TP.Hồ Chí Minh: Triển lãm “Những phác thảo của Họa sĩ Nguyễn Gia Trí”

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất của cố Doanh họa Nguyễn Gia Trí (20/6/1993 – 20/9/2013), sáng ngày 28/6/2013, tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đã tổ chức cuộc Triển lãm ảnh chuyên đề “Những phác thảo của Họa sĩ Nguyễn Gia Trí trong sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM”.

TP.Hồ Chí Minh: Triển lãm “Những phác thảo của Họa sĩ Nguyễn Gia Trí” - 1

Triển lãm ảnh giới thiệu 95 phác thảo trên giấy scan của Họa sĩ trong sưu tập của Bảo tàng cùng một số kỷ vật, hình ảnh và tư liệu trình bày theo chủ đề, thành một câu chuyện nghệ thuật với mong muốn phần nào hé mở cho người xem những hiểu biết khách quan và chính xác về quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật, cũng như tâm hồn của người nghệ sĩ tài ba, đã cống hiến cả cuộc đời nghệ thuật, là người đã có công rất lớn trong việc xây dựng nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại từ nửa đầu thế kỷ XX cho đến tận ngày nay và mãi về sau.

TP.Hồ Chí Minh: Triển lãm “Những phác thảo của Họa sĩ Nguyễn Gia Trí” - 2

Bà Mã Thanh Cao – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, cho biết: Năm 1990, Bảo tàng thật may mắn có được bức tranh “Vườn Xuân Trung- Nam- Bắc”, tác phẩm lớn nhất, cuối cùng như một sự tổng kết  những tìm tòi, khám phá về chất liệu sơn mài, đỉnh cao của lòng tự hào và tình yêu dân tộc sâu sắc. Trong khán phòng hôm nay, có những người gắn bó với Bảo tàng ngay từ khi thành lập, chắc không thể quên tâm trạng hồi hộp khi một cuộc “bút chiến” xảy ra; giữa một bên muốn Thành phố mua tranh này cho Bảo tàng, và một bên không đồng ý, vì dân còn nghèo! Hôm nay, chúng tôi không cần nói gì vì ai cũng thấy mua là đúng, cơ hội ngàn vàng đã không bị bỏ qua. Khi đó, chúng tôi rất cảm động khi gia đình còn tặng cho Bảo tàng 61 phác thảo nữa. Và năm 2010 (sau 20 năm) với nhiều lần thăm hỏi va mong đợi Bảo tàng lại có thêm những phác thảo của họa sỉ từ gia đình, Bảo tàng được gia đình nhượng lại 72 phác thảo tư liệu của họa sĩ, không tả hết nỗi vui mừng của những người làm Bảo tàng khi sưu tầm được những hiện vật quý hiếm. Lần nầy mọi việc diễn ra suôn sẻ, chúng tôi không phải hồi hộp nhiều như lần trước, vì Hội đồng Khoa học của Bảo tàng và Hội đồng Thẩm định của Thành phố thống nhất tuyệt đối, nên chúng tôi được UBND TPHCM cấp tiền sưu tầm sau khi hoàn tất quy trình sưu tầm. Hôm nay, tổ chức trưng bày bộ sưu tập những phác thảo của Danh họa Nguyễn Gia Trí, là Bảo tàng đã thực hiện lời hứa với gia đình Danh họa Nguyễn Gia Trí từ năm 2010.  Đó cũng là trách nhiệm của Bảo tàng trong việc phát huy giá trị của di sản văn hóa nghệ thuật,  giới thiệu rộng rãi đến công chúng yêu nghệ thuật hội họa. Ông cũng đã được giới nghệ thuật xếp hạng nhất trong “bộ tứ” về mỹ thuật “Nhất Trí, Nhì Lan, Tam Vân, Tứ Cẩn”. Ông là một trong những người đưa tranh sơn mài trở thành tranh mỹ thuật, đáng tự hào, Ông cũng là thế hệ Họa sĩ đầu tiên của mỹ thuật Việt Nam hiện đại,  đã tạo ra một diện mạo mới cho nên mỹ thuật Việt Nam. Tác phẩm của Ông luôn được ưa thích, nhiều khi chưa xong đã có người mua rồi. Vì vậy, tranh của Ông ở Việt Nam chỉ là một phần trong kho tàng mà suốt đời Ông sáng tác”.

TP.Hồ Chí Minh: Triển lãm “Những phác thảo của Họa sĩ Nguyễn Gia Trí” - 3

Doanh họa Nguyễn Gia Trí sinh ngày 6/10/1908 tại Hà Tây (tức Hà Nôi ngày nay). Ông theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa IV (1928-1933) nhưng nửa chừng thì gián đoạn và quay trở lại học vào khóa VII (1931-1936). Ông được xem là người đi đầu của Hội họa Sơn mài Việt Nam. Ngay từ thời Sinh viên, Nguyễn Gia Trí đã say mê với chất liệu sơn ta truyền thống và là người có công lớn trong việc cải tiến, hoàn thiện chất liệu sơn mài trong hội họa. Những triển lãm đầu tiên của Danh họa Nguyễn Gia Trí trong năm 1938-1939 đã thu hút nhiều sự quan tâm và ủng hộ của công chúng. Từ năm 1954,  Ông chuyển vào Sài Gòn (TP.HCM hiện nay) sinh sống và làm việc. Những năm 1960-1970,  tác phẩm nghệ thuật của Ông có xu hướng thiên sang trừu tượng, với những thử nghiệm độc đáo và đầy chất liệu sơn mài đi xa hơn. Tuy nhiên, ở giai đoạn cuối đời Ông lại quay về với phong cách hiện thực lãng mạn của những năm 1940. Nguyễn Gia Trí dành cho nghệ thuật một tình yêu lớn. Ông từng nói: “Tôi quý trọng tự do hơn tiền bạc, để sống tự do và lương thiện, để được sáng tạo nghệ thuật, tôi có thể chỉ sống đạm bạc qua ngày mà vẫn thấy vui lòng”. Từ những tác phẩm đỉnh cao thời kỳ đầu thập niên 1940: “Bên Hồ Hoàn Kiếm”, “Vườn xuân và thiếu nữ”, “Thiếu nữ bên đầm sen”, “Thiếu nữ bên hoa phù dung” cho đến tác phẩm cuối cùng mang tính tổng kết “Vườn xuân Trung- Nam- Bắc” Ông vẫn luôn luôn giữ được một phong độ bậc Thầy. Nguyễn Gia Trí mất tại TPHCM vào ngày 20/06/1993 (nhằm ngày 01/05 Âm lịch). Ông là một tấm gương soi sáng về tài năng và đạo đức nghề nghiệp đối với thế hệ trẻ sau này.

TP.Hồ Chí Minh: Triển lãm “Những phác thảo của Họa sĩ Nguyễn Gia Trí” - 4

Du khách tham quan Triển lãm

Danh họa Nguyễn Gia Trí được Bộ Văn hóa - Thể thao – Du lịch chính thức công nhận là một trong mười Họa sĩ đương đại có công trong việc xây dựng nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại (1989), và được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (2012).

TP.Hồ Chí Minh: Triển lãm “Những phác thảo của Họa sĩ Nguyễn Gia Trí” - 5

Các dụng cụ vẽ tranh của cố Họa sĩ Nguyễn Gia Trí

Triển lãm Triển lãm ảnh chuyên đề “Những phác thảo của Họa sĩ Nguyễn Gia Trí trong sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM” dự kiến sẽ diễn ra đến cuối năm 2013, và có thể kéo dài hơn. Đến Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM (97A Phó Đức Chính, Q1,TPHCM), du khách có dịp chiêm ngưỡng những bản thảo, những tư liệu quý. Du khách sẽ cảm được những giá trị tinh túy của nghệ thuật tranh sơn mài, cũng như hiểu được công lao của Họa sĩ Nguyễn Gia Trí đối với nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Mỹ Hân

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT