp này, khách Việt đều đã có kế hoạch cụ thể. "Khả năng cao, thị trường du lịch Trung Quốc chỉ sôi động trở lại từ tháng 3/2023", ông Năng nhận định.

Ông Nguyễn Hải Quân - Giám đốc VietDaily Tour cho biết, đơn vị này cũng tiếp tục thăm dò thị trường trước khi tung các sản phẩm tour Trung Quốc trở lại.

Khách Việt 'thăm dò', chưa sẵn sàng chi tiền du lịch Trung Quốc trở lại - 2

Khách Việt 'thăm dò', chưa sẵn sàng chi tiền du lịch Trung Quốc trở lại. Ảnh: VietDaily Tour

Giá tour tăng cao

Theo tính toán của ông Đạt, giá tour Trung Quốc khi mới mở lại có thể tăng tới 20 - 40% so với trước kia.

Tour được nhiều du khách trẻ Việt Nam yêu thích Trương Gia Giới - Phượng Hoàng Cổ Trấn từng có giá khoảng 10-12 triệu đồng/người nhưng sắp tới, tour này có thể tăng giá lên 15 triệu đồng/người.

Trong khi đó tour Bắc Kinh - Thượng Hải - Hàng Châu - Tô Châu từng có giá khoảng 16 triệu đồng/người thì sẽ tăng lên khoảng 20 triệu đồng/người.

Theo ông Đạt nguyên nhân chính nằm ở giá vé máy bay. Thời gian đầu mở cửa, từ kinh nghiệm của du lịch Việt Nam hay Thái Lan, tần suất chuyến bay sẽ không nhiều. Trong khi đó, những người kinh doanh, du học sinh sẽ ồ ạt sử dụng dịch vụ bay. Điều này khiến "cung không đủ cầu", đẩy giá vé tăng cao.

Khách Việt 'thăm dò', chưa sẵn sàng chi tiền du lịch Trung Quốc trở lại - 3

Giá vé máy bay tới Trung Quốc có thể tăng cao thời gian đầu mở cửa. Ảnh: Reuters

Ngoài giá, chi phí này còn ảnh hưởng bởi yếu tố là landtour và giá cả mua sắm. Trước đây, nhiều trung tâm thương mại, khu mua sắm lớn của Trung Quốc có chính sách trợ giá cho tour du lịch với các sản phẩm đặc trưng như tơ lụa, ngọc trai, thuốc bắc, trà... 

Về xu hướng du lịch Trung Quốc trong năm tới, các đơn vị lữ hành nhận định, du khách Việt thích khám phá những tour, tuyến du lịch thưởng lãm phong cách kết hợp trải nghiệm văn hóa địa phương, đặc biệt là Phượng Hoàng Cổ Trấn - Trương Gia Giới, Cửu Trại Câu hay tuyến Côn Minh - Lệ Giang - Shangrila.

Ngoài ra, một số đơn vị như Wondertour còn tập trung phát triển các tour thiết kế riêng cho khối doanh nghiệp, nhà sáng tạo nội dung. Họ lên kế hoạch đưa nhóm du khách này đến thăm đại bản doanh Công ty ByteDance (nhà phát triển mạng xã hội toàn cầu TIKTOK) hoặc công ty Alibaba...

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Linh Trang (VietNamNet)

CLIP HOT

Lập web giả mạo - chiêu trò mới trong lừa đảo combo du lịch
Lập web giả mạo - chiêu trò mới trong lừa đảo combo du lịch

Lừa đảo dưới hình thức du lịch không phải là chiêu thức mới, thế nhưng vẫn có khá nhiều người dân sập bẫy. Bởi những đối tượng lừa đảo đã sử dụng những chiêu thức hết sức tinh vi, đặc biệt trong thời gian qua nổi lên hiện tượng nhiều đối tượng đã giả lập những website, fanpage và Công ty du lịch để tạo lòng tin cho khách hàng. Khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán những