4 chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam:

4 chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam

Hoạt động khá đa dạng, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, phát triển Hội viên của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đã là bạn đồng hành cùng các doanh nghiệp Du lịch trên cả nước. Trong ngày đầu Xuân mới Giáp Ngọ - 2014, Phóng viên Tạp Chí Du lịch TPHCM đã có cuộc gặp gỡ, phỏng vấn Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam:

— Phóng viên: Trong năm 2013, hoạt động của Hiệp hội Du lịch Việt Nam trên tầm cả nước, đã gặt hái thành tích gì cho sự phát triển du lịch Việt Nam?

4 chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam - 1-  Ông Nguyễn Hữu Thọ: Nhiệm kỳ III của Hiệp hội Du lịch Việt Nam khởi đầu từ năm 2011, đã xác định rõ chiến lược hoạt động là “liên kết” giữa Bộ VHTTDL – Tổng Cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Hiệp hội Du lịch Việt Nam là cánh tay nối dài của Bộ VHTTDL phối hợp với Tổng Cục Du lịch và là cầu nối của các Doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng thời, các chiến lược liên kết phát triển với các Hiệp hội Du lịch trong nước và các tổ chức Du lịch quốc tế.

Năm 2013, Hiệp hội Du lịch Việt Nam có nhiều hoạt động sôi nổi, đã thực sự giúp cơ quan định hướng và quản lý Nhà nước của Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch và các Doanh nghiệp Du lịch Việt Nam. Tạo cơ hội mới phát triển như Bảo vệ quyền lợi Doanh nghiệp Du lịch, trong bối cảnh còn thiếu các văn bản Luật pháp hỗ trợ cho các Doanh nghiệp hoạt động du lịch như: thuế đất, vận chuyển, chế độ miễn giảm Visa Du lịch. Đặc biệt là việc tổ chức tốt các tuyến điểm du lịch quốc gia hấp dẫn giới thiệu với các Tổ chức du lịch quốc tế.

Trong năm qua, các Hội nghị xúc tiến, quảng bá  về công tác phát triển Ngành Du lịch Việt Nam đã được tổ chức tại TPHCM, Đà Nẵng và Hà Nội. đã được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ TT-TT, Bộ VHTTDL, Sở VHTTDL, Tổng Cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam, để có sự thông suốt, đề xuất xin miễn giảm Visa 7 nước đã được Nhà nước ủng hộ.

Đặc biệt, năm 2013 cũng là năm đầu tiên Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Triển lãm Hội chợ Du lịch Quốc tế lần thứ I (VITM) tại Hà Nội đã có sự tham gia trưng bày của 400 gian hàng, trong đó có các gian hàng triển lãm của 25 Quốc gia và Vùng lãnh thổ: Thái Lan, Lào, Campuchia, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Philippines, Indonesia… Theo kế hoạch, vào tháng 4 năm 2014, Triển lãm Hội chợ Du lịch quốc tế lần 2 tổ chức tại Hà Nội, dự kiến có sự tham gia của 50 gian hàng quốc tế và Vùng lãnh thổ, cùng các Doanh nghiệp Du lịch trong nước. Ban Tổ chức sẽ thực hiện nhiều chuyến Farmtrip cho các doanh nghiệp quốc tế ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam,  để các Doanh nghiệp  quốc tế có điều kiện tạo mối quan hệ, liên kết với Ngành Du lịch địa phương.

— Để hấp dẫn du khách nước ngoài đến Việt Nam nhiều hơn nữa  theo Ông, Ngành Du lịch Việt Nam cần tập trung vào lĩnh vực nào?

- Tất cả quốc gia trên Thế giới khai thác Du lịch đều tập trung vào 4 chiến lược:

1. An ninh, an toàn: Để du khách yên tâm, có cơ chế bảo vệ du khách. Vừa qua, ngày 4/11/2013  tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Tổng Cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã đề xuất thành lập Trung tâm Bảo vệ Du khách, Chính phủ, Bộ đã thống nhất cao và là mô hình chủ đạo cần triển khai ở các địa phương khác… Trên thế giới, việc bảo vệ -  an ninh – an toàn cho du khách quốc tế phải có tổ chức riêng, như các nước có Cảnh sát Du lịch (CSDL) như Thái Lan, Campuchia, Singapore…Vì cơ chế nước ta hiện nay chưa đủ điều kiện để thành lập CSDL như ở nước bạn, nhưng tại TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác đã có sáng kiến thành lập Lực lượng Bảo vệ Du khách với cùng mục đích và nhiệm vụ như CSDL. Để tạo an toàn – an tâm cho du khách quốc tế, các Trung tâm Bảo vệ Du khách trên cả nước dự kiến chọn 1 số Điện thoại Khẩn cấp 119 (cộng với mã vùng) để kịp thời hỗ trợ du khách khi cần thiết.

2. Sản phẩm Du lịch: Việc du khách lựa chọn đến địa điểm du lịch nào, không phải là vì dự định ban đầu, mà là tìm một nơi phù hợp với sở thích của họ. Thí dụ, du khách thích chơi Golf sẽ tìm đến điểm đến nào có sân golf đẹp;  hoặc thích Spa thì sẽ tìm đến nơi có dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sử dụng các loại thảo dược thiên nhiên; Chính vì vậy, một tuyến điểm hấp dẫn là một tuyến điểm có nội dung phù hợp với ý thích của du khách. Bên cạnh đó, còn phải nhờ vào các chất lượng dịch vụ du lịch ở nơi lưu trú Khách sạn, Nhà hàng, và chất lượng dịch vụ khác như vận chuyển, giao thông vận tải, visa để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách khi đến Việt Nam. Xây dựng sản phẩm mới phải có ý thức bảo vệ môi trường

3. Chiến lược quảng bá, tiếp thị:  Khi đã có được những yếu tố trên, việc xây dựng chiến lược quảng bá là bước kế tiếp cần phải thực hiện, nhưng cần phải quảng bá, xây dựng chiến lược tiếp thị với kế hoạch cụ thể cho từng địa phương.

4. Nguồn nhân lực: Cần đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên du lịch chuyên nghiệp, có ngoại ngữ giỏi, có khả năng tiếp cận kiến thức nhân loại, hội nhập nhanh. Mỗi đơn vị, Công ty có nguồn nhân lực có ngoại ngữ thông thạo, sẽ làm tăng giá trị tài sản hàng triệu đô la.

4 chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam - 2
Thác Bản Giốc. Ảnh: Nguyễn Quang Lam

— Ông có nhận xét gì về Ngành Du lịch TPHCM trong các hoạt động đa dạng và nhạy bén phục vụ du khách nội địa và quốc tế?

-  TP Hồ Chí Minh là đơn vị Du lịch lớn nhất nước, có sự chỉ đạo sâu sát và nhạy bén của Thành Ủy, UBND TPHCM và sự năng động, sáng tạo của Sở VHTTDL TPHCM, Hiệp hội Du lịch TPHCM và các doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp Du lịch lớn mạnh đều đóng chân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một lực lượng giỏi, năng động, sáng tạo, tạo sự sôi nổi, phối hợp phát triển Du lịch trên cả nước. Trong năm 2013, đã có nhiều hoạt động có sức lan tỏa đến các vùng, miền Du lịch trên cả nước, giúp các doanh nghiệp Du lịch đoàn kết, phát triển. Đặc biệt  TPHCM cần tăng cường chiến lược bảo vệ an ninh – an toàn cho du khách quốc tế. Tháng 10/2013, Ngành Du lịch Thái Lan đã tổ chức Hội nghị Bảo vệ Du khách, đến tham dự có lãnh đạo Cảnh sát Du lịch quốc tế, các doanh nghiệp. TPHCM đạt số lượng 4,1 triệu khách quốc tế trong năm 2013, chúng ta cần có kinh nghiệm thực tiễn, phát triển và xây dựng an ninh – an toàn cho du khách quốc tế đến Việt Nam – TP. Hồ Chí Minh. Nếu TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Quốc tế này, sẽ là dịp để thế giới khẳng định Việt Nam là đất nước an ninh - an toàn – thân thiện, dư luận và truyền thông thế giới sẽ góp phần quảng bá cho Du lịch Việt Nam – TP. Hồ Chí Minh.

