Khoai mì Củ Chi nặng tình xứ sở

Khoai mì là loại nông sản bình dị của vùng Củ Chi đất thép thành đồng nhưng từ lâu đã trở thành đặc sản, món ngon được nhiều người ưa chuộng. Loại nông sản này có mặt khắp các tỉnh thành nhưng người ta chỉ đặc biệt nhớ đến khoai mì xứ Củ Chi vì xuất xứ và chất lượng vô cùng đặc biệt của nó.

Từ huyền thoại đến ngoại giao

Ai đã từng đặt chân đến di tích địa đạo Củ Chi, chắc chắn đều được thưởng thức qua những củ khoai mì luộc ăn kèm muối mè, được dọn ra trong những căn chòi lá, bên bếp Hoàng Cầm. Củ Chi không thiếu những loại thực phẩm cao sang khác, nhưng tại sao khách đến nơi này đều được giới thiệu thưởng thức món khoai mì luộc?

Trong ký ức của những người cựu chiến binh, Củ Chi xưa là một vùng chiến địa ác liệt. Nhưng bom đạn càng nhiều, những con người của miền đất anh hùng này càng kiên cường hơn. Địa đạo Củ Chi với những con đường hầm độc đáo được đào sâu dưới lòng đất là minh chứng cho hào khí của người miền Đông, khiến cả thế giới phải sửng sốt. Người nước ngoài như không tin nổi khi được kể về những cây khoai mì trồng ngay miệng hố bom, cho ra những củ khoai mì chắc nịch dưới lớp đất tơi xốp.

khoai mi cu chi nang tinh xu so - 1

Khoai mì và bột khoai mì. Ảnh: Shutterstock

Những củ khoai với lớp vỏ sần sùi ấy chính là cứu tinh cho bao người lính khi kẹt dưới làn bom, không thể nhận tiếp tế lương thực. Từ những hầm địa đạo trú ẩn, tránh bom, những chiếc bếp Hoàng Cầm ra đời. Trên chiếc bếp độc đáo này, những củ mì được luộc vội vàng. Khói từ bếp theo đường dẫn sang một hầm chứa khói, rồi len lỏi thoát ra qua những lỗ thông khí sát mặt đất.

Ai mà ngờ được, những vệt “sương mù” bay là đà sát mặt đất đó lại là khói bếp. Cũng đâu ai ngờ được, có khi cả đại đội chỉ còn một lon gạo ít ỏi cuối cùng, phải nấu cháo loãng, nhường phần nước cháo quý giá đó cho những ai đang bị thương. Ai còn khỏe thì ăn tạm khoai mì lót dạ. Những củ mì luộc vội dưới lòng đất giúp những chiến sĩ no bụng, cầm cự trong những ngày gian khổ đó, làm sao họ có thể quên được.

khoai mi cu chi nang tinh xu so - 2

Món khoai mì thời chiến phục vụ du khách tại địa đạo Củ Chi ngày nay. Ảnh: Shutterstock

Sau này, những vị chính khách nước ngoài khi đến thăm địa đạo Củ Chi đều ngạc nhiên thích thú với món ăn “ngoại giao” độc nhất vô nhị này. Họ không thể ngờ thứ củ màu trắng ngà chắc nịch ấy nhìn thô mộc đơn giản mà lại chứa trong mình sự ngon ngọt, dẻo thơm. Những củ khoai sần sùi của vùng đất này cũng đã đi vào tâm thức của những người con xứ sở. Dù đi đâu, người Củ Chi cũng cố gắng mang theo những món ngon chế biến từ đặc sản khoai mì để lan tỏa món ngon quê xứ.

Khoai mì thời chiến góp phần vào những chiến công thì ở thời bình, nó tiếp tục giúp người dân Củ Chi cải thiện cuộc sống. Vùng đất này trước đây là thủ phủ khoai mì, có những rẫy khoai tư nhân lên đến 10 hecta. Nhờ đất đai và thổ nhưỡng phù hợp, chỉ ở vùng đất này, khoai mì mới trổ ra hết sự ngon ngọt của mình, không vùng nào sánh bằng.

Những món ngon “quên trời đất”

Từ địa phận Hóc Môn trở lên Củ Chi, dọc hai bên đường ta dễ dàng bắt gặp những xe bán khoai mì hấp. Đây là cách ăn đơn giản nhất, nhanh gọn, không cầu kỳ. Khoai mì sau khi lột lớp vỏ xấu xí bên ngoài thì lộ ra lõi khoai trắng nõn nà, láng mịn thật đẹp mắt. Sau khi được rửa sạch, ngâm với ít muối xả hết độc tố trong 4 – 6 giờ, khoai mới được mang đi hấp bằng xửng, thêm mấy cọng lá dứa tạo mùi thơm. Khoai mì chín sẽ có độ dẻo và hơi bở. Nhón miếng khoai chấm muối mè, hoặc chan thêm muỗng nước cốt dừa thơm béo là đủ ngon quên trời đất.

Nhưng có một bí mật nhỏ mà chỉ ai là dân Củ Chi chính gốc mới biết: thật ra ăn khoai mì Củ Chi phải chấm với… muối ớt, nó mới thật đã đời!

khoai mi cu chi nang tinh xu so - 3

Món bánh tằm từ khoai mì. Ảnh: Trần Huyền Trang

Một món dân dã khác từ khoai mì đã in đậm trong hồi ức tuổi thơ của bao nhiêu người miền Nam: bánh tằm khoai mì. Bánh tằm được hấp từ khoai mì mài nhuyễn, pha trộn thêm màu tự nhiên từ lá dứa, lá cẩm tím, trái gấc chín, hạt dành dành, hoa đậu biếc…Những sợi bánh nhiều màu sắc đẹp đẽ, cắt sợi ngắn, thuôn như con tằm. Bánh tằm khoai mì dẻo mềm, được trộn cùng dừa nạo, ăn kèm muối mè, cho ra một thứ mỹ vị bình dân nhưng rất ngon: vị béo của nước cốt dừa, vị bùi của mè rang, vị thơm của lá dứa, dừa nạo…

Thứ bánh dân dã này quen thuộc không chỉ ở Củ Chi mà còn lan rộng khắp Nam Bộ nói chung. Tuổi thơ của những thế hệ 7X,8X miền Nam, hầu như ai cũng từng được thử qua món bánh này - trên mâm bánh của các dì các cô ngay cổng trường, trong chợ, đâu đó trên đường… Mớ bánh xanh đỏ tím vàng thấp thoáng trong gói lá chuối tươi rói, ngon không cưỡng nổi.

khoai mi cu chi nang tinh xu so - 4

Không ai nghĩ món bánh đẹp đẽ này được làm từ khoai mì. Ảnh: Shutterstock

Bánh khoai mì cay – món ăn vặt khoái khẩu của nhiều người. Bánh này thường được bán kèm món chuối chiên, rất ngon, bắt vị. Khoai mì cay cũng giống bánh tằm, sử dụng khoai mì mài nhuyễn, vắt sạch nước cho ra một thứ bột mịn, dẻo. Sau đó, một ít gia vị sẽ được trộn cùng bột này, như bột nghệ cho bánh có màu vàng ruộm, hành lá xắt nhuyễn, hạt nêm, sả bằm, ớt bằm.

Hỗn hợp này được trộn đều, sau đó tạo hình thành những viên khoai mì thuôn dài vừa phải, chiên ngập dầu đến khi vàng giòn. Có một bí kíp để món bánh chiên xong để lâu không bị chai cứng: trộn khoai mì mài cùng một ít củ khoai mì đã hấp chín.

Nhân tiện, món chuối chiên cũng được biến tấu cùng khoai mì cho “có chị có em” với món khoai mì cay. Nếu bạn chưa được ăn món chuối chiên với lớp bột bọc bên ngoài là khoai mì thì hẳn là đáng tiếc. Lớp bột khoai mì áo bên ngoài trái chuối, khi chiên lên sẽ có độ dẻo, mềm và ngon hơn rất nhiều so với bột mì.

Sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến món bánh ít khoai mì. Thay vì bột nếp, bánh ít sẽ được làm từ bột khoai mì mài, bên trong là lớp nhân dừa hoặc đậu. Bánh ít khoai mì có kết cấu đẹp mắt, ít bị chảy nhão như bánh ít bột nếp. Vì vậy mà ngày càng nhiều người ưa chuộng loại bánh này hơn cho các đám tiệc hoặc cúng rằm, lễ lạt.

khoai mi cu chi nang tinh xu so - 5

Chè khoai mì. Ảnh: Shutterstock

Ngoài ra, món chè khoai mì với hai cách nấu: viên tròn từ bột khoai mì mài, hoặc xắt khoanh từ củ khoai mì tươi cũng rất ngon. Chè khoai mì cũng được xếp vào danh sách chè ngon Nam Bộ vì sự ngon rất đặc biệt của nó.

Một món đặc biệt từ khoai mì ít ai nghĩ tới cũng đã có mặt xứ Củ Chi: chả giò khoai mì. Đây không phải là món dễ làm, chưa phổ biến rộng rãi. Tôi biết qua món này trong một lần ghé nhà hàng Củ Mì trên đường lên Củ Chi. Chỉ một từ thôi: ngon! Vậy nên, nó được xem là món “đinh” của nhà hàng “đặc sệt” Củ Chi này.

Từ khoai mì, người quê xứ đã sáng tạo ra biết bao nhiêu là món ngon. Trong ngày hội văn hóa, ẩm thực và du lịch huyện Củ Chi được tổ chức tại Công viên văn hóa Củ Chi tháng 9/2022, du khách được thưởng thức đến 35 món ăn chế biến từ khoai mì. Một con số rất ấn tượng, như một vẻ đẹp bình dị nhưng thật đặc biệt của ẩm thực xứ nhà.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trần Huyền Trang

CLIP HOT

Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa
Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa

Ăn một miếng phở Vân Cù, người sành ăn sẽ nhận ra thứ hương vị, bánh phở không giống với bất cứ một loại phở nào. Vị ngọt đậm, béo nhưng thanh của nước dùng “quyện” trong từng sợi phở dai, giòn, bóng mướt.