DU XUÂN CẦN THƠ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

DU XUÂN CẦN THƠ - 1Những ngày sắp sửa đón Tết Nguyên Đán, năm nào cũng vậy, NSƯT Thanh Thanh Tâm đều rủ bạn bè cùng chị về thăm lại quê ngoại thân yêu. Đó là miền Tây Đô gạo trắng nước trong. TCDL xin giới thiệu bài tùy bút của NSƯT Thanh Thanh Tâm về cảm nhận trên miền sông nước đầu xuân của chị

Rời cầu Cần Thơ, tôi và nhà báo Dương Thị Liên Chi đã đến thăm chợ nổi Cái Răng. Tàu rời bến, giữa ban mai trong lành, Liên Chi ngắm bình minh đang lên trên sông Cần Thơ và tận hưởng làn gió mát rượi buổi sớm, mang hơi hướng của sương mù, phù sa và dường như có cả “cái hồn” châu thổ. Cảnh sinh hoạt của người dân ở hai bên bờ sông diễn ra như một đoạn phim chạy ngược hướng tôi quay về với tuổi thơ của mình. Một cảm giác thật yên bình. Như quen thuộc từ thuở nào, Tôi nói với cô bạn thân là con gái của nhà văn Ngọc Linh – người có nhiều tác phẩm viết về miền sông nước Nam Bộ, trong đó nổi bật nhất là kịch bản Đất lở : “Ở miền đất yêu thương này nói nếu lỡ thức dậy muộn, bạn có thể đến chợ nổi Cái Răng để ăn sáng trên sông. Từ trung tâm TP. Cần Thơ đến đây bằng đường bộ, chỉ mất khoảng 15-20 phút với đủ loại phương tiện. Đi xe buýt khoảng 3.000 đồng/người, xe ôm thì 10.000 đồng/người và một chuyến taxi khoảng 50.000 đồng. Đến Cái Răng, bạn đi bộ một chút, quẹo vào đường Võ Tánh nằm bên phải cầu Cái Răng (tính từ trung tâm thành phố ra). Đây là nơi tập trung các loại ghe, xuồng cho thuê đi chợ nổi với giá từ 20.000 - 30.000 đồng/ giờ tùy theo ghe máy hay ghe chèo. Chợ họp đông nhất từ 6 giờ đến 8 giờ sáng. Hàng trăm ghe, thuyền lớn bé đậu san sát nhau để tham gia chợ nổi”. Liên Chi gật gù rồi trả lời: “Tớ về đây thì phải đi ghe chớ sao lại đi xe ôm”. Thế là chúng tôi lên ghe hướng về phía chợ nổi. Gió xuân thổi mát lạnh, không khí đón Tết dường như đến sớm. Chợ nổi Cái Răng cũng là chợ đầu mối chuyên mua bán sỉ các loại trái cây, nông sản của vùng. Hàng hóa tập trung ở đây với số lượng lớn. Nhất là vào dịp tết Nguyên đán, thì đủ thứ mặt hàng được bày bán trên sông. Mỗi mặt hàng đã được phân loại cho đồng đều về chất lượng, kích cỡ. Nếu như dân địa phương và các vùng lân cận thường sử dụng các ghe, xuồng trung bình chở các mặt hàng nông sản đến đây tiêu thụ thì những ghe bầu lớn là của các thương lái thu mua trái cây tỏa đi khắp nơi, sang tận Campuchia và Trung Quốc. Hòa mình vào không khí nhộn nhịp của buổi chợ, du khách có thể quan sát, tìm hiểu sinh hoạt của nhiều gia đình thương hồ với nhiều thế hệ chung sống trên ghe. Có những chiếc ghe như “căn hộ di động” trên sông nước với những chậu hoa kiểng, các loài vật nuôi, các tiện nghi đầy đủ như ti-vi màu, đầu đĩa, dàn âm thanh... có cả xe gắn máy đậu trên ghe như chứng tỏ “đẳng cấp” của người chủ.

DU XUÂN CẦN THƠ - 2Ảnh: NSƯT Thanh Thanh Tâm và Nhà báo Liên Chi thăm chợ nổi Cái Răng

Âm thanh chợ nổi bao gồm tiếng máy nổ, chèo khua nước, sóng vỗ oàm oạp vào mạn thuyền. Không ồn ào như chợ truyền thống, người buôn bán ở chợ nổi thường không rao hàng bởi những sản vật đã được treo trên “bẹo”, tức cây tre cắm ở mũi mỗi chiếc ghe, xuồng cho biết thuyền chủ nhân đang bán mặt hàng gì. Nhịp sống năng động ở chợ trên sông thể hiện qua những chiếc ghe nhỏ bán thức ăn sáng, cà phê thậm chí cả đồ nhậu len lỏi trong chợ, phục vụ nhu cầu của người thương hồ, từ đàn ông, phụ nữ đến trẻ em. Ở chợ nổi, có đủ dịch vụ từ sửa máy, sửa cân, ghe bán xăng dầu, đến những hàng bách hóa như quần áo, hóa mỹ phẩm, mắm muối, thuốc tây, bánh kẹo... Các xuồng dịch vụ thường nhỏ gọn, len lỏi rất thiện nghệ, áp mạn ghe bán hàng, thu tiền. Tôi và Liên Chi muốn biết cảm giác ăn sáng trên sông nước rập rờn, nên cả hai quyết định ăn bún riêu. Chỉ khoảng 5.000 - 6.000 đồng cho một tô là no đến chiều. Nhiều bác khán giả phát hiện ra tôi, quyết định tặng thêm một tô bún, chỉ để nghe Thanh Thanh Tâm ca một câu vọng cổ. Thế là tôi ca Xuân đất khách của chú Viễn Châu, bà con vỗ tay, lòng mình lâng lâng khó tả.

Có thể nói, nét độc đáo và đặc điểm chính của chợ nổi Cái Răng là chuyên buôn bán các loại trái cây, đặc sản của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Nghe ngoại tôi kể, thuở xưa, chợ nổi hình thành là đường bộ và phương tiện lưu thông đường bộ chưa phát triển, trong khi đó nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa, người ta tụ tập trên sông và bằng các phương tiện như xuồng, ghe, tắc ráng.... Ngày nay, dù mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển rộng khắp nhưng chợ nổi vẫn tồn tại và phát triển ngày một sầm uất hơn.

Chợ không hoạt động và hoạt động rất ít vào các ngày Tết Nguyên Đán (mồng 1 và mồng 2 Tết), Tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng Năm âm lịch). Tôi rất thích những câu thơ nói về chợ nổi Cái Răng

Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng

Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn

Em treo bẹo Cái Răng Ba Láng

Ta thương hồ Vàm Xáng Cần Thơ

 

Có ai biết, từ Cần Thơ thân yêu này, ngoại tôi đã lên Sài Gòn lập nghiệp. Gia đình tôi lớn lên cũng từ những lời kể chuyện về miền quê này qua trí nhớ của ngoại. Mùa xuân này, mang tâm trạng háo hức khi về thăm quê nhà, tôi cảm nhận rất rõ niềm vui và hạnh phúc khi gặp lại những hình ảnh mà tuổi thơ mình từng ôm ấp, nâng niu. Về nơi đây, tôi đã gặp lại những hình ảnh thân quen của tuổi thơ. Dòng sông đối diện với mái nhà tranh quê nội vẫn đầy mênh mang. Dòng chảy vẫn êm đềm bình lặng, có đều do phù sa bồi đắp, mặt sông đã rộng hơn, không gian thoáng mát hơn. Con đường làng vào nhà bà nội giờ đã được tráng nhựa sạch đẹp. Nơi mà hồi đó mỗi buổi sáng đi học gặp cảnh trời mưa, người cậu của tôi đã cõng tôi qua những đoạn đường đầy sình bùn. Quê nhà hiện ra trước mắt tôi như tuổi thơ chỉ mới ngày hôm qua. Tôi nhớ bà ngoại và những buổi trưa hè cùng bà ngồi ăn cơm. Món cá kho và tô canh chua sao mà ngon đến phát thèm mỗi lần nhắc đến. Bà ngoại tôi có ánh mắt trìu mến, mỗi khi con cháu làm điều gì không hài lòng, ánh mắt ấy không hề biểu lộ niềm tức giận, mà là sự cảm thông để còn có thể giúp con cháu sửa sai, làm lại những điều tốt đẹp hơn.

Quê hương trong tôi còn có thể kể đến những gốc ổi, cây sầu riêng trĩu quả trong vườn. Trái non xanh mởn chen trong những chùm hoa ổi thơm dịu. Những bụi quýt có trái vỏ dày xanh nhám, khi lột vỏ sẽ thấy ngay những sớ múi vàng ươm, mộng nước, ngọt lịm. Khu vườn nhà bà ngoại của tôi là cả một khoảng trời tuổi thơ trong sáng. Nơi cho tôi nhiều hoài bão để sống, để mơ ước và vươn tới những khát khao muốn khẳng định mình trong sự nghiệp sân khấu.

Thật là thú vị và đầy chân quý đối với chuyến đi đầu xuân sau gần 8 năm xa quê hương. Tôi nói với Liên Chi, sao tớ thấy mình nhỏ bé trước những mơ ước mà bà ngoại đã vẽ ra cho mình hồi còn bé. Đó là làm cách nào đó để quê hương mình ngày càng giàu đẹp hơn. Liên Chi cười: “Thì cậu đang làm đó, hãy diễn những vai tuồng ca ngợi tình yêu dân tộc, ca ngợi mùa xuân đang về trên quê hương mình, đó cũng là điều bà của cậu mong muốn”. Tôi cười, nhìn phía xa chân trời, ánh bình minh đã hiện lên với bầu không khí ấm áp, thân thương. Một mùa xuân mới đến với nhiều tin yêu cho sự nghiệp của tôi.

 

TTT


Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT