“Lá cờ thêu sáu chữ vàng”
Sân khấu kịch IDECAF đã ra mắt chương trình Sân khấu kịch lịch sử học đường, với vở kịch lịch sử “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” dành cho học sinh, sinh viên tại sân khấu số 7 Trần Cao Vân, Quận 1, TPHCM vào sáng Chủ nhật hàng tuần. Đây là một trong 5 vở được dàn dựng cho kế hoạch đưa kịch lịch sử dành cho học sinh, sinh viên về các nhân vật anh hùng lịch sử: Hai Bà Trưng, Trần Quốc Toản, Ðinh Tiên Hoàng và truyền thống dân gian Việt Nam: Thánh Gióng, Sơn Tinh – Thủy Tinh…vào các trường học
Diễn viên Huỳnh Quý trong vai Chiêu Thành Vương, tạo ấn tượng đẹp đối với khán giả thiếu nhi
Vở “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của tác giả Minh Phương, đạo diễn Vũ Minh kể về nhân vật anh hùng nhỏ tuổi Trần Quốc Toản, vốn rất quen thuộc với khán giả thiếu nhi và học sinh, nay được dàn dựng, nhằm mục đích hoàn thành dự án Đưa kịch lịch sử vào học đường. Đạo diễn Vũ Minh cho biết: “Lực lượng diễn viên trẻ được tuyển từ những khóa đào tạo diễn viên sẽ là nguồn lực chính cho các vở diễn lịch sử dân tộc, bên cạnh đó sẽ tăng cường thêm các nghệ sĩ tên tuổi. Nghệ sĩ Thành Lộc sẽ phụ trách tư vấn về chuyên môn, tôi và đạo diễn Ðình Toàn sẽ phụ trách dàn dựng và quản lý diễn viên, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đi huy động vốn, những diễn viên ngôi sao như Ðại Nghĩa, Lê Khánh, Ðình Toàn, Bạch Long... sẽ được tăng cường vào các vở diễn. Giá vé vào xem sẽ là 40.000 đồng/vé. Song song đó Idecaf cũng sẽ liên hệ với các trường học để đem vở về trường diễn với giá vé 20.000 đồng/học sinh”.
Diễn viên Trương Hạ xuất sắc trong vai Trần Quốc Toản
15 năm miệt mài làm công việc sáng tác, dàn dựng những kịch bản lịch sử Việt Nam, thông qua thương hiệu “Ngày xửa, ngày xưa”, sân khấu IDECAF đã tạo thêm một bước ngoặc mới để dự án “Tôi yêu lịch sử Việt Nam” sẽ tiếp tục tạo được thế đứng “ba chân”: đào tạo dàn diễn viên trẻ; đưa kịch bản lịch sử vào học đường và gieo những hạt giống tâm hồn say mê sử Việt. Ông bầu cũng là người “máu lửa” với cách ví von này – Huỳnh Anh Tuấn đã từng than: “Sẽ có tội khi cứ để con nít mê Na Tra hơn là mê Trần Quốc Toản”. Từ sự tự ái đó, anh đã nhận được sự tiếp lửa đáng trân trọng của NSƯT Thành Lộc, Hữu Châu, nghệ sĩ Bạch Long, đạo diễn Vũ Minh, Đình Toàn…để tất cả cùng xắn tay áo, lấy doanh thu của chương trình “Ngày xửa, ngày xưa” đổ vào dự án thiết thực, mà lẽ ra đó là công việc của nhà nước.
Những pha võ thuật thật đẹp của vở “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, thu hút khán giả thiếu nhi
Nhìn gương mặt rạng rỡ nụ cười, mồ hôi ướt đẫm trên trán của chàng Đạo diễn trẻ giàu tâm huyết với dự án này, bất cứ ai cũng dành cho anh niềm cảm phục. Vì hơn 3 tháng qua, anh miệt mài, lăn lộn, để sau vở diễn này, những vở như: Đinh Bộ Lĩnh, Hai Bà Trưng, Thánh Gióng, Hồ Quý Ly…sẽ lại tiếp tục ra mắt công chúng. Mừng vì họ đã không còn bị bỏ rơi, khi mà thông tin sáng thứ sáu (22-8), một cuộc Hội thảo mang tên của dự án này “Tôi yêu lịch sử Việt Nam” do Sân khấu IDECAF thực hiện dưới sự chủ trì của Sở VH- TT-DL TPHCM và Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM đã được tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động TPHCM. Nhiều ý kiến bổ ích của giới nghiên cứu lịch sử và giới chuyên môn về việc đề xuất những phương án nuôi dưỡng dự án này. “Chúng tôi muốn có sự động viên tích cực hơn, để một sân khấu xã hội hóa có thể vượt qua khỏi việc lo chung cho “cơm, áo, gạo, tiền”, để cùng gánh vác thêm trọng trách đưa sân khấu đến với học đường một cách thiết thực” – Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đã tâm sự.
Bài và ảnh: Tố Trâm