— Ông có tâm sự gì nhân ngày Tết với các doanh nghiệp du lịch trên cả nước?

- Tiềm năng Du lịch quốc gia, địa phương trong kế hoạch chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt đến năm 2020,  tầm nhìn đến 2030. Thực sự tiềm năng Du lịch Việt Nam không thua bất cứ nước nào trên khu vực Châu Á và thế giới, có nơi còn nổi trội hơn như Đồng bằng Sông Cửu Long – Tây Bắc – Sapa, Duyên hải miền Trung, Đồng bằng Sông Hồng. Riêng với Sapa, vừa qua chính phủ đã chỉ đạo quyết tâm bảo vệ môi trường và an ninh, an toàn trước sự kiện xây dựng hệ thống Cáp treo Sapa dài 7km, với sự đầu tư của quốc tế là 36 triệu  USD. Hiện nay, là thời đại công nghệ thông tin, nên các Doanh nghiệp Du lịch Việt Nam đều cần phải cơ cấu lại tài chính, hoạt động kịp thông tin thời đại. Chúng ta phải cơ cấu lại để kinh tế Du lịch phát triển, tiềm năng trở thành thế mạnh phải đạt 4 yếu tố chiến lược, tạo bước nhảy vọt cho Du lịch Việt Nam. Trong khu vực ASEAN, 5 quốc gia đạt số lượng khách quốc tế cao: 1-Malaysia, 2-Thái Lan, 3-Singapore, 4-Indonesia, 5-Việt Nam. Chúng ta phấn đấu trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn nhất khu vực.

Ÿ Ông là thành viên trong Hội đồng Cố vấn của Tạp Chí Du lịch TPHCM  trong nhiều năm qua, Ông có điều gì tâm đắc?

- Tạp Chí Du lịch TPHCM  hiện nay, là bước phát triển của Tạp chí Người Du lịch của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, được Bộ Văn hóa-Thông tin và UBND TPHCM cấp Quyết định thành lập được xuất bản từ năm 1994. Đến năm 1997, Tạp Chí Người Du lịch được chuyển về Sở Du lịch TPHCM, đổi tên thành Tạp Chí Du lịch TPHCM. Từ ấy đến nay, Tạp Chí Du lịch TPHCM đã tròn 20 tuổi. Sự tồn tại và phát triển của  Tạp Chí Du lịch TPHCM  cùng trang web www.tcdulichtphcm.vn  hiện nay cho thấy tập thể Cán bộ lãnh đạo, Phóng viên, Tạp Chí Du lịch TPHCM hết sức yêu Ngành, yêu Nghề, đã quyết tâm phấn đấu trong 20 năm qua. Tập thể đã cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của Ngành Du lịch Việt Nam,Ngành Du Lịch TPHCM. Văn hóa kiệt xuất Nguyễn Công Trứ đã nói: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả. Anh hùng hào kiệt có hơn ai”! Theo tôi, sự gian khổ là cần thiết để có thể thành công hôm nay. Tôi may mắn là người gắn bó với Tạp Chí từ năm 1994 đến nay – 2014. Mong rằng dịp Kỷ niệm 20 năm hình thành và phát triển Tạp Chí Du lịch TPHCM, có thêm những thành tích mới. Xin chúc mừng năm mới đến Ban Biên tập, Phóng viên, Tạp Chí Du lịch TPHCM, Năm mới Giáp Ngọ - 2014: Sức khỏe-Thành đạt!

Ÿ Xin cám ơn Ông, Kính chúc Ông cùng các thành viên Hiệp hội Du lịch Việt Nam năm mới, thắng lợi mới!

VŨ THÙY CHINH
(Thực hiện)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT