QUÀ QUÊ GIỮA PHỐ
Giữa đất Sài Gòn này, nhiều người tự hào là công dân của Thành phố Hồ Chí Minh lớn nhất nước, thì vẫn nhiều người khác chẳng bao giờ chịu nhận mình là “người Sài Gòn”. Nhưng có lẽ những người đó chưa hòa nhập hoàn toàn với xứ đô hội, dù công ăn việc làm, chỗ ở, con cái học hành và cả… cái hộ khẩu cũng đều mang mác của Thành phố. Bởi chính họ còn mang trong lòng một hình ảnh xưa cũ về những vùng quê, đậm dấu chất phác, bình dị, hoang sơ thuở nào.
Bánh nướng vỉa hè
Trên những con đường Sài Gòn, chắc không ít lần ta bắt gặp những thứ hàng hóa của quê, của những vùng nông thôn, xuất hiện tại Thành phố. Ta có thể gọi là những “quà quê”. Đó là những chiếc giỏ, chiếc thúng bằng tre, bằng mây được bày bán trên lề đường hoặc trên những chiếc xe đẩy. Đó là những xe chở chiếu cói, chiếu bàng hoặc màn sáo bằng tre trúc cùng tiếng rao lanh lảnh len vào các con hẻm. Đó là những chiếc xe đạp chở chổi lông gà, chổi dừa, chổi rán, chổi bông cỏ, chổi rơm… cọc cạch rong ruổi qua nhiều con phố. Đó là những đôi quang gánh mang mớ rế lót nồi đan bằng tre, chùm xơ mướp để chùi xoong… thầm lặng qua những vỉa hè nhộn nhịp. Đó là những thúng, những mẹt, những rổ quà quê với ổi sẻ, bình bát, cốm dẹp, ô môi, rau càng cua… từng đi vào ký ức tuổi thơ của một bộ phận người Thành phố. Đó là những gánh tàu hủ, bánh lọt, chè thưng… nước dừa với tiếng rao ngọt tựa nước đường vẫn làm say sưa lũ trẻ nhà quê nay lại làm mê lòng đám nhỏ ở xóm lao động nghèo thành thị. Đôi khi các em nhỏ cũng “gác lại” những chiếc xe hơi điều khiển từ xa hay những con rôbốt để say mê những chiếc máy bay, con cào cào, con tôm… đan bằng lá dừa qua những đôi tay tỉ mỉ, khéo léo. Ở chợ, không hiếm lần ta cũng thấy những rổ rau nhút, rau dừa, rau lang, so đũa, bông súng hay điên điển, làm cho bữa ăn thêm ngon miệng, không chỉ vì là món “lạ”, món ăn nên thuốc mà còn vì sự đậm đà của quê nhà…
Bởi vậy, mỗi dịp Tết Nguyên đán, trên Đường hoa Nguyễn Huệ, điểm mà người ta hay dừng lại là những dấu ấn của một thuở đồng quê: thằng bù nhìn rơm đứng chơ vơ giữa ruộng lúa; cái lu sành đựng nước nằm ẩn mình sau hè; cái vó bắt tôm cá trơ trơ cùng dòng kênh trước ngõ; chiếc xuồng nằm nghiêng nghiêng trong ụ với mái dầm đóng phèn vàng cháy; bụi tre ngà lao xao với khóm chuối xanh rì bên cạnh cầu ao… Đó lại là những món quà nhà quê khác – quà tinh thần – để không chỉ người đứng tuổi nhớ về quê xưa mà còn để lớp trẻ phần nào hình dung được nhà quê là như thế nào. Trên nữa, đó là cách giữ gìn bản sắc của dân tộc. Và, đó cũng là cách giới thiệu những món quà độc đáo này đến với bạn bè quốc tế.
* *
*
Thật tự nhiên, mỗi khi thấy những chiếc rổ bằng tre sơn vécni đỏ thắm để làm đồ trang trí hơn là vật dụng thì trước mắt tôi hiện lên hình ảnh ông Ngoại tôi ngồi cặm cụi chẻ tre, chuốt nan đan rổ. Hay khi thấy những người đàn ông cặm cụi đẩy xe hàng cao ngất nghểu thì tôi nhớ ngay đến ba tôi từng có những ngày “lang thang” với gánh hàng rong khắp các chợ miền Tây cùng tiếng rao khàn đục. Hay gặp những người phụ nữ kĩu kịt gánh hàng trên vai là tôi chẳng thể nào quên mẹ tôi cũng từng có những ngày thúng gánh với chục ký khoai lang, khoai mì, vài ký cá khô mặn…
Hãy dành những góc lặng giữa phố thị ồn ào cho những thứ hàng quê. Hãy ghi vào ký ức hay cả bằng phim ảnh những hình ảnh ấy để e rằng nay mai không còn nữa. Hãy dành một khoảng sâu thẳm trong tâm hồn để lắng đọng những tình cảm êm đềm của một thời xưa cũ khi bắt gặp những thứ hàng quê ấy. Hãy dừng lại hỏi thăm, mua ủng hộ vài món để thắp sáng những hi vọng về sự đổi đời của một ngày mai tươi sáng hơn cho một thế hệ mới!
Không chừng, bạn có thể có những cảm xúc mới lạ hơn khi vừa trò chuyện vừa thưởng thức món khoai lùi nóng hổi, bắp nướng thơm lừng, bánh tráng nướng giòn, ly bình bát giằm đá đường mát lạnh… Và, cũng không chừng, khi bạn dùng chổi lông gà, chổi rơm, chổi dừa để vệ sinh nhà, dùng xơ mướp để rửa chén… thì từ lòng cảm phục những bàn tay tỉ mỉ khiến bạn chăm chút hơn, cẩn thận hơn để nhà bạn sạch sẽ hơn cũng nên!
Chổi lông gà, chổi dừa đây... đây... đây!
N.M.H