Nỗi nhớ sông quê
Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên ở xứ đất đỏ bazan đầy nắng gió này, quanh năm thời tiết chỉ có hai mùa. Con sông Sêrêpôk chảy qua làng Thái thơ mộng, hiền hòa vào mùa khô, và cuồn cuộn chảy hung hãn, khủng khiếp mỗi khi mùa mưa về.
Nhà tôi di cư vào Tây Nguyên hồi năm 1954. Hồi ấy chiến tranh, loạn lạc. Gia đình tôi phải sơ tán vào Đăk Lăk, chọn bờ sông Sêrêpôk định cư và lập thành ngôi làng như ngày nay, gọi là làng người Thái, nói tắt là làng Thái. Mẹ tôi từng kể với tôi như vậy.
Xứ đất đỏ bazan nồng nàn hương hoa cà phê đầy quyến rũ và những tách cà phê nóng hổi, nghi ngút khói thơm lừng vào những buổi sáng tinh sương.
Một vùng đất đầy văn hóa, sử thi như vậy, thế nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, tôi lại lăn lội xuống TP.HCM lập nghiệp, để chứng tỏ tuổi trẻ của mình.
Rẫy mai vàng rực yên bình ven sông
Ở TP.HCM làm việc, có lẽ vì nguồn cội, vì gốc gác, hồn quê nên tôi không xa rời được phố núi Buôn Ma Thuột này chăng? Nỗi nhớ nhà giăng đầy trong tâm hồn tôi, hay có lẽ tôi là người nhạy cảm?
Tôi nhớ dòng sông Sêrêpôk thỉnh thoảng tôi cùng anh trai xuống sông tắm mát, giăng câu, bắt cá. Tôi nhớ những con đường đất đỏ bazan màu mỡ, rẫy cà phê bạt ngàn trái chín trĩu cành, nhớ khói lam chiều bảng lảng nơi trái bếp, nhớ từng ngọn núi, nhớ từng quả đồi, và nhớ từng lối đi.
Thời điểm tôi khăn gói vào Sài Gòn, ban đầu tôi chỉ muốn về nhà, nói chính xác tôi nhớ nhà, nhớ da diết. Một nỗi nhớ đau đáu, mông lung, rối bời. Tôi như cánh chim lạc loài giữa thành phố.
Nơi đất khách quê người, tôi cảm thấy buồn bã, cô đơn và trống trải nhưng vì công việc, vì cuộc sống, và vì tuổi trẻ nên tôi không còn sự lựa chọn nào khác, tôi đành chấp nhận phải xa quê, trụ lại ở Sài Gòn.
Một thời gian sau khi tôi kiếm đủ số tiền trong tay. Bản thân lại có một số lý do cá nhân cộng với nỗi nhớ nhà quay quắt, nên tôi bỏ mọi thứ ở chốn phồn hoa đô hội, rời Sài Gòn để về Buôn Ma Thuột làm lại từ đầu, sắp xếp lại đời sống của mình. Đọc đến đây, nhiều bạn sẽ cho rằng tôi yếu ớt, vậy mà cũng không chịu được,…Nhưng thật ra, mỗi người đều có sự lựa chọn cho riêng mình, chọn ra đi, hay chọn ở lại, hay trở về,…mà bản thân cảm thấy phù hợp, và với tôi lựa chọn trở về là hạnh phúc, an yên nhất.
Tôi chuyển công tác về Buôn Ma Thuột, vào một mùa xuân mưa phùn giăng khắp lối. Dòng sông Sêrêpôk lại hiền hòa bao dung lấy tôi. Tôi như con sông nhỏ, là dòng phụ lưu hòa nhập vào dòng sông Sêrêpôk ấy. Nếu như mảnh đất Sài Gòn cho tôi kinh nghiệm sống của tuổi trẻ một thời, thì mảnh đất Buôn Ma Thuột lại nuôi dưỡng tâm hồn và cho tôi thơ mộng.
Từ trong nhà ngồi ăn cơm nhìn ra view sông Sêrêpôk
Trở về phố núi Buôn Ma Thuột, thấy dòng sông Sêrêpôk tôi như cá gặp nước, cảm giác nhẹ nhàng, vui vẻ hơn. Mọi lo lắng trong tôi vơi bớt. Mỗi buổi sớm tôi mở cánh cửa sổ đón ánh bình minh tràn vào phòng và lắng nghe tiếng chim hót véo von trên tán cây. Gió mùa xuân thổi lồng lộng, mát rượi.
Vào một sáng xuân. Tôi chạy xe lên rẫy, lấy củi, hái rau, thổi cơm, khói bếp cay xè mắt. Tiếng chim thánh thót, vang vọng khắp núi rừng, cỏ cây tưng bừng hoa lá, nắng sóng sánh rót mật trên nương. Một rẫy hoa mai anh tôi trồng bung nở sắc thắm bên bờ sông Sêrêpôk. Không gian mùa xuân tưng bừng sức sống, tràn đầy một màu vàng rực rỡ. Hoa chen hoa mà không thấy lá, những cánh hoa mai lập lòe như thắp lửa hừng hực cả mùa xuân để chào đón tôi trở về. Bỗng dưng lòng tôi reo vui, và ngân nga những câu thơ mình sáng tác:
Tôi như cánh chim lạc bầy, giờ đã tìm thấy nguồn cội
Tôi như con suối nhỏ hòa vào con sông lớn
Tôi như cái cây hòa vào cánh rừng
Một mai mùa xuân mùa của yêu thương trở về.
Thử hỏi nếu xa quê, một năm chúng ta về nhà được mấy lần? Tôi theo nghề dạy học, nên lúc tôi ở Sài Gòn, một năm được về nhà hai lần dịp nghỉ hè và Tết Nguyên Đán.
Nhưng với tôi về nhà đâu phải chỉ Tết lễ, hội hè mới về nhà, mà rảnh rỗi tôi cũng tranh thủ về nhà. Chỉ sợ rằng về nhà mà còn cảm thấy hiu quạnh thì thật là bất hạnh.
Tôi tin ai cũng có dòng sông trong lòng. Nếu có thể, bạn hãy về nhà. Về nhà không có nghĩa là thất bại, không có nghĩa là từ bỏ, mà về nhà ta được sống với dòng sông của…cội nguồn.