Bất ngờ với “Xứ sở Chùa Tháp”

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tôi đến với đất nước Chùa Tháp Campuchia lần đầu tiên như một sự tình cờ, lúc ấy tôi bén duyên được Hãng Hàng không Campodia Angkor Air phối hợp cùng Công ty Du lịch Hương Giang; Công ty Du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông và Công ty Du lịch Việt Cam mời tham dự chuyến Famtrip đến Campuchia trong 3 ngày cùng với các anh chị em Nhà báo thuộc CLB Phóng viên Du lịch TPHCM. Có lẽ là lần đầu tiên đến Campuchia nên từng kỷ niệm, từng đợt cảm xúc trong tôi vẫn còn vẹn nguyên như mới hôm qua kết thúc chuyến đi ấy

Bất ngờ với “Xứ sở Chùa Tháp” - 1

Đến với Siêm Riep xinh đẹp

Khác với những chuyến đi đến Campuchia phải mất cả ngày bằng đường bộ, Đoàn Nhà báo chúng tôi sử dụng đường hàng không của Hãng Campodia Angkor Air, khởi hành từ Sân bay Tân Sơn Nhất, chỉ mất chừng 1 tiếng đồng hồ nên chúng tôi có thêm nhiều thời gian để tham quan, khám phá Thành phố bên sông Tonlé Sap – Siem Riep xinh đẹp này.Vừa đáp xuống Sân bay Quốc tế Siem Riep, Đoàn chúng tôi không để lỡ giây phút nào, đến thăm ngay Ngôi đền Angkor Thom - một ngôi đền cổ rộng lớn và Đền Angkor Wat, một trong những Kỳ quan của Thế giới.

Một trong những điểm tôi cảm thấy rất thú vị ngay khi Đoàn chúng tôi đến tham quan Khu Di tích Angkor Thom, Angkor Wat này là… mua vé. Sẽ chẳng ngạc nhiên hay thích thú nếu như chỉ đơn giản nhận vé từ cô nhân viên quầy sau khi hoàn thành thủ tục. Điểm thú vị là khi đến đây, du khách sẽ được chụp ảnh, sau đó họ sẽ scan hình cá nhân trực tiếp lên tấm vé, và du khách sẽ đeo tấm thẻ cá nhân hóa đó cho đến hết ngày tham quan. Khi lên lại xe để tiến sâu vào Khu Du lịch, anh Trưởng Đoàn chúng tôi có nói: “Khi nãy chụp làm sao thì khi soát vé, mình cũng phải làm y chang như thế”, nhưng tôi chỉ nghĩ đó là câu đùa vui. Và thật như vậy, khi tôi đang ngó nghiêng chụp ảnh, thì có một anh soát vé tiến gần và xin phép được xem vé, tôi chỉ thờ ơ đưa thẻ. Có lẽ anh soát vé cũng biết Đoàn chúng tôi là người Việt nên đã hỏi tôi bằng giọng mũi lơ lớ rất ngộ nghĩnh: “Sao không giống?” (Chả là vì trong hình tôi cười rất tươi), nghe câu hỏi của anh tôi chưa kịp trả lời, chỉ vừa nhoẻn miệng cười, anh soát vé lại nói bằng giọng Việt lơ lớ: “Đúng rồi đẹp lắm!” và mời tôi đi qua. Tôi chợt nghĩ: Thật duyên làm sao!

Gặp gỡ “Thành phố huyền bí”

 Tên gọi “Angkor”, khi nghe anh Hướng dẫn viên người bản xứ - Sokli giải thích, trong tiếng Khmer cổ, “Angkor” có nghĩa là “Kinh đô” hoặc “Thành phố huyền bí”, tồn tại ở Campuchia từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 13 sau Công Nguyên. Ngày nay, những phế tích, đền đài nằm tại Siem Reap là những gì còn sót lại một thời của kinh đô Angkor.

Dù đã biết đến nơi đây qua các tranh ảnh, sách vở từ trước nhưng được nhìn thấy tận mắt vẻ đẹp kiến trúc của ngôi đền. Màu đá phủ rêu phong in đậm trên nền trời xanh, trong của đất nước Campuchia này thật là hòa hợp, khiến tôi thực sự cảm thấy rất ngỡ ngàng. Sao tôi không ngỡ ngàng được khi mà trước mắt tôi là một kiến trúc sừng sững, với sự kết hợp một cách tài tình và khéo léo của những tấm Phù điêu minh chứng rõ nét một nền văn hoá và nghệ thuật của người Khmer cổ trong thời kỳ đỉnh cao của nền văn minh này.

Đến nơi đây lúc gần về chiều, có lẽ vậy mà quanh tôi, du khách đều hối hả, loay hoay như sợ sẽ không thể lưu giữ được từng khoảnh khắc, ngóc ngách ở nơi đây. Họ vội vã, quýnh quáng, đi từ bên này sang bên kia, xuýt xoa ngưỡng mộ làm sao những người này có thể di chuyển những phiến đá to lớn như thế, sắp đặt nó để hình thành nên một kiến trúc độc đáo, còn trụ cho đến tận ngày nay?

Và sao không ngưỡng mộ đượckhi thấy cả một công trình hoàn toàn chỉ được xây nên từ đá mà không hề có một chất kết dính nào,và sao lại không xuýt xoa khi trên từng phiến đá ấy được điêu khắc tỉ mỉ từ đôi bàn tay tài hoa và tinh tế của những người thợ Khmer lành nghề,với các họa tiết trang trí độc đáo, với các đường nét hoa văn, đã khắc họa được những bức tượng Phật, tượng người đang lao động, tượng hình các mỹ nữ múa điệu Aspara thần tiên với đủ mọi dáng dấp, đủ mọi tư thế và các thần sắc khác nhau mà không có một lối kiến trúc nào có thể so sánh.

Với tôi, được đến nơi đây, được chiêm ngưỡng, được chạm tay, được chính tai nghe tiếng gió thổi u   vách đá, luồn qua từng ngóc ngách như đang kể chuyện của năm xưa… Đó quả thật là những trải nghiệm rất đáng quý mà tôi sẽ không bao giờ quên được.

Ngỡ ngàng phế tích Ta Prohm

Và khi Đoàn đến phế tích của kinh thành Khmer cổ - Ta Prohm, tôi như đang bước vào một thế giới khác, khi nơi đây nằm sâu trong rừng cây nhiệt đới, được che phủ dưới những tán cây cổ thụ, mát rượi, xua đi cái bức bối giữa trưa hè dù lúc chúng tôi đến đây, trời đang nắng gắt.

Chưa hết ngạc nhiên với sự đồ sộ của kiến trúc Angkor Thom, tôi lại sững sờ khi nhìn thấy những rễ to, dài, hình thù kỳ quái của các cây “Shralao”ôm gọn cả ngôi đền. Có những nơi, rễ cây đâm thẳng từ trên nóc xuống, hiên ngang tựa như chính chúng mới là trụ cột của cả ngôi đền. Lại có nơi, rễ cây luồn từ bên đây thành lan qua bên kia thành, nối kết thành một chỉnh thể, vừa độc đáo, vừa đẹp. Rồi có những góc, rễ cây vươn dài, xâm chiếm, khi bò ngoằn dưới đất, lúc lại vắt vẻo trên tường thành,trải đều sức nặng của nó dọc trên thành cổ của phế tích, như thể những cây đại thụ này được sinh ra từ ngôi đền, là người canh gác, bảo vệ cho nơi đây.

Bất ngờ với “Xứ sở Chùa Tháp” - 2

Bên cạnh đó, tôi còn được nghe câu chuyện về gian thờ chính – nơi an nghỉ của mẹ Vua Jayavarman VII, vốn được khảm Kim cương và Hồng ngọc khắp bốn mặt tường, nhưng sau cuộc xâm lược của người Myanmar và Thái Lan, giờ đây các bức tường chỉ còn trơ lại với những lỗ tròn đều tăm tắp. Kiến trúc Ta Prohm được chia làm nhiều tháp chính, tháp phụ và các gian điện thờ. Ở vị trí trung tâm của các tháp, đều có các bức tượng thờ… Tuy nhiên, ngày nay ở các gian này chỉ còn lại các Linga và Yoni.

Từ xe Tuk tuk... đến Chợ Côn trùng

Nếu giao thông ở Mỹ có những chiếc taxi vàng là biểu tượng, ở Anh có chuyến xe buýt đỏ thì có lẽ đến Campuchia, chưa từng đi tham quan bằng xe Tuk tuk thì sẽ rất thiếu sót.Vào buổi tối ở tại Siem Riep, Đoàn chúng tôi đã mướn 3 chiếc xe Tuk tuk để ghé thăm Chợ đêm và dạo quanh khu Pub street – Phố Tây. Gọi là chợ đêm, nhưng lại không ồn ào, huyên náo, cách bố trí gian hàng tại chợ đêm Siem Riep gần giống như chợ đêm Kỳ Hòa ở xứ mình, các gian hàng san sát nhau, vây kín những sản phẩm thủ công, nào khăn, giỏ xách, váy áo cho đến các loại mỹ phẩm, hóa phẩm chiết xuất từ thiên nhiên. Không như chợ Mới tại Phnom Penh, người bán thường hay mời gọi du khách đến mua sản phẩm, người bán ở chợ đêm Siem Riep có vẻ… ít nói hơn hẳn, họ để du khách tự do dạo quanh, nhìn ngắm, đến khi du khách dừng lại, cầm lấy một món hàng nào thì họ mới tiến đến hỏi thăm du khách cần gì. Âu đó cũng là một nét duyên ngầm nữa của Campuchia mà tôi phát hiện được.

Hoàn toàn trái ngược với sự yên bình tại khu chợ đêm, Phố Tây Pub Street lại rất náo nhiệt với hàng loạt các quán Bar lớn nhỏ, với đủ các thể loại âm nhạc phù hợp cho từng đối tượng du khách, từ sôi động cho đến trữ tình, nhẹ nhàng vừa đủ nghe để khách có thể trò chuyện cùng nhau.

Rời Siem Riep vào buổi sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục chuyến hành trình về Thủ đô Phnom Penh. Trên đường đi, chúng tôi ghé vào Chợ Côn trùng – điểm đến được nhắc đến nhiều thứ hai sau các di tích văn hóa lịch sử của đất nước Chùa Tháp này. Khi đặt chân đến nơi đây, tôi đã hết sức bất ngờ với những món ăn “lạ” bày bán đầy trong khu chợ tự phát này, bởi các món ăn chế biến từ côn trùng thật sự rất phong phú, nào là dế cơm, nhộng đến con cà cuống, nhái, nhền nhện đủ loại món chiên, xào, dồn đậu phộng...

Chiêm ngưỡng Biểu tượng Chùa Vàng

Khi Đoàn chúng tôi đến Phnom Penh, trời cũng đã về chiều, sau khi nhanh chóng nhận phòng và chuẩn bị, chúng tôi di chuyển qua Đảo Kim Cương, tham quan Khách sạn 5 sao - Sòng bài Naga World. Đây là sòng bài lớn nhất Campuchia và cũng là điểm đến không thể nào bỏ qua khi đến thăm đất nước Chùa Tháp này. Với quy mô rất lớn, nằm ngay tại trung tâm Thủ đô Phnom Penh, cách Cung điện chừng 10 phút đi bộ, Naga World lộng lẫy với vòi phun nước cao cùng hệ thống chiếu sáng rực rỡ, nổi bật nhất. Khu vực đỗ xe chật kín, các bác tài phải nhích từng chút và nương nhau để vào hoặc ra.

Ngày cuối cùng của chuyến đi, chúng tôi tham quan Hoàng Cung Campuchia – nơi sinh sống và làm việc của Hoàng gia. Nếu như ai đã từng đến tham quan Bảo tàng Suvanuvông – vốn cũng là Cung điện của Vua Lào ngày xưa mà thấy ngạc nhiên với những hiện vật bằng vàng được trưng bày, thì khi bước chân đến Hoàng Cung Campuchia ắt hẳn phải ngạc nhiên nhiều hơn thế. Hoàng cung Campuchia được xây dựng với nhiều phòng khác nhau, trước đây du khách có thể được vào tham quan Hoàng cung, nhưng hiện nay, du khách chỉ có thể đứng ở ngoài chiêm ngưỡng kiến trúc bên trong Cung điện, thật đáng tiếc!

Bất ngờ với “Xứ sở Chùa Tháp” - 3

Song song đó, Đoàn chúng tôi ghé tham quan và chiêm ngưỡng nét đẹp quyến rũ, mê người của kiến trúc Chùa Vàng, Chùa Bạc ngay trong Khuôn viên của Hoàng Cung. Tôi như lòa mắt với số lượng những hiện vật bằng vàng cùng sự tinh xảo trong từng đường nét hoa văn chạm trổ, trên ly, trên chén, trên các mũ đội đầu của những vũ công Apsara, trên các đồ dùng hàng ngày trong Hoàng cung… Đó là chưa kể đến, bức tượng Phật bằng vàng nặng 90kg khảm 2086 viên Kim cương -  biểu tượng của Chùa, và cả bức tượng Phật bằng Ngọc lục bảo xanh biêng biếc. Theo lời anh Hướng dẫn Sokli cho biết: Số lượng những đồ vật hiện đang trưng bày tại đây chỉ còn được khoảng 30%. Con số ấy thật đáng ngạc nhiên!

Mỗi công trình ở đây đều có chung một điểm nhấn, đó là những mái nhà cong vút, nhiều tầng, những cảnh chùa được sơn vàng trang nghiêm. Đặc biệt, những bức Phù điêu khắc mỹ nữ Apsara, hình tượng rắn Naga 7 đầu.. mà du khách có thể bắt gặp được ở bất cứ nơi đâu, dù là ở các bức tường ở công viên, trên tường vào khách sạn, quán bar, trên thành cầu… đã tạo thành nét đặc trưng rất riêng cho kiến trúc ở xứ sở Chùa tháp này.

Tất cả những nét đẹp của kiến trúc, của các di sản văn hóa, của những con người tại đất nước Campuchia đã khiến tôi quyến luyến, không muốn rời xa, từng đợt cảm xúc khi đến những nơi khác nhau trong tôi đều nguyên vẹn.  Và tôi muốn mình sẽ nhớ mãi, mình sẽ trở lại nơi đây lần nữa, để được chạm tay vào thành quách của kinh đô xưa cũ, mà nghe tiếng tim mình đập vọng lại, để ánh nắng nơi này hôn lên đôi má và để làn gió nơi đây lướt qua từng ngón tay…

Thiên Di

                               Ảnh: Hữu Long 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo