ẨM THỰC ĐƯỜNG PHỐ SÀI GÒN

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Khách du lịch nước ngoài khi ghé thăm thành phố Hồ Chí Minh, ngoài việc bị chinh phục bởi vẻ đẹp hiện đại, năng động toát lên trong từng nét công trình kiến trúc của thành phố cùng sự thân thiện, cởi mở và mến khách từ những người con của mảnh đất Sài Thành, họ còn ấn tượng với ẩm thực đường phố của nơi này nhờ vào sự tươi mới, ngon miệng nhưng giá thành lại cực rẻ của những món ăn được chế biến trông có phần đơn giản.

Dạo một vòng khắp các nẻo đường phố thị, từ khu vực trung tâm cho đến ngoại thành, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh một tiệm bánh mì nườm nượp khách ra vô, một quán chè với đủ loại món ngọt đầy màu sắc, một quầy hàng bánh tráng trộn thơm cay hay một xe đẩy hủ tiếu gõ với nồi nước lèo nghi ngút khói...

Bánh tráng trộn

Món ăn này là một biến thể khác của món gỏi đu đủ (có nơi gọi là gỏi khô bò), quen thuộc với hầu hết các bạn học sinh, sinh viên đang học tập và sinh sống tại Sài Gòn, thậm chí là ngay cả với những người trưởng thành.

Nếu như thành phần chính của gỏi đu đủ là phần ruột đu đủ non được bào thành từng sợi mỏng dùng để làm gỏi thì với món bánh tráng trộn, bánh tráng sẽ được cắt nhỏ thành từng sợi dài, hơi to để khi trộn bánh không bị nát. Sau đó, người bán sẽ thêm vào một chút xoài xanh chua chua đã được gọt vỏ và bào thành sợi, thịt khô bò xé nhuyễn cay nồng mùi ngũ vị, một nhúm chà bông (ruốc thịt) mằn mặn, rau răm xắt nhỏ, một vài cọng hành phi thơm phức cùng một muỗng mỡ hành bóng bẩy. Tất cả những nguyên liệu đó được đem trộn chung với hai đến ba muỗng sa tế hoặc nước tương pha chua ngọt, chờ cho bánh tráng thấm đều là dùng được.

Để tăng thêm độ ngon cho món bánh tráng trộn, người bán thường bỏ thêm vào đó hai quả trứng cút đã được luộc chín và bóc vỏ sạch sẽ cùng một chút đậu phộng rang giòn giã nhuyễn. Hoặc có nơi, người bán sẽ thêm vào một ít bơ béo ngậy giúp gợi thêm phần hấp dẫn nơi món ăn. Nếu như ngày xưa “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì ngày nay, ở chốn đô thị nhộn nhịp này, bánh tráng trộn là thứ quà vặt không thể thiếu trong những buổi họp mặt bạn bè. Từng kỷ niệm, hồi ức đẹp đẽ một thời song hành bên dĩa bánh tráng trộn giòn tan như tiếng cười đùa hồn nhiên của những người trẻ tuổi.

ẨM THỰC ĐƯỜNG PHỐ SÀI GÒN - 1

Bánh mì kẹp

Là một trong những món ăn đường phố quen thuộc với cuộc sống bề bộn, tất bật của người Việt Nam nói chung, món bánh mì kẹp giờ đây đang từng ngày “đốn tim” các thực khách nước ngoài bởi do hương vị của chính những nguyên liệu dân dã quê hương gói gọn trong từng chiếc bánh mì nhỏ bé.

Cần phải nói rằng, bánh mì vốn dĩ là một món ăn đến từ phương Tây, du nhập vào nước ta trong giai đoạn thực dân Pháp đô hộ. Thế nhưng, nhận thấy khẩu vị không phù hợp với đại đa số người Việt nên nó đã được chế biến lại, có thêm phần nhân thịt và đủ loại rau mùi ăn kèm. Khách nước ngoài khi thưởng thức món bánh mì kẹp thường hay ví von nó như kiểu bánh hamburger trong các cửa hàng thức ăn nhanh của họ.

Khác biệt ở đây là lớp vỏ bánh vàng ươm, giòn tan chứ không mềm xốp, chỉ chực chờ vỡ vụn ra trong miệng khi ta cắn miếng đầu tiên. Lớp ruột mềm mại bên trong bánh thấm đều mùi vị của thịt mỡ, của những lát chả lụa được cắt mỏng, của bơ và patê bùi bùi beo béo cùng với vị cay nồng của ớt và mùi thơm của các loại rau như hành, ngò, dưa leo… Tất cả hòa quyện vào nhau tạo thành một “bản giao hưởng” hoàn hảo giữa ẩm thực phương Tây và tinh túy ẩm thực Việt Nam.

Năm 2015 đánh dấu một bước ngoặt lớn đối với không chỉ nền văn hóa ẩm thực nước nhà mà còn ngay cả với chiếc bánh mì kẹp. Bởi từ khắp các diễn đàn du lịch hay các trang báo về ẩm thực, đâu đâu cũng thấy cái tên “bánh mì Việt Nam” nằm trong danh sách các món ăn đường phố được du khách thế giới yêu chuộng.Vậy nên mới có câu “con đường ngắn nhất để đến với trái tim là qua dạ dày” mà.

ẨM THỰC ĐƯỜNG PHỐ SÀI GÒN - 2

 Há cảo

Há cảo là một món ăn vặt và cũng thường được xem là món điểm tâm khá phổ biến với người Sài Gòn. Có nguồn gốc từ Trung Quốc, món ăn này du nhập vào Việt Nam kể từ khi người Hoa lần đầu di cư sang lãnh thổ nước ta trong giai đoạn từ năm 1627 đến năm 1775 mà sử học gọi là “Trịnh – Nguyễn phân tranh”.

Đối với người Hoa, há cảo là món thường được dùng trong dịp năm mới. Lớp vỏ bánh được nặn từ bột gạo và bột năng, có màu trắng tinh tươm bao bọc lấy phần nhân tôm thịt nằm lọt thỏm bên trong tượng trưng cho sự đoàn tụ, sum vầy của cả một gia đình tứ đại đồng đường trong những ngày đầu năm.

Ở Sài Gòn, nhất là khu vực quận 5 và quận 6, nơi tập trung nhiều người Hoa sinh sống và lập nghiệp, các quán điểm tâm ở đây nhiều vô số kể và món há cảo gần như luôn hiện diện trong thực đơn của các quán này. Bánh há cảo thường được hấp chín (có nơi lại đem chiên giòn), ăn kèm với nước tương pha chua cay. Chỉ cần cắn vào một miếng, vị ngọt tiết ra từ thịt tôm quyện vào phần vỏ bánh dai dai cùng một chút chua chua cay cay từ nước chấm đủ sức làm thỏa lòng ngay cả những thực khách khó tính nhất.

 ẨM THỰC ĐƯỜNG PHỐ SÀI GÒN - 3

Hủ tiếu gõ

Khi mặt trời khuất bóng, phố xá đã lên đèn thì cũng là lúc những chiếc xe đẩy hủ tiếu gõ quen thuộc trong cùng khắp các con hẻm của thành phố Sài Gòn cất lên tiếng kêu lóc cóc vui tai, tiếp tục những tháng ngày mưu sinh vất vả.

Chẳng ai biết hủ tiếu gõ có mặt ở mảnh đất Sài Thành này từ bao giờ và tự lúc nào nó đã trở thành một nét văn hóa ẩm thực đường phố không thể thiếu trong đời sống người dân nơi này. Gọi nôm na theo kiểu bình dân là “hủ tiếu gõ” thế thôi chứ thật ra nó trông cũng chẳng khác những quầy hàng hủ tiếu cố định là bao.

Nhìn thoáng qua, xe bán hủ tiếu gõ có phần rất đơn giản. Chỉ cần trên xe có một chỗ tương đối rộng để trang bị bếp lò với một nồi to đựng nước lèo luôn tỏa khói ngào ngạt đặt bên trên, bên cạnh chỗ bếp là một cái tủ lớn vừa phải, được phân ngăn để đựng tô, muỗng đũa, gia vị, hủ tiếu và mì.

Tô hủ tiếu gõ trông cũng giản dị như thế, gói gọn chỉ khoảng độ một vắt hủ tiếu hoặc mì, kèm thêm một nhúm giá đỗ, vài lát thịt heo xắt mỏng dính, một ít hẹ, một ít hành phi cùng vài miếng tóp mỡ beo béo. Tất cả những thứ nguyên liệu đó được chan hòa trong cái vị thanh và ngọt của thứ nước dùng hầm từ xương heo, củ cải trắng, đường và bột ngọt nêm vừa phải. Đối tượng phục vụ chính của những xe bán hủ tiếu gõ là học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp hay những người thường làm việc về khuya.

Mỗi hàng hủ tiếu gõ, thông thường, sẽ có một cậu bé vóc dáng nhanh nhạy, tay cầm hai thanh gỗ hoặc hai thanh sắt gõ lóc cóc vào nhau, cứ thế len lỏi đi khắp các con hẻm “chào hàng”. Thực khách từ trong nhà, nghe tiếng khua, chạy ra gọi hủ tiếu. Thế là, cậu nhóc sẽ quay về với xe đẩy hủ tiếu gõ của mình để chuyển lời gọi thức ăn đến người chủ và một lát sau, tay bưng một tô hủ tiếu nóng hổi, thơm phưng phức mùi hành phi, chanh, ớt... lại tận nhà cho người mua rồi lại tiếp tục hành trình “lóc cóc” của mình.

Đôi khi, thứ đơn giản nhất lại là thứ tốt nhất. Với hủ tiếu gõ, tuy mộc mạc là thế, nhưng nó lại là một món ăn đủ sức khiến bao người, dù ở tầng lớp nào đi chăng nữa cũng cảm thấy hài lòng.

ẨM THỰC ĐƯỜNG PHỐ SÀI GÒN - 4

Các món chè

Tuy không được xem là xứ sở của các món chè ngọt như ở Huế, nhưng trên hầu hết mọi ngóc ngách thuộc địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, hình ảnh các quán chè với đủ màu sắc rực rỡ lại rất dễ dàng được tìm thấy.

Chè là thứ món ngọt cực kì phổ biến trong văn hóa ẩm thực của Việt Nam, thường được dùng làm món tráng miệng trong thực đơn ở các buổi tiệc chiêu đãi tại nhà hàng. Nhìn chung, đây là một món nước mà trong đó, thành phần nguyên liệu không thể thiếu lại chính là đường ăn.

Chè rất đa dạng về thể loại cũng như cách chế biến. Chính vì vậy, nguyên liệu để làm nên một chén chè ngọt ngào, thơm ngon kể ra cũng rất phong phú, từ các loại đậu, hạt, gạo, nếp, ngũ cốc, trái cây, củ cho đến cả trứng và thịt rán (thường thấy ở các quán chè Huế).

Các quán chè Sài Thành cũng phần nào đa dạng không kém những món chè. Ở khu vực quận 5 và quận 6 của thành phố, khu vực sinh sống chủ yếu của người Hoa, thường có rất nhiều quán chè Tàu, phân bố rải rác khắp cả hai quận.

Các món chè do người Hoa làm vừa ngon mà lại bổ dưỡng, thường có tác dụng thanh nhiệt cơ thể, ví dụ như sâm bổ lượng, chè hột gà… Điểm khác biệt lớn nhất ở các món chè Tàu là không có nước cốt dừa đi kèm.

Còn ở các quận thành khác, hầu hết những quán chè đều mang phong vị dân dã miền Nam Bộ, với đủ loại như chè đậu xanh, chè trôi nước, chè chuối, chè bưởi… đã quá quen thuộc với người Sài Gòn. Không kể gần đây, một số loại chè ngọt từ nước bạn như Thái Lan đã du nhập vào thành phố Hồ Chí Minh. Với mùi sầu riêng béo ngậy đặc trưng lan tỏa trong từng muỗng chè sẽ khiến cho những tín đồ hảo ngọt khó lòng mà cưỡng lại.

ẨM THỰC ĐƯỜNG PHỐ SÀI GÒN - 5

Nguyễn Trường

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo